.

Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và giải quyết các vụ việc liên quan đến tham nhũng

Thứ Năm, 28/01/2016, 10:38 [GMT+7]
(QBĐT) - Sáng 27-1, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND Tối cao chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu tỉnh ta, có đại diện lãnh đạo VKSND tỉnh và VKSND các huyện, thành phố, thị xã.
 
Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ năm 2005-2015, VKSND các cấp đã thụ lý, thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 3.424 vụ/7.700 bị can; cơ quan Cảnh sát điều tra đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 2.863 vụ/7.192 bị can; VKSND các cấp đã thụ lý giải quyết 2.910 vụ/7.456 bị can, trong đó đã truy tố 2.584 vụ/5.782 bị can; Tòa án đã xét xử 2.567 vụ/5.748 bị cáo.
 
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng hàng năm đều tăng, nhưng vẫn còn thấp so với số tài sản bị chiếm đoạt (năm 2015 là 55,8%). Tài sản tham nhũng của một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát, không thu hồi được, gây khó khăn cho quá trình xử lý các vụ án tham nhũng. 
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng có chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. VKSND các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, góp phần phát hiện kịp thời và đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng.
 
Thông qua việc giải quyết các vụ án tham nhũng, VKSND các cấp đã ban hành nhiều văn bản kiến nghị UBND các tỉnh, các bộ, ngành, tổ chức và cơ quan có liên quan khắc phục những sơ hở trong công tác quản lý kinh tế của Nhà nước nói chung, quản lý hoạt động tư pháp, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp nói riêng.
 
Tuy vậy, công tác nắm bắt và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế; việc phát hiện hành vi tham nhũng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; tiến độ điều tra, giải quyết một số vụ án về tham nhũng còn kéo dài; việc thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế; công tác phối hợp giữa cơ quan Thanh tra, Điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án chưa chặt chẽ...
 
Nhằm khắc phục những tồn tại nói trên, trong thời gian tới, ngành Kiểm sát tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố xét xử các vụ án tham nhũng; triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến tham nhũng...
 
Dương Công Hợp