.

Tọa đàm về bảo vệ tầng ôzôn và biến đổi khí hậu

Thứ Ba, 16/09/2014, 14:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế bảo vệ tầng ôzôn, ngày 16-9, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên-Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường tổ chức tọa đàm về bảo vệ tầng ôzôn và biến đổi khí hậu tại tỉnh Quảng Bình. Tham dự có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các sở, ban, ngành liên quan, Phòng Tài nguyên-Môi trường các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Lãnh thổ Việt Nam nằm trọn trong vùng nội chí tuyến, đồng thời nằm ở rìa phía đông nam của phần châu Á lục địa, giáp với biển đông. Với vị trí địa lý như vậy nên khí hậu Việt Nam là khí hậu nhiệt đới gió mùa.

Theo đó, xu thế biến đổi của nhiệt độ và lượng mưa ở Việt Nam rất khác nhau trên các vùng trong 50 năm qua. Nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,5 độ C trên phạm vi cả nước và lượng mưa có xu hướng giảm ở phía Bắc, tăng ở phía Nam lãnh thổ.

Thời gian qua, cùng với cả nước, Quảng Bình đã có những nỗ lực nhất định trong thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính như: tham gia chương trình hợp tác của Liên hợp quốc về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng tain Việt Nam; triển khai thực hiện các chương trình phát triển hầm khí sinh học từ chất thải trong chăn nuôi; triển khai dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời và ứng dụng công nghệ sản xuất giảm phát thải khí nhà kính. Hiện tại, tỉnh Quảng Bình đang đặt ra giải pháp nhằm phấn đấu từ nay cho đến năm 2020 sản xuất vật liệu không nung đạt 120 đến 160 triệu viên/năm, chiếm từ 30 đến 50% vật liệu xây.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về các chất làm suy giảm tầng ôzôn và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ôzôn ở Việt Nam, biến đổi khí hậu và các biện pháp ứng phó tại Việt Nam. Theo đó, ứng phó và giảm nhẹ biến đổi khí hậu đòi hỏi sự nỗ lực của toàn cầu. Để hạn chế sự ấm lên toàn cầu cần phải hạn chế và quản lý chặt chẽ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và những khí nhà kính khác.

Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính sẽ bao gồm 2 vấn đề lớn: sử dụng công nghệ có mức phát thải thấp trong sản xuất và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng chính sách và biện pháp tăng cường để hấp thụ khí nhà kính, phát triển và bảo vệ rừng...

Hiền Chi