.

Hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp

Thứ Bảy, 27/08/2016, 17:16 [GMT+7]
(QBĐT) - Chiều 26-8, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy hoạt động tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn. Tham dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
A
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, chứng kiến ký kết văn bản liên kết giữa VietinBank Quảng Bình với doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình, 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh thành lập mới 330 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 1.639 tỷ đồng; có 52 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Tổng số doanh nghiệp hiện có 4.562 đơn vị, với số vốn đăng ký gần 23.570 tỷ đồng.
 
Nhìn chung, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn trong tình trạng khó khăn, quy mô nhỏ (bình quân vốn đăng ký 5,2 tỷ đồng/doang nghiệp), đặc biệt các doanh nghiệp đang thiếu vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.
 
Tính đến cuối tháng 6-2016, có 2.350 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng, chiếm 51,5% tổng số doanh nghiệp hiện có, tăng 250 doanh nghiệp so với cuối năm 2015; dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp 16.747 tỷ đồng, chiếm 52,9% tổng dư nợ cho vay, tăng 9,4% so với năm 2015.
 
Trước thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình đã đưa ra nhiều giải pháp chia sẻ, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để duy trì và phát triển sản xuất như: thực hiện nghiêm túc lộ trình giảm lãi suất cho vay, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi… cho vay mới để doanh nghiệp có điều kiện khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh.
 
Về lãi suất, các tổ chức tín dụng đã giảm bình quân lãi suất cho vay doanh nghiệp từ 0,5-1,5%/năm so với đầu năm 2016. Đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay lãi suất 7% trở xuống chiếm 5.350 tỷ đồng; dư nợ cho vay lãi suất trên 7% đến dưới 9%/năm là 5.381 tỷ đồng; dư nợ cho vay lãi suất trên 9%/năm đến dưới 11%/năm chiếm 5.231 tỷ đồng; dư nợ cho vay lãi suất trên 11%/năm (trung, dài hạn) chiếm 785 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại nợ, giãn nợ, gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho hàng trăm lượt doanh nghiệp, với dư nợ hơn 5.500 tỷ đồng…
 
Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng kịp thời triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả do sự cố ô nhiễm môi trường biển gây ra, chủ động rà soát các khoản nợ vay bị thiệt hại, kịp thời thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, cho vay mới giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định đời sống. Các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ cho 14 doanh nghiệp vay 100,4 tỷ đồng để mua tạm trữ 1.795 tấn hải sản; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 42 doanh nghiệp, số tiền 25,5 tỷ đồng; miễn giảm lãi tiền vay cho 45 doanh nghiệp với số tiền 1,5 tỷ đồng; cho vay mới 105 doanh nghiệp số tiền 139 tỷ đồng...
 
Tại hội nghị nhiều doanh nghiệp đã trao đổi về các vấn đề như: lãi suất cho vay vẫn còn cao, mức vay còn hạn chế, thậm chí có gần 50% doanh nghiệp trên địa bàn vẫn chưa tiếp cận với nguồn vốn nên các ngân hàng sẽ mất đi một lượng khách hàng lớn để nâng cao dòng chảy tiền tệ. Một số doanh nghiệp đề nghị ngân hàng gia hạn vốn vay khi doanh nghiệp gặp khó khăn tránh tạo áp lực cho doanh nghiệp khi chậm trễ trả lãi; thống nhất giảm lãi suất ở mức chung và tạo điều kiện thuận lợi khi doanh nghiệp tham gia vay vốn....
 
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Quang đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung giải quyết nợ xấu, giảm rủi ro trong vay vốn; ưu tiên cho vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đánh bắt thủy hải sản, du lịch, xây dựng…
 
P.V