.

Hội nghị trực tuyến về hội nhập quốc tế

Thứ Sáu, 28/08/2015, 14:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiều 27-8, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc nhằm quán triệt Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Văn Ninh và Vũ Đức Đam chủ trì và chỉ đạo hội nghị. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Tiến Dũng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan.

     Điểm cầu ở tỉnh ta
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Ngày 10-4-2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NĐ/TW về hội nhập quốc tế. Trong đó nêu rõ mục tiêu hội nhập quốc tế nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ bảo vệ vững chắc Tổ quốc; quảng bá hình ảnh Việt Nam, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Quan điểm chỉ đạo hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực; gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết, tháng 7-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về tiếp tục triển khai Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Tại hội nghị đại diện các bộ, ngành và các địa phương đã đánh giá kết quả trong 2 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác hội nhập trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự chủ động hội nhập, nhất là về kinh tế mới chỉ dừng lại ở Chính phủ và một số bộ, ngành. Trong khi đó các địa phương cho rằng các doanh nghiệp hiện còn đang lúng túng, thiếu thông tin và lộ trình giảm thuế của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa ký kết, đặc biệt là chưa có các nghiên cứu chuyên sâu về tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và cộng đồng kinh tế ASEAN đối với các doanh nghiệp trong nước.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, thời gian qua Việt Nam đã phát huy được tinh thần chủ động trong hội nhập quốc tế, đặc biệt là là hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong thời gian tới Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có phương án và phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện hiệu quả, khai thác tối đa các cơ hội từ các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Chú trọng hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm thông tin tương đối đầy đủ về các hiệp định đã được ký kết tới người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương hết sức quan tâm xây dựng chương  trình hành động cụ thể trong thực hiện công tác hội nhập quốc tế.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong hội nhập quốc tế và nhất là hội nhập kinh tế cần phát huy tinh thần chủ động, tích cực. Do vậy, các bộ, ban, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp, đồng thời đề cao vai trò của các hiệp hội, các hội nghề nghiệp; các địa phương kiện toàn đội ngũ cán bộ và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hội nhập quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được Chính phủ quán triệt sâu sắc. Hoạt động hội nhập thời gian qua đã có những kết quả tích cực, góp phần vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém, trong đó là nhận thức của cán bộ một số bộ, ngành, địa phương. Để làm tốt công tác hội nhập các bộ, ngành cần nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị của Thủ Tướng Chính phủ trong đó có việc cung cấp phổ biến thông tin. Các địa phương, doanh nghiệp chủ động nghiên cứu thông tin về các Hiệp định thương mại tự do vì trên thực tế những thông tin này đã được đăng tải trên các Cổng thông tin Chính phủ và trang điện tử các Bộ.

Việt Nam hiện đang là nước đi đầu ở Đông Nam Á về việc ký kết và đàm phán các Hiệp định thương mại tự do và chuẩn bị hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 nên cần thiết phải chuẩn bị thông tin đầy đủ để tạo điều kiện cho tiến trình hội nhập diễn ra thuận lợi...

Đ.Nguyệt