.

Ca khúc Việt Nam viết về người chiến sĩ

Thứ Năm, 25/12/2014, 14:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Ca khúc Việt Nam viết về người chiến sĩ có từ rất sớm, có thể bắt đầu từ bài "Cùng nhau đi hồng binh" của Đinh Nhu (1930):

Cùng nhau đi hồng binh    
đồng tâm ta đều bước.
Đừng cho quân thù thoát.
Ta quyết chí hy sinh.
Nào anh em nghèo đâu.
Liều thân cho đời sống.
Mong thế giới đại đồng,
tiến lên không ngừng.

Tinh thần chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc, xả thân vì lý tưởng cao đẹp từ trong bài ca đầu tiên ấy đã trở thành âm điệu chủ đạo cho hàng trăm, hàng nghìn ca khúc viết về người chiến sĩ Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử của đất nước.

Ý chí đó rực cháy từ những ngày đầu cách mạng và trong kháng chiến chống Pháp với "Đoàn vệ quốc quân" của Phan Huỳnh Điểu, "Tiểu đoàn 307" của Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Bính, "Vì nhân dân quên mình" của Doãn Quang Khải v.v... Ý chí đó đã thấm vào trái tim, hoà vào nhịp thở của người chiến sĩ trong những năm  mới giải phóng được một nửa đất nước với "Tiến bước dưới quân kỳ" của Doãn Nho, "Ta chiến sĩ giải phóng quân" của Văn Lưu và Triều Dâng, "Bước chân trên dải Trường Sơn" của Vũ Trọng Hối... Ý chí đó đã trở thành niềm tin không gì lay chuyển nổi, niềm tin kiêu hãnh về miền Bắc xã hội chủ nghĩa, về Tổ quốc Việt Nam kiên cường của những người lính khi ra trận với "Anh vẫn hành quân" của Huy Du và Trần Hữu Thung, "Sài Gòn quật khởi" của Hồ Bắc, "Bài ca Trường Sơn" của Trần Chung và Gia Dũng,... Và ý chí đó một lần nữa, kết đọng lại trong sâu thẳm tâm hồn những người chiến sĩ giờ đây đang đứng nơi biên cương với "Đôi mắt hình viên đạn" của Trần Tiến, "Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện" của Hoàng Tạo, "Hãy cho tôi lên đường" của Hoàng Hiệp, "Lời tạm biệt lúc lên đường" của Vũ Trọng Hối...

Kéo pháo, tiết mục văn nghệ ca ngợi tinh thần dũng cảm của người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn.        Ảnh: T.H
Kéo pháo, tiết mục văn nghệ ca ngợi tinh thần dũng cảm của người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn. Ảnh: T.H

Người chiến sĩ Việt Nam thật hồn nhiên, họ coi việc ra trận như dắt trâu ra đồng, cầm búa đi vào xưởng máy,... Cho nên họ không "lên gân", mà ta bắt gặp chất hồn nhiên đó trong "Cờ Việt Minh" (1941) của Vương Gia Khương, "Cảm tử quân (1945) của Hoàng Quý, "Chiến binh ca vũ khúc" (1951) của Nguyễn Ngọc Thới... Chất hồn nhiên đó đã trở thành thái độ ngạo nghễ với kẻ thù, cười cợt trước khó khăn gian khổ với "Quả bom câm" của Doãn Nho và Nghiêm Đa Văn, "Con cua đá" của Ngọc Cừ và Phan Ngạn, "Anh hùng đâu cứ phải mày râu" của Vũ Trọng Hối, "Tiếng đàn ta lư" của Huy Thục, "Tiểu đội xe không kính" của Hoàng Hiệp và Phạm Tiến Duật...

Quân đội ta ngày càng lớn mạnh, hùng hậu về cả số lượng và cả các quân binh chủng. Nhiều ca khúc viết về các chiến sĩ thuộc các quân chủng, binh chủng ra đời. Về bộ binh có "Chiến sĩ Việt Nam" của Văn Cao, "Mỗi bước ta đi" của Thuận Yến...; về pháo binh có "Hò kéo pháo" và "Bài ca pháo kích" của Hoàng Vân, "Sẵn sàng bắn" của Tô Hải...; về công binh có "Nhịp cầu nối những bờ vui" của Văn An, "Bắc cầu" của Quốc Anh và Chính Hữu...; về bộ đội vận tải có "Tôi người lái xe" của An Chung, "Bài hát người lái xe" của Nguyễn Đức Toàn, "Chào em cô gái Lam Hồng" của Ánh Dương...; về phòng không không quân có "Phi đội ta xuất kích" của Tường Vi, "Tên lửa về bên sông Đà" của Hoàng Tạo...; về xe tăng thiết giáp có "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" của Doãn Nho và Hữu Thỉnh, "Xe tăng qua miền Quan họ" của An Thuyên và Nguyễn Ngọc Phú...; về hải quân có "Lướt sóng ra khơi" của Thế Dương, "Nếu em tới thăm đảo" của Trọng Loan vv...

Cuộc chiến tranh chống đế quốc của ta là cuộc chiến tranh nhân dân. Toàn quân đánh giặc, toàn dân đánh giặc, hậu phương thi đua với tiền phương, mỗi người dân là một chiến sĩ. Vì thế, nhiều ca khúc của các nhạc sĩ ra đời, như "Du kích Ba Tơ" của Dương Minh Viên, "Hát mừng anh hùng Núp" của Trần Quý, "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" của Nguyễn Đức Toàn, "Lời anh vọng mãi ngàn năm" của Vũ Thanh, "Người Châu Yên em bắn máy bay" của Trọng Loan, "Nhanh tay lưới chắc tay súng" của Trần Thụ, "Không cho chúng nó thoát" của Hoàng Vân, "Em bé Bảo Ninh" của Trần Hữu Pháp và Nguyễn Văn Dinh, "Bài ca nữ anh hùng miền Nam" của Lê Lôi, "Cô gái mở đường" của Xuân Giao, "Hát mừng chị út" của Tú Ngọc, "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" của Lư Nhất Vũ, "Hát mừng các cụ dân quân" của Đỗ Nhuận...

Người chiến sĩ Việt Nam, người lính Việt Nam có thể là cầm súng và chủ yếu là cầm súng chiến đấu với kẻ thù. Nhưng khi cần, họ có thể làm nhiệm vụ khác theo lời dạy của Hồ Chủ tịch: "Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Do vậy, rất nhiều ca khúc đã được sáng tác để ngợi ca người chiến sĩ nuôi quân, chiến sĩ giao liên, chiến sĩ tiếp vận, chiến sĩ quân bưu, quân y, quân giới... Tiêu biểu là các bài "Nổi lửa lên em" của Huy Du và Giang Lam, "Đường tôi đi dài theo đất nước" của Vũ Trọng Hối, "Tải đạn ra chiến trường" của Thanh Anh, "Tiếp lương ra tiền tuyến" của Phương Giao, "Vui mùa chiến thắng" của Văn Chừng và Lam Lương, "Anh quân bưu vui tính" của Đàm Thanh...

Rồi còn những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ quốc tế, họ giúp cho bạn cách xây dựng phong trào chiến tranh nhân dân, họ cùng góp phần với bạn xây dựng cuộc sống mới, được thể hiện trong các ca khúc "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn" của Hoàng Hà, "Người lính tình nguyện và điệu múa Ápsara" của Minh Quang...

Và những người chiến sĩ tuy không còn đứng trong quân ngũ mà vẫn tự coi mình là quân nhân trên mặt trận của cuộc sống hàng ngày ở hậu phương. Những ca khúc như: "Anh thương binh rèn dao" của Đỗ Nhuận, "Đàn bò của tôi" của Trần Kiết Tường, "Người chiến sĩ trung kiên" của Huy Du và Tạ Hữu Yên, "Hàng cây anh trồng" của Nguyễn Thành, "Vết chân tròn trên cát" của Trần Tiến... đã nói lên được điều đó.

Ca khúc Việt Nam viết về người chiến sĩ từ ngày đầu cách mạng đến nay đã cho chúng ta thấy được tầm cao lớn, vĩ đại, phẩm chất anh hùng, phi thường của con người chiến sĩ Việt Nam trên những chặng đường lịch sử của dân tộc. Bằng mồ hôi và nước mắt, bằng xương và máu, những thế hệ chiến sĩ qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, đã khắc hoạ nên chân dung đích thực của chính mình - Anh bộ đội Cụ Hồ.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến