.
Chào mừng Đại hội Hội VHNT Quảng Bình lấn thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020

"Quyết tâm xây dựng nền văn học nghệ thuật phát triển xứng tầm vùng đất con người Quảng Bình"

Thứ Sáu, 30/01/2015, 08:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Bình

- PV: Xin ông cho biết vài nét về tình hình hoạt động của Hội VHNT Quảng Bình thời gian qua?

- Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến: Hội VHNT Quảng Bình là một trong những hội văn nghệ địa phương ra đời sớm, vào năm 1961. Hội VHNT Quảng Bình có nhiều hội viên có tên tuổi đã được nước nhà ghi danh, nhiều tác phẩm có giá trị sống mãi với thời gian. Hội VHNT Quảng Bình đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba. Hội hiện có đội ngũ hội viên 249 người, tham gia sinh hoạt trong 7 phân hội, hội chuyên ngành và 4 chi hội địa phương. Đường lối lãnh đạo, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hoạt động của VHNT, từ đó tạo động lực mạnh mẽ, khích lệ văn nghệ sĩ tỉnh nhà nêu cao tinh thần trách nhiệm, lao động sáng tạo cống hiến cho quê hương nhiều tác phẩm chất lượng cao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương thời kỳ mới.

- PV: Qua 5 năm hoạt động, ông có thể nêu những thành tựu tiêu biểu trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX?

- Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến: Nhiệm kỳ 2009-2014 VHNT Quảng Bình có nhiều thành quả trong việc tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Hội VHNT chú trọng đúng mức việc tổ chức tổng kết đánh giá hoạt động của từng chặng đường phát triển. Năm 2011, Hội long trọng kỷ niệm 50 năm xây dựng và trưởng thành. Hội thường xuyên chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, nhờ vậy phong trào hoạt động của hội và quá trình lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ đã có nhiều tác phẩm chất lượng được công chúng đánh giá cao. Hội tích cực cổ vũ văn nghệ sĩ tham gia tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, sáng tác và quảng bá tác phẩm với chủ đề này. Hàng trăm tác phẩm văn xuôi, thơ, nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật dự giải cuộc vận động và đã có tác phẩm của 6 hội viên được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương trao giải. Sẽ không thể liệt kê hết được những giải thưởng của anh chị em văn nghệ sĩ Quảng Bình trong 5 năm. Tuy nhiên cũng xin được nêu một vài tác phẩm tiêu biểu: Về văn học có tiểu thuyết "Chân trời mùa hạ" của Hữu Phương, đoạt giải B của Hội Nhà văn Việt Nam; về nghệ thuật có các tác phẩm "Trái tim của biển" của Phan Đình Tiến, đoạt giải chính thức của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Một số tác giả khác đạt các giải thưởng quan trọng khác như Lê Ngọc Thái, Nguyễn Lương Sáng, Hoàng an, Thành Vương... do có quá trình cống hiến, hai nhạc sỹ Hoàng Sông Hương và Quách Mộng Lân vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Từ 2009 đến nay, Hội đã mở được 11 trại sáng tác cho các chuyên ngành văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc... với gần 200 lượt hội viên tham gia. Hội cũng đã tổ chức 9 chuyến đi thực tế sáng tác với gần 100 lượt hội viên. Các thể loại có quy mô lớn như tiểu thuyết, trường ca, các công trình nghiên cứu văn hóa, các triển lãm ảnh nghệ thuật và mỹ thuật cá nhân, chương trình âm nhạc, băng đĩa nhạc cá nhân, các công trình kiến trúc ra đời ngày càng nhiều. Mảng tác phẩm gắn bó với đời sống thực tiễn như truyện ngắn, bút ký, phóng sự, ghi chép, thơ, ca khúc, tranh cổ động, ảnh nghệ thuật... cũng được mùa nở rộ. Với lực lượng khá hùng hậu ở cả 7 chuyên ngành, có thể nói các tác phẩm VHNT sáng tác theo các thể loại này đã chuyển tải sinh động đường lối chủ trương của Đảng đến với công chúng thông qua bức tranh đa chiều của đời sống đương đại. Qua đó, phản ánh kịp thời thực tế xây dựng phát triển của mãnh đất Quảng Bình. Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp tổ chức 6 hội thảo ở các chuyên ngành: Văn học, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Âm nhạc như: Hội thảo trường ca “Đồng Hới-Khúc huyền tưởng” của tác giả Thái Hải, hội thảo tiểu thuyết: “Chân trời mùa hạ” của nhà văn Hữu Phương, 3 hội thảo khu vực, nhiều buổi tọa đàm về các danh nhân: nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhà thơ Hàn Mặc Tử, ông tổ nghề nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ; tổ chức thành công Triển lãm Mỹ thuật, Liên hoan ảnh nghệ thuật, Liên hoan âm nhạc khu vực tại tỉnh nhà.

Tác phẩm: Phút giải lao - tác giả: Bùi Hùng Cường - đoạt Huy chương bạc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ 2014.
Tác phẩm: Phút giải lao - tác giả: Bùi Hùng Cường - đoạt Huy chương bạc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ 2014.

- PV: Qua thực tiễn hoạt động Hội VHNT nhiệm kỳ 2009-2014, những bài học kinh nghiệm nào được rút ra?

- Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến: Đại hội IX Hội VHNT đã chỉ ra, đồng thời nhấn mạnh những bài học chủ yếu sau: phải quán triệt và nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, từ đó có sự vận dụng, cụ thể hóa một cách sáng tạo, sát hợp vào thực tiễn hoạt động văn học nghệ thuật để tổ chức thực hiện có hiệu quả; sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn nghệ một vùng đất gắn chặt với việc xây dựng phát triển tổ chức hội VHNT địa phương vững mạnh. Muốn vậy, tổ chức Hội phải có một ban chấp hành hoạt động đều tay, một ban thường vụ và thường trực Hội đoàn kết, thống nhất cao trong tổ chức lực lượng, tổ chức điều hành hoạt động; phải có tập thể hội viên tài năng, có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, lối sống lành mạnh. VHNT Quảng Bình đang đứng trước thực tế là lực lượng sáng tác sung sức, có uy tín ngày càng lớn tuổi, trong khi lực lượng sáng tác trẻ dám dấn thân vì văn chương, nghệ thuật ngày càng thưa mỏng. Vì vậy, phải có bước đi phù hợp để trong những năm tới tỉnh nhà có lực lượng sáng tác trẻ kế tục xứng đáng. chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩm VHNT bằng cách đầu tư sáng tạo có trọng điểm, tránh tình trạng dàn trải, cào bằng, nâng cao công tác tập hợp hội viên, phát động các phong trào sáng tác, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố mới. Phải xây dựng mối quan hệ thông tin hai chiều thường xuyên giữa Hội và cơ quan cấp trên, mối quan hệ phối kết hợp hoạt động giữa cơ quan Hội với các cơ quan, ban ngành nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, phấn đấu xây dựng Hội VHNT Quảng Bình phát triển xứng tầm thời đại mới.

- PV: Ông có thể cho biết phương hướng, mục tiêu tổng quát cho hoạt động VHNT thời kỳ 2015-2020 và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động VHNT thời gian tới?

- Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến: Trên cơ sở quán triệt sâu đường lối của Đảng, nhiệm kỳ 2015-2020, Đại hội đề ra mục tiêu tổng quát cho hoạt động văn học nghệ thuật là: Tiếp tục nâng cao vai trò của một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp do Đảng lãnh đạo, đoàn kết lực lượng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực sáng tạo, tâm huyết với quê hương, tham gia đắc lực vào thực tiễn cuộc sống, khai thác tiềm năng văn hóa lịch sử vùng đất; tổ chức xây dựng phong trào thi đua lao động sáng tạo sôi nổi với đội ngũ nối tiếp tài năng, phấn đấu có nhiều tác phẩm đạt giá trị tư tưởng nghệ thuật cao tương xứng với tầm vóc vùng đất con người Quảng Bình, phục vụ nhiệm vụ chính trị của quê hương, góp phần tích cực vào sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Để nâng cao chất lượng hoạt động VHNT phải có sự chung sức của toàn xã hội và toàn thể hội viên, anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Bởi sáng tạo văn học nghệ thuật mang tính đặc thù riêng, đòi hỏi rất cao tài năng và tâm huyết từ mỗi văn nghệ sĩ. Chúng tôi xin được nêu nhóm giải pháp chủ yếu: 1) Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ viên chức, hội viên Hội VHNT Quảng Bình. Chú trọng quán triệt các chủ trương đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 23/BCT về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” trong đó một nội dung quan trọng có tính chiến lược là khuyến khích tìm tòi mọi khuynh hướng sáng tạo, đưa VHNT lên tính chuyên nghiệp, phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Thực hiện Chỉ thị 03 –CT/TW của Bộ Chính trị về: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” song song với việc thực hiện cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT theo chủ đề trên sôi nổi rộng khắp; 2) Nâng cao chất lượng các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho sự ra đời những tác phẩm chất lượng cao. Tạo mọi điều kiện động viên văn nghệ sĩ đi sâu thực tiễn để phản ánh sinh động hiện thực đời sống; coi trọng đúng mức và tạo thuận lợi cho các văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tác về đề tài lịch sử, về hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi nghiệp vụ sáng tác, nâng cao vai trò tạp chí Nhật Lệ- cơ quan ngôn luận của Hội. Tổ chức có hiệu quả các trại sáng tác, các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ; tiếp tục hoàn thiện Quy chế và Đề án sử dụng nguồn ngân sách Chính phủ hỗ trợ sáng tạo hàng năm. Phấn đấu nâng mức đầu tư chiều sâu cho những tác phẩm lớn trong nhóm đề tài trọng điểm theo quy định của nhà nước. Xây dựng  đề án các mục tiêu và đề tài trọng điểm về VHNT của tỉnh để có chính sách đầu tư kinh phí thích đáng. Trình UBND tỉnh cấp kinh phí trao tặng thưởng hàng năm cho các tác phẩm VHNT, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện Quy chế giải thưởng định kỳ 5 năm mang tên nhà thơ Lưu Trọng Lư. 3) Xây dựng đề án phát triển tài năng VHNT Quảng Bình.

- PV: Hình như ông rất trăn trở vấn đề phát hiện đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ?

- Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến: Đúng vậy. Không những Ban Chấp hành Hội, Thường trực Hội mà hễ ai quan tâm tới phong trào hội đều có chung trăn trở này.  Xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trong thời  kỳ mới, phải tích cực phát hiện, có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng các tài năng trẻ, ưu đãi văn nghệ sĩ có quá trình cống hiến. Thường trực và Thường vụ Hội luôn quan tâm sâu sắc đời sống sáng tác của hội viên, có kế hoạch chăm lo, động viên lớp tác giả cao tuổi đồng thời đặc biệt chú trọng việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng tác giả trẻ. Đây là vấn đề vô cùng cấp bách đối với Hội VHNT Quảng Bình. Chúng tôi đang thực hiện các giải pháp để phát triển hội viên trẻ.

- PV: Riêng công tác củng cố tổ chức Hội, ông có ý kiến gì?

- Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến: Đây là vấn đề thường xuyên. Phải củng cố tổ chức hội vững mạnh, nâng cao khả năng tập hợp, quản lý, động viên văn nghệ sĩ phát huy năng lực sáng tạo. Trước hết phải xây dựng một Ban chấp hành hoạt động đều tay, Ban Thường vụ Hội có sự đoàn kết nhất trí cao, Thường trực Hội điều hành linh hoạt, cùng thống nhất ý chí, hành động, sáng tạo trong tổ chức điều hành, chí công vô tư trong hoạt động Hội. Hội VHNT chủ động  tham mưu đề xuất cấp trên xây dựng thực hiện chính sách thu hút trọng dụng nhân tài, nâng cao chất lượng hoạt động Cơ quan Văn phòng Hội và Tạp chí Nhật Lệ. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ sâu sát của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh sự động viên phối hợp của các ban ngành, địa phương trong tỉnh, với niềm tâm huyết sáng tạo, văn nghệ sĩ Hội VHNT Quảng Bình nhất định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Đại hội Hội VHNT Quảng Bình lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

- PV: Rất cảm ơn ông Chủ tịch Hội.

Phan Hòa (thực hiện)