Tết về quê đi em

Cập nhật lúc 07:25, Thứ Tư, 11/02/2015 (GMT+7)

(QBĐT) - Tết về bên ngõ. Ở phía làng, những mái nhà chuẩn bị tươm tất giang rộng không gian đón đợi con cái, anh em, họ hàng, bạn bè, khách khứa. Bao gác nhà thờ sau lũy tre làng lên hương đèn để đứa con xa làng về chiêm bái. Những mùi thơm của tuổi thơ ướm về phơi phới. Bao mùi xưa của cuộc đời da diết gợi đầy ký ức. Ở quê là làng, là đất đai hương hỏa, là bền dai dịu ngọt, là ôm ấp vuốt ve, là nhớ thương, là tất bật phiên chợ quê cho mâm cỗ đủ đầy, là mùi vị của bếp núc thơm lừng hai tiếng quê hương.

1. Đi xa dù phương trời nào, ai cũng có một quê hương chở đầy ký ức của rơm rạ, đồng làng, của sông của suối, của bến làng giếng nước, của con trâu cái cuốc, của gánh lúa củ khoai, của nương ngô bãi sắn, của góc tre làng hiền hậu giữ chốn chôn nhau. Làng phía đó đau đáu những buổi hè xào xạc cùng bạn bè lùa trâu tắm mát. Da diết những thuở trốn bão chạy lũ, nhớ thương cồn cào buổi mùa đông rét lạnh í ới thổi lửa nướng khoai bên bờ ruộng quê. Mảnh quê cũng nhớ bao đứa con đi xa tít tắp, nhớ tên từng đứa oe oe sau chín tháng mười ngày, cái Mẹt, con Hoa, thằng Cu đứa Rựa... cứ hồn hậu gọi tên như ngọn cỏ giữa làng một thuở khó khăn. Mảnh đất sinh thành quê mùa không quên nuôi nấng bao sản vật chắt chiu được cho mỗi đứa lớn lên mang theo ước mơ bất tận vào cuộc đời mưu sinh khắp chốn.

Tết về quê để ngắm cây mai làng mấy trăm năm vàng rộm thương yêu.
Tết về quê để ngắm cây mai làng mấy trăm năm vàng rộm thương yêu.

Ngọn tre già xưa vẫn đợi đó ru ngủ giấc trưa của mùa chim làm tổ. Cánh cổng làng chưa một lần đóng cửa then cài mà mở mãi rồi lớp trước ra đi để trở về thăm thú cho cuộc trở lại tâm hồn, sau cánh cửa đó vẫn mãi là đứa con quê, từng lứa đi ra, từng lứa trở về không dứt tiếng quê hương. Tiếng kẻng làng xưa nay đã mất vẫn ám ảnh mãi trong ký ức nhiều lớp người từ quê lúa làm ăn khắp chốn. Cái giếng làng đón ánh trăng mỗi mùa và bao đứa trẻ từng uống nước rốn làng, tắm mát rượi giữa mùa nóng bức còn mãi chờ vành tay ai đến thăm. Có đi xa lắc đâu vẫn nhớ bao đêm trăng chao gàu sóng sánh, sao quên được hình ảnh gái làng quẩy nước vào lu. Làng phía ấy có ngày tảo mộ, có ngày kỵ giỗ, có ngày cơm mới, có ngày mừng mùa mới, có ngày hội hè đình đám để chắt ra sợi dây cố kết níu kéo nhau lũ lượt cùng về sau bao lo toan dặm dài mưu sinh.

Làng chỉ là chấm đen nhỏ bé từ trên cao. Đi xa ngó vô bản đồ chỉ là mảnh đất vô danh, nhưng vô danh sao được trong trái tim mỗi người sinh ra từ mảnh đất được đặt định bản quán. Một nắm đất bùn hay nhúm cát nhỏ cũng là máu thịt sinh thành, cũng là ơn nghĩa người xưa để lại, cũng là tình cảm cuộn chảy trong huyết quản  không vơi. Làng nhỏ thôi, nhưng mảnh dài bền dai, ở đó có thương yêu bất tận, có hờn giận đắng cay, có chia ngọt sẻ bùi, cũng có bao câu chuyện cười mãi trong đêm, bao chuyện gà qué mất cắp, cãi cọ lùi bùi bên cột rơm, bao chuyện giấu giếm thỏ thẻ, bao chuyện tày trời chỉ cây tre già biết được mà không nói cho ai kỳ biết. Làng dù có bao biến cố, có bao dâu bể, có bao eo sèo, có bao đau khổ thì làng vẫn tròn vạnh tình làng nghĩa xóm, tròn vạnh chân tình mộc mạc, tròn vạnh thước đất gia phong.

2. Làng như thế làm sao quên được, quên làng thì như người cô đơn, quên làng như người mất phương hướng, quên làng như chưa biết được chốn quê. Thế nên Tết người ta gọi về quê, về quê cũng chính là về làng. Về để được mẹ đón đợi đầu ngõ, xoa mái tóc đi nửa đời người vẫn là đứa con của lòng mẹ bao dung. Về đi em mảnh làng nhỏ bến quê, về để nhớ bao phiên người làng chia thịt ngày 30 Tết. Về để ngưỡng vọng nếp đất của làng tự mấy ngàn năm dựng lên như thế nào trong lục tích người già còn kể. Về để biết đất đai hương hỏa tiền nhân đã chọn mạch, chọn thủy, chọn hướng cho hậu thế sinh tồn, cố kết, thương yêu.

Tết về quê để nhớ, để ngắm bữa gói bánh ngàn năm còn lưu dưới mái nhà đẫm sương.
Tết về quê để nhớ, để ngắm bữa gói bánh ngàn năm còn lưu dưới mái nhà đẫm sương.

Tết về làng đi em, để được bên nồi bánh chưng của ba gói cẩn trọng trong tàu lá chuối quê thơm nức mùi nếp, thơm nức mùi nhân đậu xanh, thơm nức dải thịt béo ngào lên bầu trời tuổi thơ được bảo bọc, được chở che, được chắt chiu từ bàn tay sần sùi của bậc sinh thành của ông bà, người thân chòm xóm. Tết về làng để được bên mùi khói bếp thơm lừng của xào nấu, của mùi vị hành kiệu, của lá mứt cay nồng, của bánh xoài ngọt lịm, của món quê chỉ làng mình mới có. Tết về quê để biết cây cải ở góc vườn vẫn nhú, biết cây nén thơm được cha mẹ trồng, biết con đê của làng sắc hồng màu hoa dại bên sông. Về để được ủ trong hơi men của mùi rượu nếp, để ăn bữa cơm chắt ra từ luống cày từ tấm lòng người làng, được nếm mùi nước mắm đằm thắm của người làng biển dày công tinh chế. Tết về làng, thăm lại bến xưa, ghé lại đình quê, đi ngang dòng sông ký ức để được vẫy vùng trong ý tưởng bao ngày nhỏ dại cùng đám bạn lăn lội mò cua bắt ốc.

Tết về quê là về với ông bà tổ tiên, về với bàn thờ hương hỏa cha ông, về với nồng ấm, về với đoàn viên. Thất lạc ở đâu, mưu sinh ở đâu, dặm dài ở đâu, nhà cửa ở đâu thì quê vẫn đẫm đầy dấu chân bao nhiêu người đón đợi. Liếp nhà ở quê nhỏ bé nhưng là hồn cốt của tinh thần, của tấm bé anh chị em ở nhà, của mồ hôi nước mắt mẹ cha, của hỏi han bình dị. Về quê, chạm vào cõi thiêng nhất của lòng người, chạm vào bao cưu mang thuở nhỏ, chạm vào sẻ chia bạn bè, chạm vào góc rạ chở đầy nỗi nhớ. Nhà ở quê, làng là quê đẫm mùi ấm áp, đẫm ánh sương làng, đẫm màu chịu thương chịu khó, đẫm đầy nghĩa tình làng xóm, ông bà, đẫm áng nước mắt ngày tiễn biệt người thân quá cố, đẫm đầy lời mời đến nhà của bao nhiêu người chân đất hiền khô.

Tết về quê đi em, nơi đó có vô biên nỗi niềm của tình cảm chan chứa mãi không vơi.
Tết về quê đi em, nơi đó có vô biên nỗi niềm của tình cảm chan chứa mãi không vơi.

3. Về làng dịp Tết, Tết quê chạm hết ngóc ngách cuộc đời. Chạm vào đôi má của người bạn bữa xa, chạm vào bàn tay của cô thôn nữ đang đợi, chạm vào lời hứa ngày đi xa, chạm vào lời thề thủy chung đã chọn, chạm vào hạnh phúc đang đợi phía làng, chạm vào tình cảm lứa đôi cuộc thề bền gan với nhau của ngày mai phía trước. Tết về làng vo lại tình thương yêu những nếp nhăn của thế hệ trước, vo tròn lời nói chân quê, viên lại nỗi thèm thuồng món kẹo bữa nhỏ được người lớn chìa tay nhường nhịn. Về là về với nhà mình, với người yêu của mình, với mái ruộng của mình, với chân đê của mình, với luống khoai của mình, với vạt sắn xanh ngắt, với rẫy ngô tốt mởn. Về là về giữa làng của mình, về với trò chơi của làng, với hội hát xoan giữa đình, với ca dao ngàn năm còn xướng, với hội bài chòi vẳng tiếng hò reo. Về với mớ cá rổ rau, về với chiếu hoa mẹ trải, cái thúng xôi thầy làm, về để nghe tiếng thở dài của ai đó bên hàng dâm bụt tươi xuân, nghe tiếng ai đó mặn mà giọng quê tha thiết.

Tết về quê mới là Tết của mình, mới là Tết của gia đình, mới là Tết của đúng nghĩa từ ngàn xưa để lại. Tết đó không thể phai, không thể mờ, mãi theo dặm dài cuộc đời xa xứ để nghĩ về, nhớ về, thương về. Tết đó bóng thầy tất tưởi lo toan, bóng mẹ hao gầy mừng lo từng đứa con ra ràng. Tết đó là Tết nồng nàn, Tết đó là Tết quê mình đó em. Tết về quê đi em, nơi đó có vô biên nỗi niềm của tình cảm chan chứa mãi không vơi...

Minh Phong

,
,
.
.
.
.
.
.
.
.