.

Hát ru vùng đồng bằng

Thứ Ba, 04/03/2014, 14:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Hát ru là một loại hình dân ca đặc sắc có từ lâu đời của dân tộc. Đây là một lối hát truyền thống dùng để ru con ngủ, rất phổ biến trong tất cả các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước ta. Tuy mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có những điểm khác nhau, song hát ru có những đặc điểm chung là tiết tấu nhẹ nhàng, giai điệu êm dịu, du dương, trìu mến; lời ca phong phú, giàu hình tượng, thể hiện tình cảm yêu thương, tha thiết đối với trẻ thơ. Tất cả những yếu tố ấy cùng với bàn tay vỗ về trong nhịp võng đu đưa kẽo kẹt đã đưa trẻ thơ vào giấc ngủ ngon lành.

Hát ru là những bài học đạo đức nhân nghĩa đầu tiên của người mẹ dạy cho con. Tuổi thơ của con tuy chưa nhận ra chữ nghĩa, nhưng âm điệu sâu lắng trong lời ru của mẹ đã thấm dần vào tâm hồn con trẻ. Hát ru được các bà mẹ truyền dạy cho con cháu từ đời này sang đời khác.

Nội dung các bài ru thường là những câu ca dao giản dị, chất phác, không cầu kỳ ở ngôn từ nhưng chứa chất nhiều nỗi niềm, tâm sự phong phú. Có những câu hát mang tính giáo dục rất cao. Có những bài thể hiện nỗi oan khuất khó nói ra trong cuộc sống một cách công khai, hát ru là môi trường tạo điều kiện thuận lợi để người hát giải bày những điều thầm kín còn chứa chất trong lòng. Nhìn chung, nhiều câu, nhiều bài hát ru nói về thiên nhiên, đất trời, công ơn cha mẹ, tình cảm mẹ con, anh em, một lời khuyên nhủ về đạo lý, v.v...

Hát ru thường được nghe trong đêm khuya thanh vắng hay những buổi trưa hè gió mát. Trong những không gian như vậy, hát ru càng có tác dụng không chỉ cho con trẻ mà còn cho chính người mẹ và cả cho những người được nghe. Ngoài tác dụng ru cho trẻ thơ ngủ, hát ru còn là dòng sữa thiêng liêng gieo mầm và nuôi dưỡng tâm hồn âm nhạc dân tộc, giáo dục tình cảm trong sáng và phẩm chất cao đẹp cho con người từ khi cất tiếng khóc chào đời. Hát ru còn góp phần vào việc phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội hoặc ở từng con người.

Nhịp điệu và lời ca của các điệu hát ru dễ thấm sâu vào tâm hồn con người và lôi cuốn nó mạnh mẽ làm cho tâm hồn trở nên cao thượng hơn. Hát ru chính là những bản nhạc đầu tiên mà đứa trẻ được nghe trong đời. Chính những bài ca đầu đời ấy đã làm cho tình mẫu tử càng thêm gắn bó và khi lớn lên, ai cũng mang theo trong hành trang đi suốt cuộc đời những kỷ niệm về người mẹ và những điệu hát ru xưa.

Ngoài những tác dụng nói trên, hát ru không phải sinh ra chỉ nhằm mục đích dỗ cho con ngủ, mà còn là nỗi niềm, tâm trạng của chính người ru. Lúc này chính người ru cũng được sưởi ấm lòng mình và được vỗ về bằng tình cảm của trẻ thơ. Nó còn gợi nhớ những tình cảm yêu thương, những kỷ niệm cao đẹp, xa xăm, có khi còn là những tủi hận cho số phận đã qua. Người mẹ khi đến giờ dỗ con ngủ thường là thời gian thư thái nhất sau những giờ làm việc lam lũ, nặng nhọc. Một trạng thái tâm lý phổ biến nhất là: trước hết nghĩ về con, về chồng mình và nhất là nghĩ về chính bản thân mình. Tâm trạng và nỗi niềm ấy dâng trào lên trong lòng người mẹ, tạo ra nhu cầu được bộc lộ, biểu hiện. Với nhịp võng tre, nhịp nôi đưa đều đều và bàn tay vỗ về nhè nhẹ, những mạch tâm sự tuôn trào...

Hát ru vùng đồng bằng thuộc tỉnh Quảng Bình nói chung thường dùng những câu lục bát và được bắt đầu bằng từ "à ơ ..." ngân dài, nhỏ dần, rồi mới bắt vào hát hết câu 6, ngân dài chữ cuối câu; sau đó hát tiếp 4 từ đầu của câu 8 lại ngân dài sau đó hát tiếp 4 từ còn lại rồi ngân dài... Trong những lần ngân dài, thường người ru kéo dài âm cuối của từ ở chỗ ngắt câu như nói ở trên, hoặc thêm các từ ơ..., à... ngân dài.

Có khi trong câu 6 người ta hát 2 từ đầu câu, rồi ngân dài, sau đó mới hát tiếp 4 từ còn lại của câu 6... (trường hợp này không hát được đối với những câu 6 cắt theo nhịp thơ 3 / 3). Cấu trúc thông thường câu hát:
            2 / 4 /
            4 / 4 /
(gạch chéo nghĩa là ngân dài và thường thêm vào từ ơ, a để ngân)
Cũng có khi người mẹ đã hát 4 từ đầu của câu 6, ngân dài rồi hát tiếp 2 từ cuối, lại ngân dài; sau đó hát tiếp vào câu 8. Trong câu 8 cũng hát rất linh hoạt; có khi hát 2 từ đầu câu, ngân dài, đến 2 từ tiếp theo, ngân dài, rồi mới hát hết câu 8,.. Cấu trúc câu hát:

4 / 2 /
2 / 2 / 4 /     
              Hoặc 2 / 2 / 2 /
                       2 / 2 / 2 / 2 /    ,v.v...
Ví dụ cách ngắt câu:      A... ơ...  Con cò / mà đi / ăn đêm /
Đậu phải / cành mềm / lộn cổ / xuống ao,...

Hoặc có người mẹ muốn hát một câu hát dài ra nhằm kéo dài thời gian êm ả, dịu dàng cho con thơ, đã chia câu hát thành 6 tiết nhạc để ru, mỗi tiết gồm 2 từ, ứng với 2 đến 4 hoặc 6 nốt nhạc (tuỳ theo khả năng luyến láy trong từng từ của người mẹ).

Có nhiều người mẹ (nói đúng hơn là nghệ nhân hát ru), rất nhạy cảm với thơ ca và âm nhạc, đã hát ru con một cách linh hoạt tùy theo nhịp thơ của từng câu thơ lục bát:

Một ví dụ: "à ơ... Ru em em ngủ cho muồi...
    Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu..."

Có khi hát:  "à ơ... Ru em, em ngủ ... cho muồi ...
             Để mẹ đi chợ ... mua vôi ... ăn trầu ... "

Hoặc hát:  "à ơ... Ru em ... em ngủ ... cho muồi ...
       Để mẹ đi chợ ... mua vôi ăn trầu ... "

Hoặc là hát: "à ơ... Ru em ... em ngủ ... cho muồi ...
Để mẹ ... đi chợ ... mua vôi ... ăn trầu ...", v.v...

(Những chỗ ... là ngân dài trong các câu hát, khi hát ru)

Quả thật, hát ru là cả một nghệ thuật, đòi hỏi người ru phải rất tình cảm, rất đồng cảm và rất kiên trì mới thực hiện được. Điều này giải thích cho hiện tượng một số người mẹ trẻ ngày nay không hát ru được, có khi đã dùng đĩa nhạc các bài hát ru hoặc ca khúc để mở cho con nghe trước khi ngủ. Hy vọng với bài viết này, những người mẹ trẻ nói riêng và chị em phụ nữ nói chung có thể hiểu thêm về nghệ thuật hát ru để có những câu hát ngọt ngào đưa trẻ thơ vào giấc ngủ ngon lành.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến