.

An toàn vệ sinh thực phẩm: Nỗi lo thường trực

Thứ Ba, 01/11/2016, 15:14 [GMT+7]

(QBĐT) - “Nói không với thực phẩm bẩn” là thông điệp truyền thông được chuyển tải nhiều nhất tới người tiêu dùng, nhưng trên thực tế, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cũng đang nóng lên từng ngày bởi công tác này còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Tại tỉnh ta, việc bảo đảm ATTP đang là một trong những vấn đề đáng được quan tâm hàng đầu khi mà người dân đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do sự cố môi trường biển.

Nỗi lo từ chợ

Chợ truyền thống là nơi tập trung các loại thực phẩm và cũng là địa chỉ thu hút nhiều nhất số lượng người tiêu dùng, song điều dễ nhận thấy là nguy cơ mất an toàn từ các chợ cũng khá cao. Có thể nói thực phẩm tại đây phần lớn đều không qua kiểm định chất lượng của các cơ quan chức năng về vệ sinh ATTP. Vì vậy người tiêu dùng cũng khó phân định được đâu là thực phẩm an toàn.

Tại các chợ trong tỉnh, điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, nguồn nước sạch, hệ thống cống rãnh chưa hợp vệ sinh, mặt bằng bán hàng nhìn chung chưa đạt điều kiện bảo đảm vệ sinh ATTP.

Ngay cả ở các chợ lớn trên địa bàn tỉnh như chợ Đồng Hới, chợ Nam Lý, chợ Hoàn Lão... cảnh tượng mất vệ sinh vẫn diễn ra hàng ngày, nhất là các gian hàng kinh doanh hải sản tươi sống. Đa số hải sản tươi sống như: tôm, cá, gia cầm... đều được bày bán trong điều kiện nhếch nhác, đặt trên 1 tấm nilon, rổ rá hoặc bao tải cũ rách, thậm chí đặt ngay trên sàn chợ cạnh rãnh thoát nước. Để tiện cho người tiêu dùng, những người bán hàng đều nhận sơ chế thực phẩm luôn tại chợ. Thế nên, lượng nước và rác thải tồn đọng khá nhiều trong khi các loại hải sản tươi sống, hải sản đông lạnh và cả hải sản đã qua sơ chế của các chủ hàng được bày bán cạnh nhau.

Ở khu hàng bán thịt lợn, nhiều quầy thịt được bày trên các bàn gỗ đã cáu đen vì bụi bẩn và mỡ bám lâu ngày, có hàng còn đặt thịt trên các tấm bìa cũ, nhàu nát. Tuy nhiên chỉ cần đôi ba câu giới thiệu là lợn nhà, lợn sạch mới giết mổ... là đã thuyết phục được người mua phần nào yên tâm sử dụng. Nhiều quầy hàng còn bày thực phẩm sống cùng với thực phẩm chín như: giò, nem, chả...

Không chỉ đối với thực phẩm tươi sống, các loại thực phẩm khô cũng đáng phải báo động về tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều mặt hàng như nấm, măng khô, gia vị, da lợn, thịt bò khô, mực khô xé sợi, cá khô... chỉ được đóng trong các bao nilon, bao giấy không nhãn mác nên người tiêu dùng không biết nguồn gốc xuất xứ. Nhiều người tiêu dùng đã mua phải hàng mốc, hàng có mùi lạ...

Cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm ở một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm ở một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: ở các chợ truyền thống, nhất là chợ xã, chợ làng rất hiếm khi có cơ quan nào kiểm tra, giám định về chất lượng, độ an toàn của thực phẩm.

Khi được hỏi về việc lựa chọn thực phẩm an toàn ở chợ, chị Trần Thị Hiền ở xã Đức Ninh cho hay: Thực sự tôi rất băn khoăn mỗi lần đi chợ để chọn thực phẩm cho bữa ăn gia đình. Các loại rau, củ, quả như cải thảo, ớt chuông, khoai tây, cà rốt, hành tây, cà chua... ở chợ chủ yếu nhập từ nơi khác, trong đó phần lớn là từ Trung Quốc. Thịt, cá không biết xuất xứ từ đâu... Vào siêu thị thì biết rõ nguồn gốc song giá cả khá cao, lại chủ yếu là hàng đông lạnh nên không phù hợp với gia đình tôi và nhiều người nữa. Thế nên cứ ra đến chợ là “lo”.

Không chỉ ở các chợ truyền thống, thời gian gần đây, các chợ tự phát mọc lên ở khá nhiều tại các địa phương. Gọi là chợ nhưng chỉ là một hoặc vài chủ hàng bán thịt lợn, mớ cá, tôm, vài bó rau... ngay trên các địa điểm đông người qua lại như ngã ba, ngã tư đường phố. Gắn mác “cây nhà lá vườn” laị tiện lợi nên các mặt hàng, nhất là hàng thịt luôn thu hút đông đảo số lượng người mua. Điều đáng nói là các sản phẩm bày bán từ những chợ kiểu này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua bất kỳ khâu điểm định nào từ các cơ quan chức năng. Theo đó, thực trạng giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà không qua kiểm dịch của lực lượng thú y, không cần đến các điểm giết mổ tập trung là khá phổ biến. Thịt lợn được giết mổ trong điều kiện nào, là lợn sống hay đã bị bệnh và chết... là điều rất khó phân biệt. Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trước mắt thế nhưng các chợ này vẫn được khách hàng lựa chọn và khi được hỏi về Luật ATTP, không ít người mua, cả người bán đều không biết tới.

Nói không với thực phẩm “bẩn”

Mặc dù các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP song hoạt động này còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Lĩnh vực ATVSTP hiện được phân công rõ ràng cho 3 ngành: Y tế, Công thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm, song công tác quản lý cũng như việc việc thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm còn tồn tại nhiều hạn chế.

Thời gian qua, các đơn vị đã tăng cường công tác phối hợp, thành lập các đoàn kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và một số chợ đầu mối ở tất cả các nhóm hàng thực phẩm, chú trọng vào nhóm thực phẩm đang được dư luận quan tâm như: hải sản, các loại rau củ quả, phụ gia thực phẩm, gia cầm và sản phẩm từ gia cầm...

Đặc biệt, kể từ khi xảy ra thảm họa môi trường biển gây cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung, trong đó có tỉnh ta, toàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, tăng cường các hoạt động thanh tra về về an toàn thực phẩm. Các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở dịch vụ ăn uống, chú trọng các cơ sở dịch vụ ăn uống tại khu vực ven biển, bám cơ sở, nhất là địa bàn vùng biển để xác nhận nguồn gốc, chất lượng hải sản, lấy mẫu thực phẩm, nước biển, nước sinh hoạt tại các địa phương gửi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.

Mặc dù đã có sự nỗ lực trong nhiều hoạt động song trên thực tế, tỷ lệ các cơ sở không đạt yêu cầu về vệ sinh thực phẩm còn cao, nhất là việc kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm quá hạn sử dụng, hàng giả, hàng kém chất lượng....

Nguyên nhân của những tồn tại trên, một phần đến từ thực trạng bộ máy quản lý vệ sinh ATTP các tuyến  chưa được đầu tư tương xứng, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, thiếu cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP tại các huyện, thành phố, thị xã nên việc nắm bắt thông tin từ các địa phương chưa kịp thời. Việc áp dụng chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe cũng như ý thức của một bộ phận người tiêu dùng về vệ sinh ATTP còn hạn chế.

Theo thống kê, năm 2015, toàn tỉnh có 227 người phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm, 6 tháng đầu năm 2016 đã có 73 người bị ngộ độc. Điều đáng nói là không ít người dân bị ngộ độc khi ăn các thực phẩm được chế biến tại nhà để phục vụ tiếc cưới, tiệc liên hoan, đám giỗ...  

Nói đến an toàn thực phẩm phải kể đến các khâu: sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển - bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm. Để có thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng thì tất cả các khâu nói trên đều cần phải được  thực hành bảo đảm vệ sinh. Thế nên, vấn đề trên vẫn còn rất nhiều việc phải bàn.

Để thắt chặt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và đẩy lùi thực phẩm “bẩn”, thiết nghĩ ngoài việc tăng cường hơn nữa công tác quản lý, thanh kiểm tra và giám sát tại tất cả các tuyến, cần đưa Luật ATTP thực sự đi và cuộc sống. Muốn vậy nhất thiết phải có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền cấp xã, phường bởi đây là cơ quan quản lý gần dân nhất nên có thể nắm rõ nhất tình hình sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Mặt khác, cần nâng cao hơn nữa chất lượng thanh kiểm tra và vấn đề giám sát sau thanh kiểm tra, từng bước xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP và các mô hình sản xuất an toàn khác. Và cùng với việc xây dựng, phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, mỗi người dân hãy là một giám sát viên, sẵn sàng tố giác những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời kiên quyết tẩy chay những sản phẩm gây hại cho sức khỏe con người.  

Nh.V