.

Chủ đề Tổ quốc trong ca khúc Việt Nam

Thứ Năm, 23/10/2014, 09:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Chủ đề Tổ quốc thật là gần gũi và phong phú đối với văn nghệ sĩ. Nhưng các nhạc sĩ đã cảm hứng bằng khuynh hướng nào để đến với chủ đề Tổ quốc qua ca khúc của mình? Chúng ta có thể tìm hiểu vấn đề này qua một số tác phẩm tiêu biểu của các nhạc sĩ từ những ngày đầu khai sinh đất nước.

Qua nhiều ca khúc của các nhạc sĩ, chúng ta thấy các tác giả đã hướng cảm hứng của mình vào tính chất rộng lớn về mặt không gian của Tổ quốc. Khái niệm Tổ quốc như vậy, mang tính cụ thể: Dòng sông trải rộng, ruộng đồng mênh mông, biển trời bao la, núi rừng bát ngát,... tất cả không gian rộng lớn mà cụ thể đó chính là đối tượng phản ánh trong nhiều ca khúc, như Việt Nam quê hương tôi của Đỗ Nhuận, Tổ quốc thiêng liêng của Xuân Giao, Đất nước ta đẹp lắm của Lê Lôi, Đường chúng ta đi - Nhạc Huy Du, lời thơ Xuân Sách, Tổ quốc ta chưa đẹp thế bao giờ - Nhạc Nguyễn Văn Thương, lời phỏng thơ Tố Hữu,... Nói về không gian cũng có nghĩa là nói về khung cảnh thiên nhiên của đất nước, và thiên nhiên ở đây có cao rộng mà không rợn ngợp, mêng mang mà không trùm lấp; con người vẫn hiện lên với tư cách là chủ thể năng động, tự giác.

Chúng ta hãy nhìn lại những tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ từ Cách mạng tháng Tám đến nay. Không gian, thiên nhiên của Tổ quốc bao la, hùng vĩ, nhưng nó vẫn được sưởi ấm bằng những cảm xúc nồng đượm của tác giả. Cho nên qua tác phẩm đã trở thành một không gian âm thanh trữ tình, cái bao la trở thành thân thiết. Đó là đất nước của những con người và con người làm chủ đất nước. Cũng từ cách cảm xúc đó, không gian của Tổ quốc không chỉ nồng ấm tình người mà còn rực rỡ, trong sáng, tươi xanh. Có được điều ấy, chủ yếu vẫn là do cách cảm xúc đầy lạc quan và tự hào của tác giả - nhạc sĩ và nhà thơ.

Ảnh minh hoạ (TTXVN)
Ảnh minh hoạ (TTXVN)

Trong khuynh hướng tạo dựng cảm hứng chủ đạo dựa trên cái hùng vĩ và bao la về không gian của Tổ quốc, nhạc sĩ Hồ Bắc rất thành công trong bài Tổ quốc yêu thương và nhất là bài Ca ngợi Tổ quốc. Tác giả đã vẽ nên một đất nước Việt Nam cao rộng, rực rỡ mà vẫn ấm áp, tình tứ; bao la, hùng vĩ mà vẫn hiền dịu, thân thương; chân thực, mộc mạc mà vẫn bay bổng ước mơ... Ở đây, chủ thể cảm xúc - cái tôi - tác giả, không xuất hiện trong tác phẩm. Nhưng khi nghe hát, chúng ta bắt gặp hiện thực khách quan được phản ánh; cái tôi - tác giả tuy có ẩn náu nhưng không tan biến đi trước không gian của đất nước. Đó là một không gian đã được nhận thức bằng cảm xúc, mà cảm xúc cũng là một hình thức nhận thức sự vật. Vì vậy, Phan Nhân đã khéo chọn để đặt tên cho ca khúc của mình theo khuynh hướng này: Tình ca đất nước; chúng ta thấy Tổ quốc giờ đây không phải nằm ngoài con người mà nằm trong mối quan hệ với con người, con người đã đồng hoá nó trong nhận thức, trong cảm xúc của chính mình.

Một số nhạc sĩ lại khai thác đề tài Tổ quốc theo khuynh hướng khác: Hướng cảm hứng vào truyền thống, nói cách khác là dựa vào tuyến chiều dài của thời gian để khái quát hoá lịch sử đất nước. Ta bắt gặp trong các tác phẩm âm nhạc theo khuynh hướng này, âm vang hào hùng của lịch sử dân tộc: Các bài Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn của Hồng Đăng và Nguyễn Liệu; Biết mấy tự hào, Việt Nam tổ quốc ta của Phạm Đình Sáu; Tổ quốc sẽ đẹp lớn hơn ngày nay của Nguyễn Xuân Khoát; Đất mẹ Việt Nam của Thuận Yến, v.v...

Theo khuynh hướng này, đối tượng phản ánh trong các tác phẩm là trừu tượng. Như vậy, trước một đối tượng trừu tượng, lại phải làm thế nào đó cho hình tượng âm nhạc có tính cụ thể, gợi cảm; đó là chỗ khó khăn cho các nhạc sĩ sáng tác về chủ đề Tổ quốc theo khuynh hướng dựa vào tuyến chiều dài của thời gian để khái quát hoá lịch sử đất nước. Do đó, các nhạc sĩ phải nắm lấy đặc trưng phản ánh hiện thực của âm nhạc: Phương thức trữ tình; đã xuất phát từ cảm xúc, từ những rung động sâu xa để cất lên tiếng hát về lịch sử. Cái tôi - tác giả, với mọi cảm xúc, suy nghĩ được bộc lộ sâu sắc trong tác phẩm âm nhạc của mình. Có khi cái tôi - tác giả xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm như Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn của Hồng Đăng và Nguyễn Liệu; có khi cái tôi đó xuất hiện thông qua cái ta như Mỗi bước đi thêm yêu Tổ quốc của Tân Huyền,... Từ những cách cảm xúc riêng về lịch sử chung, hình tượng âm nhạc đã đạt được tính cụ thể, gợi cảm về cái riêng để đạt tới cái chung, cái khái quát của truyền thống lịch sử đất nước.

Trong khuynh hướng thứ hai này, đối tượng phản ánh là lịch sử, lịch sử trong sự vận động và phát triển không ngừng. Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật thời gian, có rất nhiều khả năng để phản ánh sự vận động, phát triển của đối tượng được phản ánh. Cho nên đã có nhạc sĩ dùng các bản hợp xướng nhiều chương; cũng có nhạc sĩ sử dụng hình thức, khúc thức, phân chia đoạn rõ ràng để phản ánh sự vận động của lịch sử dân tộc trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng cũng có nhiều nhạc sĩ vẫn bằng thể loại ca khúc đã nhằm vào biểu hiện cái lôgic vận động của lịch sử, bằng một khoảnh khắc lịch sử, hoặc thông qua một giai đoạn ngắn của lịch sử để khái quát hoá thành cái bản chất trường tồn của dân tộc, cái truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của Tô quốc Việt Nam.

Những thành công đáng kể như Ta đã lớn của Nguyễn Xuân Khoát và Tố Hữu, Lá cờ tháng Tám của Phan Thanh Nam, Việt Nam ta đang mùa hoa của Vũ Trọng Hối, Đất mẹ Việt Nam của Thuận Yến, Đất nước của Phạm Minh Tuấn và Tạ Hữu Yên, Đất nước lời ru của Văn Thành Nho, Đất nước bên bờ sóng của Thái Văn Hoá, Đi dọc Việt Nam của Cát Vận, v.v...

Trong hai khuynh hướng trên, mỗi khuynh hướng cũng có những biến thái khác nhau rất đa dạng. Từ khuynh hướng dựa vào không gian, nhiều nhạc sĩ lại viết về Tổ quốc thông qua một vùng quê hương như: Làng tôi của Văn Cao, Quê em của Nguyễn Đức Toàn,... hoặc về một địa phương theo đơn vị hành chính như: Quảng Bình quê ta ơi! của Hoàng Vân, Hà Tây quê lụa của Nhật Lai, Thành phố hoa phượng đỏ của Lương Vĩnh và Hải Như, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh và Dáng đứng Bến Tre của Nguyễn Văn Tý, Thanh Hoá anh hùng của Hoàng Đạm,... Có nhạc sĩ lại gắn Tổ quốc với quê hương mà ở đó có người mình yêu thương như: Anh ở đầu sông, em cuối sông của Phan Huỳnh Điểu và Hoài Vũ, Màu xanh yêu thương của Lê Anh,...

Từ khuynh hướng thứ hai, dựa vào thời gian, có nhạc sĩ dừng lại ở một giai đoạn lịch sử như: Cả cuộc đời về ta của Lưu Hữu Phước, Ca mừng đời ta tươi đẹp của La Thăng, Em có nghe âm thanh ngày mới của Nguyễn An; hoặc ở một bước ngoặt quan trọng của lịch sử như: Hoà bình trên đất nước ta của Nguyễn Mạnh Thường, Hát mừng quê ta giải phóng của Văn Chung, Như có Bác trong ngày vui đại thắng của Phạm Tuyên, Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà,...

Chủ đề Tổ quốc rất rộng lớn và rất đa dạng. Chúng ta tin tưởng rằng dù bằng khuynh hướng dựa vào không gian hay dựa vào thời gian, các nhạc sĩ Việt Nam hiện đại, đã, đang và sẽ có nhiều tác phẩm âm nhạc xuất sắc viết về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Dương Tuệ Minh