.

Trần Dzụ Đời và Thơ

Thứ Bảy, 24/01/2015, 14:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ ngày Trần Dzụ làm thơ
Để... phất phơ hội đồng”

Một câu "ca dao" mới, phảng phất humour trong trẻo nhẹ nhàng, nhưng đọc kỹ lại có chút xếch mé. Câu lục bát bắt vần rất chuẩn, dễ gây cười dễ nhớ dễ lan truyền, rất thuận lợi truyền khẩu nhưng đã “chết” ngay từ chặng đầu lan tỏa. Vì sao vậy? Ngạn ngữ Đức có câu: “Lời vu khống là con ong vò vẽ, nếu không bằng một cú đập chết ngay thì hãy lờ nó đi”. Khi câu ca dao xuất hiện, nhiều người “có tâm” tỏ ra có chút ái ngại cho “đối tượng”, nhưng hóa ra... Trần Dzụ đã phản ứng bằng cách ứng xử thứ ba, hay đúng hơn là ông chẳng phản ứng gì cả. Ông chỉ cười cười, không ra bằng lòng cũng chẳng phản đối, và ông vẫn làm thơ đăng báo hay tạp chí ở đâu đó các địa phương và Trung ương. Thơ ông không có những cú đột phá gây ấn tượng mạnh để giành giải này nọ mà cứ bình thản ám ảnh, neo vào lòng độc giả. Cho đến một ngày... miễn dịch, chất humour hài hước xếch mé trên đây không chạm được đến ông: Câu "ca dao" tự lặn. Cần hiểu rằng, đây chính là cách ứng xử của bậc thức giả đã đắc đạo, đã “sống đủ” rồi chuyển sang “sống khác”: làm thơ.

Với người ta, làm thơ, ít nhiều kết quả, rồi bước ra đời, sống theo phong cách nhà thơ, tự tin quá đến mức ít nhiều lập dị. Với Trần Dzụ thì hình như ngược lại. Ông sống, lao động, nghiêm túc chỉn chu đến mức người đời nghĩ rằng, công việc suốt đời ông sẽ không liên quan gì đến “đôi cánh thi ca” đến “thăng hoa nghệ sĩ” cả. Sinh ra bên bờ hữu ngạn sông Kiến Giang, nơi mạch đất có cái tên cổ là Tiểu Phúc lộc, bảy trăm năm trước, Quận công Hoàng Hối Khanh vâng lệnh vua Trần, từ Thăng Long vào trấn nhậm, chọn làm thủ phủ lập ra huyện Nha Nghi, Lệ Thủy ngày nay. Thời Trần, chức Thượng tướng đặt trên Đại tướng. Phải chăng vì thế mà, mạch đất ấy, Thượng Phong (Tiểu Phúc lộc) lại nằm trên thượng nguồn, rồi mới đến Đại Phúc lộc (Đại Phong)?! Sông Kiến Giang chảy đến Thượng Phong thì chia làm hai nhánh, doi đất nơi ngã ba sông được chuốt nhọn có tên Mũi Viết. “Người ta là hoa đất”, người Thượng Phong hiếu học, làm nên thì lấy mạch đất mà lý giải. Chàng trai họ Trần tuổi Quý Dậu, như bao thiếu niên khác, sinh ra ở đất học thì đi học, một buổi về làm đồng cùng gia đình kiếm gạo nuôi thân. Con đường tiến thân bắt đầu từ thời thanh niên sôi nổi tham gia hoạt động ở làng xã rồi lên huyện, tỉnh, không có đột phá cơ cấu nhảy vọt, khen ngợi hay giải thưởng lớn lao gì nhưng cũng chưa hề phạm lỗi lầm nặng nhẹ. Đơn điệu quá chăng!? Chưa hẳn thế. Sôi động khác với sinh động. Sóng ở đáy sông, trong cái bình lặng an nhiên của ông là một phẩm hạnh, một cá tính mặc định: "Dĩ bất biến ứng vạn biến". Hãy xem hai câu lục bát không mấy thân thiện trên đây cũng không chút mảy may khiến ông bận lòng. Có khi nhờ vậy mà ông chí thú say mê làm thơ hơn sau khi đã đắc đạo nhân sinh (làm người)...

Sinh thời, trong sự nghiệp sáng tạo của mình, nhà thơ Nguyễn Văn Dinh từng khao khát: “Một câu neo được trong lòng biển/ Xin gửi khơi xa chút mặn mòi”. Với nghiệp thi ca của mình, đến bây giờ, Trần Dzụ  đã có “nhiều hơn một câu” neo được vào lòng đất, vào độc giả, vào cuộc đời. Kể từ bài thơ đầu tiên trình làng sau ngày nghỉ hưu (thực ra, bài thơ đầu ông viết là vào thời nào, ai mà biết), đến nay gia tài thi ca của ông tính đã kha khá: Bốn tập thơ đứng được trên thi đàn. Và, điều quan trọng hơn là nội lực sáng tạo của thi nhân. Với tất cả sự khiêm tốn của một nhân cách đạt đạo, ông tâm sự khi tôi ngỏ lời viết đôi dòng về thơ ông; “Tôi vẫn còn e ngại rằng, mình, từ lúc nghỉ hưu năm 1997, mới tập tễnh làm thơ, làm gì có thơ hay...”. Vâng, tôi không dám bình thơ ông hay-dở (hay dở bây giờ khó phân định lắm), chỉ thấy trong thơ ông có cái tình. Cái tình người; “Hay men rượu buồn bén lửa/ Thắp lên trong cõi nhân sinh” (Hát một mình - NXB Thuận Hóa 10-2004). “Em như cây bàng trước ngõ/ Hết đông đợi lá mùa sau” (Nắng vàng- NXB Thuận Hóa 11-1998). Hoặc giả cặp lục bát này thì cái tình nghe chừng vừa thăng hoa vừa đằm thắm vẫn hiện đại mà đẹp như ca dao: “Anh về nhặt nắng cuối xuân/ Rắc (...?) lên se lạnh cho gần đường xa”. Câu thơ nghe quen quen nhưng chịu không tìm ra nguyên bản, nguyên tác. Phải chăng cái nguyên tác duy nhất có thể truy tìm là cái tình sông nước, cánh cò cánh vạc, là mái nhì mái đẩy hò hụi hò khoan, là những chiều vàng nghe mênh mang tiếng sáo trúc, tiếng gió, tiếng nghé con gọi mẹ trên đồng... Tất cả kết tinh lại phả vào hồn thơ. Phần tôi, những ngày đầu đọc thơ ông tôi cũng có chút nghi hoặc. Đọc nhiều thành quen đâm lại hơi nhàm chán. Nhưng tới một ngày, một đêm trăng bên hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc) Trần Dzụ đi một mình thâu đêm dưới trăng để sáng hôm sau đọc cho tôi nghe bài thơ “Hát một mình dưới trăng” thì tôi biết ông đã nhập thần, đã bước vào cái làng mà dân gian thường nói "giời đày": Làng thơ, nếu không phải là ông đã... điên! Bài thơ viết tặng một cố nhân nào đấy (TKA) từ thuở hoa niên ở bên hồ Đại Lải, có những dòng thiết tha dịu nhẹ mà nặng tình xưa cũ:

"...Thuyền đi có nhớ bến bờ
  Người về có nhớ giấc mơ bên đình
  Vẫn nguyên cái dáng trúc xinh
  Bâng khuâng ta hát một mình dưới trăng”

Và không chỉ có vậy, trong thi pháp, thơ ông có tác phẩm đã chớm siêu thực, đọc (không phải để hiểu: Tiếp nhận thông tin cuộc sống ngôn từ truyền đạt) mà trước hết để cảm, và hồn thơ can thiệp vào cảm xúc độc giả, từ đó mà thực hiện thiên chức muôn thuở của nó. Bài “Điều bình thường” là một ví dụ:

Gom vào sọt rác những thứ bỏ đi
Căn phòng vuông vắn lại
Giật mình kiếm tìm mảnh giấy có bài thơ viết nháp
Thế là trong những thứ bỏ đi
Câu thơ được chắt từ trái tim yêu mãi mãi không về
Mơ đêm tiếng thơ tôi thầm thì ngoài hiên lạnh
Điều bình thường điệp khúc.

Thi trung hữu nhạc! Trong thơ đã có giai điệu, tiết tấu, đã manh nha cao độ trường độ. Nhạc sĩ tài năng bằng nhạc cảm, phát hiện được tố chất đó của thi phẩm và chắp thêm đôi cánh. Không ai nói rằng, bài thơ được phổ nhạc là bài thơ hay. Nhưng, một nhạc sĩ bình thường không thể chọn một bài thơ “tệ” để... mong nó bay lên. Liệu trong làng thơ Quảng Bình đã có người thứ hai ngoài Trần Dzụ là tác giả của hơn năm mươi bài thơ... biến thành ca khúc?. Đó là các nhạc sĩ: Phạm Tuyên, Trần Hoàn, Đỗ Dũng, Nguyễn Chính, Lê Anh, Hoàng Sông Hương, Quách Mộng Lân, Dương Viết Chiến, Trần Anh Tuấn, Thân Trọng Phúc, Phan Văn Chữ, Lê Viết Đương... Ca khúc “Sáng mãi giữa lòng dân” của Trần Anh Tuấn phổ thơ Trần Dzụ đoạt giải cao của Hội VHNT tỉnh nhà.

Đời người bất định, dài ngắn khôn lường, văn chương lại mênh mông, khó giải. Đời người đời thơ của Trần Dzụ có thể được coi là viên mãn. Một đời phụng sự quê hương, sinh hoạt từ cử chỉ đến xuất ngôn đều giản dị chân thành. Từng làm Phó ban Tổ chức Đảng bộ tỉnh lớn hai triệu dân, đi công tác Hướng Hóa, sau ngày làm việc, ông lặn lội vào bản Vân Kiều Pa Kô mua sắn lát mang về Huế để các “tiểu thư con sếp bự’ (như cách gọi của láng giềng người Huế) nuôi heo. Khắc kỷ đến độ như thế , nhưng với đối tác ông có cách quan hệ rất hay. Đảm trách những cương vị rất cao, như Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Kiểm tra, Q. trưởng Ban Tuyên giáo, kinh phí sinh hoạt và tiếp khách không mấy rộng rãi, ông có cách ứng xử khiến đối tác dễ chịu, nhẹ nhàng. Đó là, như cổ nhân nói: “Người thường lấy tiền bạc để tiễn nhau, người quân tử lấy lời nói tiễn nhau”, “Của cho không bằng cách cho”. Nhằm những ngày lễ trọng của ngành mình, với khách, ông cũng có một chút quà (rất nhẹ) và những lời gan ruột lịch lãm có sức nặng của tình người, tình đồng chí. Ông hạ cánh rất bình thản sau gần năm mươi năm công tác, phụng sự lý tưởng, phục vụ quê hương đồng bào. Rồi ông làm thơ. Thơ ông đã đạt tới “sườn của một quả núi”, “lưng chừng của một cầu vồng bảy sắc thi ca”. Rất gần đây, trong tập "Hát một mình dưới trăng”, tôi gặp một bài thơ ông viết tặng một người bạn gái Kinh Bắc từ thuở thanh niên sau một duyên kỳ ngộ ở thủ đô. Mới biết, Trần Dzụ làm thơ từ thuở mới vào đời. Mạch thơ ông vẫn được ủ nóng, âm ỉ suốt bao năm như người đời ủ than dưới lớp tro trấu để một ngày thổi bùng lên thành ngọn lửa.

Ông nhận được một vài giải thưởng, không lớn. Nhưng đây mới là giải thưởng lớn nhất dành cho ông, không phải ca dao ứng tác như trên đã dẫn, không phải danh hiệu này nọ phù phiếm mà là một nhận định thân tình không hề ngoa ngôn của thi nhân thi hữu: Trần Dzụ làm thơ bao nhiêu năm, ra bao nhiêu tập, có một số bài thơ đứng được trong lòng độc giả, nhiều câu thơ ấn tượng, nhưng, câu thơ hay nhất của ông là... chính cuộc đời ông. Vâng, bước sang tuổi thượng thọ đại lão, đó là tấm huân chương sáng giá nhất mà người đời và bạn hữu dành cho ông.

Nguyễn Thế Tường