.

Nhiễm vi rút viêm gan B: Thực trạng và giải pháp

Thứ Hai, 06/11/2017, 11:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Vừa qua, Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh tổ chức nghiệm thu đề tài: “Đánh giá thực trạng nhiễm vi rút viêm gan B trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và đề xuất biện pháp phòng chống” do Sở Y tế chủ trì thực hiện.

Nhiễm vi rút viêm gan B (HBV) là vấn đề sức khỏe mang tính chất toàn cầu và một trong những nguyên nhân gây tử vong phổ biến trên thế giới. WTO ước tính năm 2015 trên thế giới có khoảng 275 triệu người mang vi rút HBV mạn tính với khoảng 1,45 triệu người tử vong do xơ gan và ung thư gan nguyên phát liên quan đến nhiễm HBV. Tại tỉnh ta, theo nghiên cứu của ông Đỗ Quốc Tiệp (Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) và cộng sự, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở nhân viên y tế tại các bệnh viện năm 2012 là 13,9%, người xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là 11,3%.

Các đường lây nhiễm của vi rút viêm gan B gồm: tiếp xúc với máu (có thể xảy ra trong những trường hợp, như: truyền máu, các chế phẩm qua máu, phẫu thuật, tiêm chích ma tuý...); truyền từ mẹ sang con; lây nhiễm theo đường tình dục không an toàn. Các biểu hiện nhận biết dễ nhận thấy nhất ở người nhiễm vi rút HBV và viêm gan giai đoạn sớm là mắt vàng, da vàng, gan to, nước tiểu vàng, mệt mỏi, chán ăn,...
Nhằm góp phần làm rõ thực trạng nhiễm vi rút HBV ở cộng đồng dân cư tại tỉnh ta, nhóm nghiên cứu của Sở Y tế đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Đánh giá thực trạng nhiễm vi rút viên gan B trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và đề xuất biện pháp phòng chống”. Mục tiêu của đề tài là xác định tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở đối tượng 20 đến 60 tuổi trên địa bản tỉnh, đồng thời đánh giá kiến thức, thái độ và hành vi của người dân trong việc dự phòng lây nhiễm vi rút HBV.

Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 2.019 người dân (tuổi từ 20 đến 60) thuộc 24 xã, phường/8 huyện, thị xã, thành phố được chọn lọc theo 2 vùng nông thôn và thành thị, đối tượng nghiên cứu được chọn ngẫu nhiên, chưa tiêm phòng vi rút viêm gan B lần nào. Nghiên cứu được thiết kế theo phương pháp dịch tễ học mô tả cắt ngang có phân tích về tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B (HBsAg). Trong đó, HBsAg là dấu ấn đầu tiên của vi rút xuất hiện trong huyết thanh. Nhiễm HBV mạn tính được định nghĩa là khi HBsAg tồn tại trên 6 tháng sau giai đoạn khởi phát. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành phỏng vấn trực tiếp đối tượng nghiên cứu về kiến thức, thái độ và hành vi của người dân về bệnh viêm gan B, các đường lây nhiễm và dự phòng nhiễm vi rút viêm gan B.

Bệnh nhân đến xét nghiệm và tiêm văc-xin phòng ngừa viêm gan B tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Bệnh nhân đến xét nghiệm và tiêm văc-xin phòng ngừa viêm gan B tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ HbsAg(+) chung toàn tỉnh là 11,89%. Các địa phương có tỷ lệ HbsAg(+) cao, như: Bố Trạch 15,26%, Quảng Ninh 14,96%, Minh Hoá 14,46%..., thấp nhất là huyện Lệ Thủy 9,09%. Trong đó, theo phân bố nghiên cứu theo giới, đối tượng nữ bị nhiễm siêu vi B chiếm 64,7%, nam 35,3%; theo phân bố theo vùng sinh thái, vùng nông thôn chiếm 13,50%, thành thị 9,18%...

Tìm hiểu về kiến thức, thái độ và hành vi của người dân về phòng chống bệnh viêm gan B, nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận, tỷ lệ hiểu biết về các dấu hiệu của bệnh còn thấp, trong đó, dấu hiệu vàng da 49,28% người biết, vàng mắt (28,38%) và vẫn còn 25,36% đối tượng không biết dấu hiệu nào của bệnh viêm gan B. Tỷ lệ hiểu biết về đường lây truyền cũng vậy, qua đường truyền máu chỉ 43,88% người biết, tình dục không an toàn 44,87%, mẹ truyền sang con trong thai kỳ chiếm 25,26%.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tỷ lệ người dân hiểu đúng về biến chứng của bệnh tương đối tốt, trong đó ung thư gan chiếm 61,02%, xơ gan 43,14%, viêm gan mạn tính 19,17%. Tỷ lệ người dân biết về các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vi rút viêm gan B cũng khá tốt, tiêm vắc xin phòng bệnh (74,10%), đến bệnh viện để khám, điều trị và gặp bác sĩ để được tư vấn là 45,8%.

Để giảm lây truyền và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm gan B, nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất các giải pháp, gồm: đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của viêm gan B, đặc biệt là hậu quả lâu dài, như: xơ gan, ung thư gan; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm; kiện toàn và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng; huy động nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống vi rút viêm gan B; khuyến khích nghiên cứu các đề tài khoa học liên quan đến HBV...

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc sở Y tế, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B trong cộng đồng dân cư ở tỉnh ta tương đối cao. Đây là một thực tế đáng báo động, bởi hậu quả của nhiễm vi rút HBV đối với sức khỏe con người rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, các hoạt động phòng chống bệnh HBV trên địa bàn tỉnh ta những năm qua đang gặp nhiều khó khăn về cơ chính chính sách,  nguồn lực kinh phí, nhận thức của người dân... Để phòng chống bệnh viêm gan nói chung và viêm gan vi rút B nói riêng, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ sở y tế, sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự tham gia một cách chủ động tự giác của người dân và cộng đồng.

Th. Hoa