.

Vai trò cơ quan Tổng hành dinh trong tổng tiến công năm 1975

Thứ Tư, 15/04/2015, 10:25 [GMT+7]
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. (Nguồn: TTXVN)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. (Nguồn: TTXVN)

Hội thảo khoa học vai trò của cơ quan Tổng hành dinh trong tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức nhằm kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã diễn ra sáng 14-4, tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Hội thảo có sự tham gia của các tướng lĩnh, cựu chiến binh, các nhà khoa học, đại diện các cơ quan nghiên cứu Trung ương, Bộ Quốc phòng, thành phố Hà Nội.

Hội thảo tập trung vào vai trò, vị trí của Tổng hành dinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tổng hành dinh nằm chính trong Thành cổ Hà Nội, là nơi làm việc của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Hậu Cần…

Đây là trung tâm đầu não, nơi đề ra những chủ trương, quyết định, kế hoạch chiến lược, chỉ thị quan trọng, đúng thời điểm, thời cơ để quân và dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi.

Trong các bài tham luận, các đại biểu luôn ghi nhớ công ơn các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ như Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn, Tổng Tư lệnh-Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng-Đại tướng Văn Tiến Dũng …

Vấn đề khác được hội thảo đề cập đến là quá trình thiết kế, xây dựng và hoạt động của cơ quan Tổng hành dinh. Những nhân chứng lịch sử đã từng làm việc tại Thành cổ Hà Nội đã nêu rõ quá trình thiết kế, thi công và đề cao vai trò, chức năng của các công trình Hầm Chỉ huy tác chiến, Hầm Quân ủy Trung ương (hầm D67) giai đoạn từ năm 1965-1975. Đây là nơi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã làm việc trên 7.000 ngày đêm với hơn 1.000 cuộc họp quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Các đại biểu cũng đề cập đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích cách mạng kháng chiến tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; trong đó, di tích nhà và hầm D67 có giá trị lịch sử to lớn là chứng tích một thời lịch sử của dân tộc cần phải bảo vệ và gìn giữ cho các thế hệ mai sau.

Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội khẳng định: “Hội thảo nhằm khẳng định và làm sáng rõ, toàn diện hơn về sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của cơ quan Tổng hành dinh tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Đồng thời, là dịp đưa ra định hướng, kế hoạch hành động để từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị nhiều năm của di sản Hoàng thành Thăng Long”.

Theo Đinh Thị Thuận (TTXVN/Vietnam+)