.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Thứ Hai, 29/09/2014, 14:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng 29-9, tại phiên họp thứ 31 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên chất vấn. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của phiên họp thứ 31 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Tại điểm cầu Quảng Bình, tham dự phiên họp chất vấn có đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Xuân Quang, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

 Các đại biểu tham dự phiên họp chất vấn tại điểm cầu Quảng Bình.
Các đại biểu tham dự phiên họp chất vấn tại điểm cầu Quảng Bình.

Những nội dung chính trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường tập trung vào việc xử lý tồn đọng khiếu nại tố cáo về đất đai của công dân; công tác quy hoạch sử dụng đất, tình hình sử dụng đất trồng lúa và chủ trương chuyển đổi cây trồng đối với đất trồng lúa; biện pháp khắc phục sử dụng đất lãng phí, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trách nhiệm quản lý Nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Cụ thể, liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, đến thời điểm hiện tại, đã có 18/22 tỉnh có vi phạm trong việc cấp giấy phép gửi báo cáo cho Bộ và triển khai, khắc phục vi phạm nhưng chưa triệt để.

Đến tháng 6-2014, đã có 17/45 tỉnh phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, việc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản của các địa phương còn chậm; mới chỉ có 10 tỉnh hoàn thành công tác khoanh định, trình phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản. Đối với vấn đề khai thác cát sỏi lòng sông, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể việc cấp phép, hoạt động khai thác. Tuy nhiên, xử lý những sai phạm trong quá trình này, ngoài trách nhiệm của các sở, ngành chức năng còn có vai trò rất quan trọng của chính quyền các địa phương…

Liên quan đến lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên diện rộng các dự án sử dụng đất chậm tiến độ, gây lãng phí đất đai. Kết quả tổng hợp số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến ngày 31-12-2013 có 8.909 tổ chức vi phạm với diện tích 137.651ha. Trong đó các tỉnh, thành phố đã xử lý 5.182 tổ chức với diện tích đất 114.177ha (đạt 82,90%).

Về nguyên nhân chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà một số đại biểu Quốc hội đề cập, Bộ trưởng cho rằng nhiều địa phương do chưa có bản đồ địa chính, khó khăn về kinh tế và nhân lực nên phải tận dụng các bản đồ, tài liệu đo đạc khác hiện có hoặc chỉ đạo đo đạc bằng phương pháp đơn giản để cấp giấy, do đó độ chính xác không cao dẫn đến việc phải đo đạc lại và cấp đổi lại giấy chứng nhận.

Ngoài ra, nhiều địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với quy hoạch lại đất ruộng, dồn điền đổi thửa dẫn đến thay đổi, phải thực hiện đo đạc, chỉnh lý lại bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Về nguyên nhân dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo của công dân, Bộ trưởng cho rằng, do việc sử dụng đất thiếu ổn định, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, bất cập; một số văn bản được ban hành sau lại quy định theo hướng có lợi hơn cho người sử dụng đất dẫn đến việc so bì, cố tình không bàn giao đất và nhận tiền bồi thường để khiếu nại, yêu cầu được áp dụng chính sách mới; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập; nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế…

Buổi chiều cùng ngày, phiên họp tiếp tục thực hiện chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

Nguyễn Hoàng