.

Tết quê, còn nhớ câu hò...

Thứ Tư, 18/02/2015, 17:18 [GMT+7]
Ảnh minh họa. (Nguồn: QBĐT)
Ảnh minh họa. (Nguồn: QBĐT)

(QBĐT) - Trước đây, bên dòng của sông Gianh trữ tình, vào những dịp Tết, gái trai thường tụ họp hò hát đối đáp với nhau. Có những câu ca mang tình yêu núi sông, ruộng đồng man mác gắn với lòng thương cha nhớ mẹ diết da: Về Đá Nhảy lao xao sóng bể/ Nỗi buồn theo Vụng Hóp, Khe Giang/ Từ Đồng Miếu sang Cha Màn/ Lên Đá Bụt tới Mạ Ca năn nỉ/ Trời nam biển bắc bao nỗi nhớ thương/ Ơn cha nghĩa mẹ lỗi đạo đường báo đáp...

Nhưng, với tôi, ấn tượng hơn cả vẫn là những câu hò đối đáp tinh nghịch vui vẻ song không kém phần sâu sắc của trai gái làng mình.

Người con gái tủm tỉm cười cất tiếng: - Ơ... hò... Ba ba nấu cháo ba ba, tam tam như cửu, hỏi anh đà chín chưa? Độ xoáy nằm ở cách chơi chữ khá khôn khéo, sử dụng từ đồng âm nhưng khác nghĩa, từ nhiều nghĩa, từ Hán – Việt kết hợp với nhau... Ba ba là con ba ba (một loài vật thuộc họ rùa) nhưng ba ba cũng là con số (33) hay có thể là phép tính nhân (3x3=9 nói tắt 3.3 là 9). Tam tam như cửu (từ Hán) có nghĩa ba ba là chín. Từ chín (cửu) xuất hiện ở vế cuối câu hò không chỉ con số mà mang hai nghĩa khác nhau trong đó nghĩa đen là cháo chín chưa và nghĩa bóng là em muốn hỏi anh đã chín chắn chưa? Ui chao, cũng thâm sâu và đáo để lắm lắm mấy cô, mấy ả làng tôi.

Ánh mắt chàng trai lướt nhẹ trên cặp má bồ quân của đối tác, cất giọng trả lời: - Cầu hai nước chảy phân hai, nhị nhị như tứ, xin em chớ theo ai bốn lần. Ghê! Và, nói theo ngôn ngữ hiện đại của lớp trẻ bây giờ là chuẩn không cần chỉnh! Câu hò đáp thật xoay. Cũng chơi chữ chẳng kém gì các em và ác hơn là ở lối nói thanh mà tục đến tức cười.

Cô gái lại hò lên: - Con rắn không chân, rắn nhờ chi rắn đi mười ngọn rú, con gà không có bụ gà nhờ chi nuôi đủ mười con? Trai nam nhi đối được gái gá nghĩa nước non suốt đời. Ở đây có mấy phương ngữ, tôi xin dịch ra phổ thông: chi là gì, rú là núi và bụ là vú.

Chàng trai sông Gianh không hề nao núng cất tiếng hò trong phơi phới gió bay: - Con rắn không chân có cái thân dài uốn oánh, con gà không bụ nhờ đôi cánh ấp con. Trai nam nhi đã đối đặng, gái đã gá nghĩa nước non hay còn chờ?

Sau tiếng hò rất xoay của người đáp, đám con trai cười nghiêng ngả còn mấy cô gái mười tám đôi mươi túm tụm vào nhau đấm lưng thùm thụp. Vui thế, nghịch ngợm thế nhưng họ ân cần dặn dò nhau: Làm trai anh ơi phải giữ mưu giữ kế/ Làm gái em đây cũng biết giữ thế giữ thần/ Thương nhau để bụng... chớ ngồi gần thiên hạ ngại nghi...

Có khi hò đối đáp là dịp để trai thanh gái lịch kiểm tra hiểu biết của nhau. Người con gái hỏi: Nào ai bị rớt xuống sông? Nào ai thất lạc vườn hồng năm canh? Nào ai phá ngục khai thành? Nào ai bị trói năm canh tan tùng? Nào ai giữ trọn hiếu trung? Trai nam nhi đáp được gái nữ hồng kết duyên. Nếu không đọc Lục Vân Tiên thì chắc chàng trai khó đáp được thế này: Vân Tiên bị rớt dưới sông/ Nguyệt Nga thất lạc vườn hồng năm canh/ Án Binh phá ngục khai thành/ Tiểu Đồng bị trói năm canh bão bùng/ Tử Trực giữ trọn hiếu trung/ Trai nam nhi đây đối được gái nữ hồng tính sao?

Bão giông, hạn hán, chiến tranh không lấp vùi được niềm vui sống của con người nơi miền đất khắc nghiệt này. Sau những vất vả gian truân con gái con trai quê tôi vẫn cất câu hò đối đáp mộng mơ mê đắm hay tinh quái ghẹo trêu nhau. Anh về ở với em, em may cho anh một năm ba quần ba áo, em sắm cho anh một nón dấu một mẩu tơi mo, ngày anh ra đồng cuốc ruộng, ăn ở thật thà em thương. Người con gái lại cất lên tiếng hò trong trẻo. Chàng trai sẽ trả lời sao đây trước bày tỏ có thể nói là rất chủ động của người đẹp đang đứng trước mặt mình. Im lặng chăng?

Lúc này im lặng không phải là vàng, thế là chàng trai buông ra một câu hò rất độc. Độc ở chỗ anh ta bê gần như nguyên xi lời cô gái hò chỉ cần, vâng, chỉ cần biên tập tý chút ở phần cuối. Anh ở với em, em sắm cho anh một năm ba quần ba áo, em sắm cho anh một nón dấu, một mẩu tơi mo, ngày anh ra đồng cuốc ruộng, tối em cho ngủ nhờ mới vâng!

Nguyễn Hữu Quý