.

Đẩy mạnh tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai

Thứ Năm, 16/11/2017, 08:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh luôn chú trọng việc bảo đảm hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ, đẩy mạnh tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ.

Từ đầu năm 2017, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã triển khai thực hiện chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ/sức khoẻ sinh sản  (SKSS) tại các xã đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng có mức sinh cao và không ổn định, xã thuộc vùng biển và ven biển thuộc 6/7 huyện, thị xã.

Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2017, chiến dịch đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Đối với gói dịch vụ KHHGĐ, triệt sản đạt 171%, đặt vòng đạt 199%, thuốc tiêm đạt 105%, bao cao su đạt 145%, thuốc uống tránh thai đạt 152%... Về gói dịch vụ phòng chống viêm nhiễm đường sinh dục, đã có 3.022 lượt phụ nữ được khám viêm nhiễm đường sinh dục, 396 ca xét nghiệm soi tươi. Chương trình cũng đã cung cấp các phương tiện tránh thai cho 8 huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh gồm 2.400 vòng TCU 380 A, 1.200 lọ thuốc tiêm (Petogen-Fresenius), 36.360 bao cao su và 1.600 vỉ thuốc tránh thai các loại.

Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ đặt dụng cụ tử cung do Tổ chức Marie Stopes International (MSI) tài trợ (gọi tắt là chương trình Choice) đã phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức 1 lớp tập huấn cập nhật kỹ thuật đặt dụng cụ tử cung và kiểm soát nhiễm khuẩn; tổ chức 2 đợt giám sát hỗ trợ sau đào tạo cho cán bộ cung cấp dịch vụ tuyến huyện và xã với 57 người tham gia thực hành trực tiếp đặt dụng cụ trên khách hàng dưới sự giám sát, hướng dẫn hỗ trợ của giảng viên chương trình Choice.

Tư vấn và cung cấp dịch vụ các biện pháp tránh thai tại xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa.
Tư vấn và cung cấp dịch vụ các biện pháp tránh thai tại xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa.

Nhằm thực hiện chính sách xã hội hóa, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tích cực tiếp thị các phương tiện tránh thai trên địa bàn tỉnh với mục tiêu đẩy mạnh chương trình tiếp thị bao cao su, thuốc uống tránh thai thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số nhằm tăng khả năng tiếp cận, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu phương tiện tránh thai có giá thành thấp, chất lượng tốt cho người dân có thu nhập thấp; hướng tới sự công bằng trong dịch vụ DS-KHHGĐ, góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ  trên địa bàn tỉnh.

Nhờ thực hiện tốt dự án bảo đảm hậu cần và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, nên số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn toàn tỉnh sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện nay, 2 biện pháp tránh thai hiện đại có tác dụng lâu dài và hiệu quả cao là triệt sản và đặt vòng tránh thai lại có xu hướng giảm. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ngắn hạn, như: thuốc tiêm, thuốc cấy, có xu hướng tăng, nhưng việc đáp ứng nhu cầu lại khó khăn. Biện pháp thuốc cấy tránh thai được nhiều đối tượng chấp nhận lại không được cung cấp đủ do giá thành quá cao...

Mặt khác, những năm trước đây, phương tiện tránh thai và hàng hóa SKSS được miễn phí hoàn toàn, nhưng từ năm 2015 đến nay, các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ chỉ cấp miễn phí cho các đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống tại các xã đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng có mức sinh cao và không ổn định, xã vùng biển. Nhiều người dân chưa quen với các dịch vụ tiếp thị xã hội, nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai.

Nhận thức được những khó khăn này, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vận động các đối tượng và sớm tìm được giải pháp khắc phục để nâng tỷ lệ người thực hiện các biện pháp tránh thai và nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường hơn nữa công tác truyền thông vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân; qua đó nâng cao tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai; phối hợp với các đơn vị chuyên môn y tế cung cấp các loại hình dịch vụ chăm sóc SKSS có chất lượng đến các đối tượng, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ.

Thanh Hoa