.

Người giữ gìn "kho báu" của làng

Thứ Sáu, 24/10/2014, 10:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là ông Phạm Ngọc Thức, sinh năm 1935 ở thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), người từng dành nửa cuộc đời để sưu tầm, sáng tác, biểu diễn, trao truyền những loại hình văn nghệ dân gian độc đáo, hồn cốt của làng quê.

Năm 13 tuổi Phạm Ngọc Thức được cử làm liên lạc cho xã đội, 15 tuổi tham gia thiếu niên quân, 16 tuổi được kết nạp vào du kích Cảnh Dương. Trong trận chống càn tháng 6-1953, ông đã tìm được viên đạn cuối cùng cho xã đội phó Trương Văn Thích bắn chết tại chỗ tên quan ba của Pháp, làm chúng kinh hoàng kéo lê xác chỉ huy tháo chạy khỏi “chiến địa san hô” của làng. Năm 1959 ông nhập ngũ vào lực lượng Hải quân.

Hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, năm 1965 ông chuyển ngành về Công ty Vận tải biển Quảng Bình. Bảy năm liền thuyền trưởng Phạm Ngọc Thức cùng các đồng đội vượt lên từ trường, thủy lôi của kẻ thù đưa hàng ra phía trước. Năm 1972 ông về địa phương, là xã viên HTX ngư nghiệp, hăng hái trong hoạt động văn hóa văn nghệ, đặc biệt là văn nghệ dân gian.

Ông Phạm Ngọc Thức đang luyện tập cho Đội Chèo cạn xã Cảnh Dương
Ông Phạm Ngọc Thức đang luyện tập cho Đội Chèo cạn xã Cảnh Dương

Vừa sử dụng những bài ca cổ “Hò nhớ ơn Tổ”, “Hò Đức Ông”, “Hò cầu ngư, cầu mùa”, “Hò giã ruốc”, ông còn có khả năng sáng tác và thể hiện tốt lời ca mới cho tất cả các làn điệu, đặc biệt với thể loại chèo cạn. Ông có một lối diễn xuất lôi cuốn người xem ngay từ lúc mở màn. Đó là cách nói lối trình làng vừa hào hứng vừa nghiêm túc: “Tin vui rộn khắp nơi nơi. Phường chèo làng biển chúng tôi chúc mừng. Chúc ngày hội của quê mình đất Quảng. Chúc mọi người thịnh vượng an khang. Qua rồi năm tháng gian nan. Có Đảng, có Bác quê hương mình ấm no... Vậy hôm nay là ngày vui trọng đại. Bạn lái chúng ta đâu đó sẵn sàng. Rước con thuyền cách mạng của Đảng và Bác Hồ về cập bến vinh quang...!”.

Dịp hội làng, lúc bùi ngùi ôn lại những ngày cơ cực: “Đói nghèo đời mẹ thuở xưa. Đá Bàn bắt ốc, Vũng Chùa hái rau. Mùa đông đốn củi rừng sâu. Mưa dầm nắng dãi bể dâu mỏi mòn. Thế mà chẳng được sống còn. Đồng Nai, Phú Quốc tìm đường tha hương... Rồi Cách mạng mùa Thu Tháng Tám. Xóa tiêu tan bao cảnh cơ hàn...”, sau đó lời ca lại tràn đầy sôi nổi và hứng khởi: “Ai về đất Cảnh hôm nay. Máy reo khơi lộng, đắm say tâm hồn. Thuyền anh chở nặng cá tôm. Trên bờ em đứng, trái tim rộn ràng. Đón anh bằng khúc tâm tình. Bài ca ơn Đảng, với Bác Hồ kính yêu, là hò là khoan...”. Vận động nhân dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, ông vào đề thật tự nhiên nhưng rất thu hút: “Kế hoạch hóa gia đình lời Đảng mình có dạy. Sinh đẻ quá nhiều thì đời sống khó khăn...!”.

Khuyến khích mọi người trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau làm ăn kinh tế, ông dí dỏm một cách xúc động: “Hay, hay thật là hay. Vui, vui thật là vui! Làm ăn kinh tế, giúp nhau vẽ bày. Đó là văn hóa thời nay đó! Còn thủa xưa thì khổ hạnh đắng cay trăm phần. Đói cơm, thiếu chữ, gia bần, Quê hương giờ đã muôn lần đổi thay...!”. Các tiết mục do ông dàn dựng, biểu diễn đều được mọi người hâm mộ, yêu thích nhưng điều làm ông luôn trăn trở là phải cố gắng trao truyền để các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn, khai thác, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.     

Từ năm 1987, ông đã đầu tư nhiều thời gian xây dựng đội văn nghệ dân gian của xã. Các anh chị Lê Thành Lộc, Nguyễn Nhân Nam, Nguyễn Khánh Trinh, Phạm Thị Hương, Nguyễn Thị Nhung... cùng nhiều anh chị khác đã trở thành nòng cốt trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa và văn nghệ dân gian của xã Cảnh Dương. Đội từng tham gia các hội diễn từ tỉnh đến khu vực, được Đài Truyền hình Việt Nam, Viện Âm nhạc Việt Nam ghi âm, ghi hình để phục vụ khán thính giả trong và ngoài nước. Chị Phạm Thị Hoàng, vợ chồng anh chị Đỗ Đức Vĩ, Trương Thị Lai hiện là những người phát huy tốt nghệ thuật hát ru...

Cũng như chèo cạn, ông rất quan tâm việc sưu tầm, giữ gìn kho báu về hát ru Cảnh Dương. Có thể nói cả cuộc đời ông luôn thấm đẫm bởi câu hát ru. Lúc nhỏ mẹ từng ru ông trên chiếc võng đay, lớn lên một chút ông đã biết hát ru em. Lúc trưởng thành đi đánh giặc, những đêm bồng súng đứng gác trên tàu, ông lại hoài niệm về tuổi thơ bằng những câu hát ru quen thuộc. Theo ông, hát ru Cảnh Dương tính ra phải đến cả ngàn bài. Cái hay của nó trước hết là âm điệu da diết, thiết tha, đằm trĩu tình mẫu tử. Về nội dung, hát ru Cảnh Dương đề cao tính giáo dục, tình yêu đôi lứa, yêu cha kính mẹ: “Vàng thì thử lửa thử than. Chim khôn thử tiếng, người ngoan thử lời”; “Anh nghe em đau đầu chưa khá, anh băng rừng bẻ lá em xông. Mai đây nên đạo vợ chồng. Đổ mồ hôi anh quạt, ngọn gió nồm anh che”.

Hiện nay, không ít bà mẹ trẻ đưa con vào giấc ngủ bằng thẻ nhớ, bằng băng đĩa nhạc nhưng ở Cảnh Dương những câu hò, lời ru vẫn ngày ngày ngân vang bên chân sóng. Những âm thanh trĩu nặng ân tình ấy như khuyến khích ông cố gắng sưu tầm làm cho kho tàng hát ru và chèo cạn ngày càng phong phú, đầy đủ hơn.

Ông tranh thủ lúc rảnh rỗi, gặp gỡ nhiều cụ mẹ cao niên để tìm hiểu, tập hợp thêm những câu hát ru cổ xưa. Về nhà, ông lại chăm chú ghi chép, mấy cuốn vở học sinh (có những cuốn đã ố vàng) được ông gói đùm cẩn thận. Ông tâm sự như gửi gắm: “Lúc nào tôi cũng đau đáu nỗi lo, làm sao giữ gìn cho được những vốn cổ đó để trao truyền cho con cháu, vì trong đó có công lao của bao đời ông cha đã khai tạo. Nếu không thường xuyên quan tâm thì khả năng thất truyền, mai một rất dễ xảy ra!”.

Bằng những câu hò, lời ru cổ, những trang sáng tác mới và sự cố gắng sưu tầm, khôi phục các hình thức diễn xướng, nghệ nhân tuổi 80 vừa nhiệt tình phục vụ vừa tâm huyết trao truyền, với mong muốn những món ăn tinh thần quý báu đó tăng thêm tình yêu quê hương, đất nước, chủ quyền biển đảo, tình yêu cuộc sống trong cộng đồng. Ngày 19-5-2014, ông được Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình vinh danh “Nghệ nhân dân gian”. Mới đây ông được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị Nhà nước tặng Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Sự mến mộ của khán giả, sự quan tâm của các cấp, các ngành chắc chắn sẽ giúp ông thêm trách nhiệm với “kho báu” của quê hương.

Nguyễn Tiến Nên