.
Kỷ niệm 14 năm ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (1/4/2001 – 1/4/2015):

Trịnh Công Sơn và mối duyên với Quảng Bình

Thứ Tư, 01/04/2015, 09:04 [GMT+7]

(QBĐT) - 14 năm trôi qua kể từ ngày nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn đi vào cát bụi. Nhưng những ca khúc của “người hát rong qua nhiều thế hệ” ấy đã vượt qua mọi lằn ranh, biên giới để làm rung động mãi trái tim của hàng triệu người mộ điệu. Ít ai biết, ca khúc “Huyền thoại mẹ” – bài ca đi cùng năm tháng của ông lại được lấy cảm hứng từ hình ảnh mẹ Suốt của quê hương Quảng Bình.

Nhà thơ Ngô Minh (Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế) là người bạn lâu năm của nhạc sỹ tài hoa họ Trịnh. Trong những cuộc chuyện trò bên chén rượu đầy, không ít lần, Trịnh Công Sơn kể cho ông nghe về những chuyến đi thực tế nhiều trải nghiệm, để rồi, từ trên những cung đường ấy, nhiều nhạc phẩm xuất sắc đã ra đời. Nhà thơ cho biết, năm 2004, Trịnh Công Sơn là 1 trong 6 tên tuổi nhạc sỹ lớn của thế giới được nhận “Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới” bởi những cống hiến của ông trong việc góp một sức nặng lớn lao trong cuộc chiến đấu vì hòa bình và thống nhất đất nước. Nhiều năm sau ngày thống nhất, Trịnh Công Sơn vẫn ám ảnh về nỗi đau chiến tranh và khát vọng hòa bình. Ca khúc “Huyền thoại mẹ” là một trong những bài hát hay nhất về những người mẹ anh hùng.

Có lần, Trịnh Công Sơn kể với chúng tôi trong một cuộc rượu ở Huế rằng: “Dạo mình ra Quảng Bình, được nhìn bức ảnh mẹ Suốt tóc bay ngang trời chống thuyền qua sông giữa bom đạn, rồi kết hợp với những thực tế cùng những câu chuyện nghe được, mình đã viết bài hát “Huyền thoại mẹ”.

Hình ảnh mẹ Suốt chèo đò qua sông đã trở thành nguồn cảm hứng  để Trịnh Công Sơn sáng tác “Huyền thoại mẹ”
Hình ảnh mẹ Suốt chèo đò qua sông đã trở thành nguồn cảm hứng để Trịnh Công Sơn sáng tác “Huyền thoại mẹ”

Theo lời kể của nhà thơ Ngô Minh, thì chuyến đi về Quảng Bình mà Trịnh Công Sơn nhắc đến đó là vào cuối những năm 70, thế kỷ trước. Khi ấy, ba tỉnh Bình – Trị - Thiên vừa sáp nhập lại được vài năm. Hội VHNT Bình Trị Thiên tổ chức chuyến đi thực tế ra thăm Quảng Bình để tìm cảm hứng sáng tác cho anh chị em văn nghệ sỹ. Ngay tại Nhà truyền thống của thị xã Đồng Hới ngày đó (xây dựng trên chính địa điểm của Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình hiện nay – PV) có trưng bày bức ảnh mẹ Suốt đang chèo đò đưa bộ đội qua sông. Chính hình ảnh mẹ Suốt “ngẩng đầu mái tóc mẹ rung, gió lay như sóng biển tung trắng bờ” ấy đã tạo một ấn tượng sâu sắc đối với vị nhạc sỹ họ Trịnh.

Từ tấm gương của mẹ Suốt anh hùng quê ở Bảo Ninh bên bờ Nhật Lệ, để rồi ông “khái quát hóa”, nghĩ về các bà mẹ Việt Nam một đời đã vì chồng vì con, vì dân, vì nước mà lặng thầm hy sinh. Năm 1984, tuyệt phẩm “Huyền thoại mẹ” ra đời. Đó vừa là ca khúc ngợi ca những người mẹ Việt Nam anh dũng trong chiến đấu, vừa là tình cảm ông dành cho chính người mẹ kính yêu của mình. Bởi lúc sinh thời, Trịnh Công Sơn đã dành những lời tốt đẹp nhất viết về mẹ: “Có một người đàn bà yêu thương tôi và tin tưởng ở tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà hy sinh cả tính mạng. Đó là Mẹ tôi. Có một người bạn trung thành với tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà từ bỏ hết mọi của cải, mọi thứ ân sủng quý giá nhất. Đó là Mẹ tôi”.

Có ba năm công tác tại Sở Văn hóa – Thông tin Bình Trị Thiên cùng Trịnh Công Sơn nên nhạc sỹ Hoàng Sông Hương hiểu khá rõ về ông. “Đó là một người giản dị nhưng sâu sắc, thâm trầm. Sâu sắc, triết lý như chính những ca từ của mình”, nhạc sỹ Hoàng Sông Hương đã nói về người bạn đồng nghiệp của mình như thế. Riêng về “Huyền thoại mẹ”, nhạc sỹ Hoàng Sông Hương nhận xét rằng giai điệu “Huyền thoại mẹ” mang chất tự sự, sâu lắng, trầm hùng, tạo nên hình ảnh thiêng liêng của một bà mẹ Việt Nam – vĩ đại và lớn lao và điều quan trọng nhất là ông đã dựng nên một tượng đài nghệ thuật, đó là tượng đài bất tử-tượng đài về Mẹ Tổ quốc.

Cảm hứng sáng tác từ hình ảnh mẹ Suốt nhưng “Huyền thoại mẹ” đã mang tính khái quát hơn, đầy đủ hơn. Người ta tìm thấy ở đó chân dung của nhiều bà mẹ, những người mẹ anh hùng nuôi nấng, đùm bọc các chiến sỹ trong hai cuộc trường chinh lịch sử và đó còn là biết bao bà mẹ vẫn lặng thầm hy sinh, chở che những đứa con thơ của mình, “mẹ là nước chứa chan/ Trôi dùm con phiền muộn/ Cho đời mãi trong lành/ Mẹ chìm dưới gian nan”.

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, ca sỹ Mỹ Lệ và một số nghệ sỹ khác (Ảnh do gia đình nhạc sỹ Hoàng Sông Hương cung cấp).
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, ca sỹ Mỹ Lệ và một số nghệ sỹ khác (Ảnh do gia đình nhạc sỹ Hoàng Sông Hương cung cấp).

Nhiều văn nghệ sỹ như nhạc sỹ Hoàng Sông Hương, nhà thơ Ngô Minh, nhà thơ Vĩnh Nguyên (Hội VHNT Thừa Thiên Huế) đều kể rằng trong nhiều cuộc trò chuyện trước kia, Trịnh Công Sơn có nhắc đến việc gia đình ông có gốc gác từ làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn). Thông tin đến nay vẫn chưa được kiểm chứng, thế nhưng, có một sự trùng hợp thú vị là hiện nay, vị nhạc sỹ tài hoa này được an táng tại Nghĩa trang Quảng Bình (Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) – một nghĩa trang do Hội ái hữu Quảng Bình xây dựng từ trước năm 1975 và nay, do Hội đồng hương Quảng Bình tại thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Mộ của Trịnh Công Sơn được đặt ngay cạnh mộ mẹ mình là bà Lê Thị Quỳnh, quanh năm phủ đầy hoa và được sự thăm viếng thường xuyên của hàng triệu người yêu nhạc Trịnh.

Trịnh Công Sơn được biết đến như “người Việt viết tình ca hay nhất thế kỷ”, nhưng khi viết về quê hương, đất nước, ông cũng viết bằng chính tâm hồn và trái tim mình, như nhạc sỹ Văn Cao đã từng nhận xét: “Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền”. 14 năm người nghệ sỹ tự nhận mình là “tên hát rong” ấy rời “cõi tạm”. 14 năm, người ta vẫn còn nghe mãi những ca khúc của ông như thể ông vẫn hiện diện đâu đó “để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”. Và cũng có thể là mãi mãi, trong nhiều mái ấm của những gia đình Việt Nam, trong nhiều quán cà phê của các thị thành đến tận những làng quê xa xôi, những tình khúc của Trịnh vẫn vang vọng, vẫn tiếp tục làm rung động trái tim của nhiều thế hệ người mộ điệu.

Diệu Hương