.

Nan giải tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Thứ Bảy, 04/11/2017, 15:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang là thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và chất lượng dân số của tỉnh ta.

Thực trạng nhức nhối

Tỉnh ta hiện có 2 dân tộc thiểu số chính, đó là Chứt (gồm các tộc người: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng) và Bru-Vân Kiều (gồm các tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì). Ngoài ra còn có một số dân tộc khác, như: Mường, Thổ, Tày, Nùng, Pa cô... Toàn tỉnh hiện có 5.095 hộ, với 23.036 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung ở vùng núi phía Tây thuộc các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh ta đã có bước phát triển quan trọng. Các chương trình, chính sách về y tế, giáo dục và an sinh xã hội đã góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nơi đây. Cơ sở hạ tầng, như: điện, đường, trường học, trạm xá, chợ, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt... đã được đầu tư xây dựng, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tăng cường.

Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, tập trung nhiều ở các xã, như: Thượng Trạch (Bố Trạch), Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa)... Trong 2 năm trở lại đây, xã Dân Hóa có 14 cặp tảo hôn, 3 cặp hôn nhân cận huyết thống. Đầu năm 2017, cặp đôi Hồ Thinh, Hồ Thị Huyền (bản Ka Ai), mặc dù chưa đến tuổi kết hôn, nhưng hai gia đình vẫn đồng ý cho làm đám cưới. Khi cán bộ địa phương đến tuyên truyền, vận động thì các em đều lảng tránh, không tiếp xúc. Nói chuyện với bố mẹ các em thì đều có chung câu trả lời là “không cho chúng cưới thì chúng làm liều”.

  Tập huấn về giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.
Tập huấn về giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.

Hôn nhân sớm khiến các em mất đi sự hồn nhiên, vô tư và phải đối diện với những lo toan, bộn bề của cuộc sống khi tuổi đời còn quá trẻ. Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm tâm sinh lý không những ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ sơ sinh... Còn hôn nhân cận huyết thống gây nên nhiều hệ lụy về mặt sinh học, làm suy thoái giống nòi với những những đứa trẻ sinh ra không khỏe mạnh, còi cọc, mắc nhiều bệnh do các biến chứng ở tim, gan, nội tiết, chiều cao thấp, tuổi thọ không cao... làm giảm chất lượng cuộc sống cũng như khả năng học tập, lao động. Nhìn rộng hơn về mặt xã hội, những hậu quả bệnh lý do hôn nhân cận huyết thống đưa lại làm giảm đi những thành quả trong nỗ lực, cố gắng phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng dân tộc, cản trở sự phát triển tiến bộ xã hội.

Ông Nguyễn Lương Cương, Trưởng phòng Tuyên truyền địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh cho biết, trong 5 năm (2010 - 2014), ở vùng dân tộc thiểu số có 226 cặp tảo hôn, 15 cặp hôn nhân cận huyết thống. Số liệu này được báo về từ các huyện, trên thực tế, con số này có thể còn lớn hơn rất nhiều. Tại xã Thượng Trạch (Bố Trạch), Ban Dân tộc tỉnh đã điều tra, khảo sát 157 hộ dân/8 bản về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, đã có 55 trường hợp tảo hôn và 6 trường hợp hôn nhân cận huyết (trong đó con cô lấy con cậu 4 cặp, con chú lấy con bác 1 cặp và con hai dì lấy nhau 1 cặp).

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Ngày 14-4-2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” (gọi tắt là Đề án 498). Tại tỉnh ta, ngày 25-10-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3315/QĐ-UBND thành lập Ban chỉ đạo Đề án 498 do đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực BCĐ tham mưu cho UBND tỉnh về Đề án 498.

Đề án nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời làm giảm, tiến tới  xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện đề án, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành liên quan khảo sát thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh để đề ra giải pháp phù hợp. Trong đó, giải pháp quan trọng là tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống qua các kênh, như: truyền thanh xã, treo pa nô, áp phích tuyên truyền về tảo hôn hôn nhân cận huyết tại những nơi người dân hay lui tới, gồm: trụ sở UBND xã, nhà văn hóa cộng đồng, trường học..., phát tờ rơi đến cho từng hộ gia đình.

Ngoài ra, đề án đã tổ chức được 8 lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho các xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao, như: Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch), Lâm Thủy (Lệ Thủy), Dân Hóa (Minh Hóa), Trường Sơn (Quảng Ninh), mỗi lớp thu hút được 80 học viên tham gia.

Mặc dù các cấp, ngành, đoàn thể đã nỗ lực tuyên truyền, vận động để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, nhưng công tác này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, phải kể đến trình độ dân trí và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân dẫn đến hôn nhân cận huyết thống là do họ luôn có suy nghĩ rằng những người cùng họ lấy nhau thì gần gũi nhau hơn, thương yêu nhau hơn và của cải, ruộng đất không bị phân chia cho họ hàng khác. Một số nơi đường sá đi lại khó khăn, không có điều kiện giao lưu, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nên anh em họ hàng thường lấy nhau, một số nơi lại là do sự sắp xếp của cha mẹ... Mặt khác, do thiếu hiểu biết pháp luật, nhất là Luật Hôn nhân và gia đình, phong tục tập quán lạc hậu, kết hôn sớm để có thêm con cháu nối dõi tông đường, các em gái cam chịu, sợ “ế” chồng nên chấp nhận tảo hôn mà không hề biết những hệ lụy của nó.

Thứ hai, do chính quyền và đoàn thể địa phương chưa tuyên truyền đúng hướng, chưa kiên quyết ngăn cản và xử lý việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nên tình trạng này vẫn còn xảy ra nhiều nơi. Vì vậy, ngoài việc phổ biến kiến thức cho người dân hiểu hậu quả, hệ lụy do thực trạng này gây ra, cần mạnh tay xử lý nhằm cảnh báo chung, tạo sức răn đe.

Ngoài ra, việc thiếu kinh phí hoạt động để tuyên truyền, vận động đối với các hộ gia đình, dòng họ và đối tượng thanh, thiếu niên cũng là một khó khăn không nhỏ. Nguồn kinh phí ngân sách cấp còn hạn hẹp, trong khi chưa khai thác được nguồn tài trợ của xã hội cho công tác này.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết không chỉ vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến sức khỏe và nòi giống mà còn là vấn nạn xã hội. Vì vậy, rất cần sự chung tay của xã hội và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương để hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng này trong thời gian sớm nhất.

Thanh Hoa