.

Nhà văn Hữu Phương và những dấu ấn

Thứ Tư, 12/03/2014, 07:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Hữu Phương tên thật là Nguyễn Hữu Thê, quê Đại Trạch, Bố Trạch. Miền quê ấy là một trong cái rốn bom đạn ác liệt trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ ở Quảng Bình. Nó đã chảy vào trong nhiều tác phẩm viết về chiến tranh của nhà văn Hữu Phương.

 

Nhà văn Hữu Phương.
Nhà văn Hữu Phương.

Là một giáo viên dạy toán cấp 3 phổ thông (tốt nghiệp Đại học sư phạm Vinh năm 1972), thỉnh thoảng thầy Hữu Thê đọc cho chúng tôi nghe một vài bài thơ vừa mới sáng tác. Ai ngờ, hồn thơ từ những ngày làm giáo viên dạy toán ấy đã nâng cánh, để sau đó mấy năm, anh chuyển sang viết văn và trở thành nhà văn Hữu Phương đĩnh đạc.

Sau một năm giảng dạy ở Trường phổ thông cấp 3 Bắc Quảng Trạch, Hữu Phương được tổ chức chuyển vào giảng dạy tại Trường cao đẳng sư phạm Quảng Bình. Khi 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên, Trung tâm Trường Cao đẳng sư phạm Bình Trị Thiên đóng ở Cố đô nên anh phải vào Huế. Tại đây, là hội viên Hội văn học tỉnh Bình Trị Thiên thuộc ban thơ, nhưng Hữu Phương lại bắt đầu viết văn. Truyện ngắn đầu tiên là truyện “Trăng sáng vườn dưa” được đăng ở Tạp chí văn nghệ Sông Hương trong năm 1988.

Tiếp đó, anh viết truyện ngắn “Ông Điện Biên”, được đăng ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Được mọi người khích lệ, anh viết một loạt truyện ngắn nữa, như: “Bến cũ” , ‘Cổ tích mùa thu”, “Con người thánh thiện”... được đăng trên báo Văn nghệ. Một bước ngoặt mới, một chân trời sáng tạo mới đã mở ra cho anh khi truyện ngắn “Đêm hoa quỳnh nở” của anh được giải khuyến khích cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1989-1990).

Những sáng tác của Hữu Phương chiếm được cảm tình của người đọc từ ấy cho đến bây giờ khi ở anh có một nét độc đáo quý phái của văn xuôi là lối kể chuyện hồn nhiên, lớp lang mạch lạc, tính cách nhân vật được xây dựng bằng những chi tiết độc đáo và nhất là chất phồn thực nhuần nhị đã thành mô típ trong tất cả các tác phẩm của mình. Chính điều đó khiến những sáng tác văn xuôi của anh thành công.

Còn nhớ, năm 1991, anh dẫn sinh viên đi thực tập ở Tuyên Hóa. Tại đây, anh được nghe cán bộ địa phương kể lại cuộc chiến đấu oanh liệt của một phân đội thuộc Tiểu đoàn hải quân sông Gianh chống trả cả một lực lượng không quân Mỹ hùng hậu từ hạm đội 7 ập vào, quyết tâm tiêu diệt 5 hạm tàu hải quân đang ẩn nấp ở đây. Những hình ảnh các đồng chí hải quân trên tàu chiến đấu ngoan cường rồi hy sinh, bị thương đã được các nam nữ dân quân hai bên bờ sông Gianh, đêm đó chèo đò ra các con tàu bị đắm đưa vào bờ, mai táng và cấp cứu đã làm Hữu Phương thổn thức.

Hơn 5 tháng sau, nhân một ngày đi uống bia “khổ” ở một cơ sở sản xuất ở Huế, gặp người chủ cơ sở ấy vốn là một cựu chiến binh từng lập nhiều chiến công ở chiến trường Quảng Bình, Hữu Phương ồ lên sung sướng: “Truyện đây rồi !”. Thế là, sau đó, khi trở về trường, câu chuyện đời thực từ hai vế được nghe và được gặp ở trên, được liên kết lại và anh đã hư cấu viết nên truyện ngắn : “Ba người trên sân ga” sau một đêm tròn. Mới biết, lao động nghệ thuật lao lung, vất vả biết dường bao!

Hai tuần sau ngày anh gửi bản thảo đi, báo Văn nghệ đã đăng truyện ngắn này ở trang nhất. 9 năm sau, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã chuyển tác phẩm của Hữu Phương thành kịch bản “Đời cát”. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã dựng thành phim. Phim đã được giải “Cánh diều vàng” (2000), “Bông sen vàng” (2001), được giải vàng tại Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 15, giải thưởng lớn của Hội đồng nhà thờ thế giới.

Sau những thành công đáng kể về văn chương như thế, năm 1993, Hữu Phương từ ngành Giáo dục chuyển về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, với chức Phó Chủ tịch Hội. 5 năm sau, anh được Đại hội bầu làm Chủ tịch Hội và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam (1996). Hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội, vừa làm công tác lãnh đạo, vừa viết văn, tiểu thuyết “Chân trời mùa hạ” của anh được viết 5 năm liền trong hoàn cảnh ấy. Tiểu thuyết đầu tay “Chân trời mùa hạ” do NXB Hội nhà văn ấn hành năm 2009, sau đó, năm 2011, NXB QĐND đã tái bản với 10 nghìn cuốn. Tác phẩm này được giải nhì cuộc thi viết tiểu thuyết của Hội Nhà văn tổ chức lần thứ 3 (2006-2010), nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Tác phẩm cũng đã đoạt cúp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho đề tài: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam (1982-2011).

Đầu năm 2010 nhà văn Hữu Phương chính thức nghỉ hưu. Và, một cuộc chạy tiếp sức lại bắt đầu. Ngoài 5 tập truyện ngắn và tiểu thuyết đã xuất bản trước đó, năm 2010 anh đã cho ra đời cuốn “Văn hóa dân gian vùng sông Dinh”, gồm những bài viết về văn hóa trên quê hương của anh. Cũng trong năm đó, tập truyện “Anh bộ đội và cô gái mặc quân phục xanh” do  NXB QĐND ấn hành đã gây một tiếng vang lớn. Nhà văn Hữu Phương nói với tôi là đã hoàn thành xong tiểu thuyết “Xe chạy lúc nửa đêm”. Anh đang viết dở tiểu thuyết “Súng nổ bến thiên đường”. Bạn văn cũng mừng cho anh, ngoài các giải thưởng lớn, trong cuộc thi sáng tác do Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức lần thứ 2 (1989-2001), truyện gắn “Hoa sim tím” của anh đoạt giải “Cây bút vàng”.

Năm 2010, với bút ký “Cha Lo mùa mưa đến sớm”, anh lại được trao giải cuộc thi viết về đề tài bộ đội biên phòng do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Hội nhà văn kết hợp tổ chức. Hữu Phương còn là tác giả đoạt 3 giải A,1 giải B, giải thưởng “Lưu Trọng Lư” (Giải thưởng 5 năm 1 lần của Hội văn học nghệ thuật Quảng Bình) trao cho những tác phẩm sáng tác xứng đáng của anh.

Là người từng gắn bó nhiều năm ở Hội văn học nghệ thuật Quảng Bình, vừa qua, anh đã chấp bút và hoàn thành cuốn “Lịch sử Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình” dày trên 400 trang. Một niềm vui lớn của Hữu Phương hiện nay là ngoài những thành công trong sáng tạo nghệ thuật, có cô con gái đầu lòng của mình là giáo viên giảng dạy văn học ở Đại học Đà Nẵng, đang làm luận án tiến sĩ văn chương ở anh.

Hồ Ngọc Diệp