.

Chuyện của làng

Thứ Tư, 29/10/2014, 08:02 [GMT+7]

(QBĐT) - 1. Một nhà nghiên cứu văn hóa đã không ngần ngại chia sẻ rằng, dường như đang có một “phong trào” làng làng, xã xã thi đua làm sách địa chí. Đây đang được xem như một “mốt thời thượng”, để rồi làng nào, xã nào cũng cố gắng, phần đấu có một cuốn địa chí cho bằng bạn, bằng bè.

Tuy vậy, trong bối cảnh không phải ai cũng viết được địa chí, lại thiếu thời gian, thiếu công sức tâm huyết, không ít cuốn địa chí na ná nhau xuất hiện. Địa chí các làng trong cùng một huyện, thậm chí ở các huyện khác nhau, có nhiều phần được “bê nguyên xi” từ hình thức đến nội dung. Một vị chủ tịch xã sau khi đọc xong cuốn địa chí của một làng thuộc xã mình đã không khỏi thất vọng, bởi thực sự vẫn chưa thấm được hết cái đặc sắc, cái riêng, nổi bật của làng từ những trang sách này. Khái niệm “địa chí đặt hàng” cũng đang khá thịnh hành ở nhiều nơi.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ (Báo Quảng Bình)

2. Từ xưa đến nay, đình làng chính là một trong những biểu tượng văn hóa đặc trưng của làng quê nông thôn, là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng gắn kết các thế hệ. Do sự tàn khốc của chiến tranh, một số lượng lớn đình làng cổ đã bị hư hại hay phá hủy hoàn toàn. Nay, với những giá trị văn hóa-lịch sử to lớn, nhiều địa phương đã phục dựng, xây mới lại đình làng. Tuy nhiên, theo nhận định của nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng, không ít địa phương xây đình làng để “chạy theo hình thức”, khẳng định “cái tôi của làng”. Xây xong, vẫn chưa có cách thức sử dụng hợp lý, phát huy hiệu quả. Một số đình làng tuy bề thế nhưng khuôn viên nhỏ hẹp, khó triển khai các hoạt động thu hút đông đảo người dân. Ngoài ra, trên thực tế, ở khu vực nông thôn, bên cạnh đình làng, mỗi thôn đều đã có nhà văn hóa thôn phục vụ cho các sinh hoạt cộng đồng.

Trong khi lớp kế cận lúng túng tìm cách để đưa đình làng theo đúng chuẩn hoạt động của nó, thì giới nghiên cứu tỉnh nhà cũng chưa có sự hướng dẫn bài bản, hợp lý về việc phát huy vai trò, vị trí của đình làng trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Theo thống kê sơ bộ, kinh phí đóng góp của bà con để xây dựng đình làng ở mỗi địa phương cũng không hề nhỏ.

Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa lịch sử tốt đẹp của các làng, xã với sự huy động nguồn lực từ nhân dân là điều rất cần thiết. Nhưng, cách thức thực hiện như thế nào, hiệu quả thực sự mang lại ra sao vẫn luôn đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, xem xét thấu đáo từ nhiều phía.

Quảng Hạ