.

Ngành Y tế Quảng Bình: Thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả do lũ, lụt gây ra

Thứ Năm, 20/10/2016, 08:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Cũng như nhiều đơn vị, địa phương khác trong tỉnh, sau đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, ngành Y tế tỉnh ta phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, phần lớn bị tốc mái, vỡ cửa kính; hệ thống điện, nước bị hư hỏng. Một số công trình, hạng mục phục vụ cho công tác thu dung điều trị bệnh nhân ở các bệnh viện bị lũ, lụt phá vỡ, có khoảng 90/159 trạm y tế xã, phường, thị trấn bị ngập nước, ước tính tổng số thiệt hại ban đầu khoảng trên 40 tỷ đồng.

Khó khăn là vậy song toàn ngành đã nỗ lực vượt qua để thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh, nhất là những người bị tai nạn do lũ, lụt; đồng thời triển khai tốt các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, toàn ngành đã tập trung nhiều hoạt động nhằm sớm trả lại môi trường sạch cho bà con vùng bị ngập lụt và chủ động các phương án đối phó khi có dịch bệnh xảy ra.

Thực tế cho thấy, ở tất cả các địa bàn thấp trũng bị ngập lụt nghiêm trọng, sau khi nước rút đã để lại một lượng bùn, rác thải khá lớn gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước... Chính những yếu tố này là nguyên nhân dễ phát sinh các loại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Với phương châm nước rút đến đâu, xử lý vệ sinh môi trường đến đó, những ngày vừa qua, ngành Y tế đã tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế và cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Minh Hóa đang hướng dẫn người dân khử khuẩn nguồn nước.
Bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế và cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Minh Hóa đang hướng dẫn người dân khử khuẩn nguồn nước.

Ngay sau lũ, Sở Y tế đã thành lập các đoàn về tận cơ sở và các bệnh viện để chỉ đạo các đơn vị triển khai tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cũng như các hoạt động thu dung cấp cứu cho người bị tai nạn do hậu quả thiên tai.

Tại các huyện có nhiều xã bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ, lụt như Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, Tuyên Hóa, Minh Hóa..., các đơn vị y tế đã khẩn trương triển khai các hoạt động làm sạch môi trường, nguồn nước. Do có sự chuẩn bị từ trước, các đơn vị y tế đã nhanh chóng cung cấp đầy đủ hóa chất, các cơ số thuốc cần thiết như: Cloramin B, Oresol, Ringer Lactat, dây truyền dịch, cùng các loại thuốc thiết yếu khác để xử lý môi trường và điều trị các loại bệnh thông thường hay mắc phải sau bão lụt cho người dân như các bệnh về tiêu hóa, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, da liễu...

Tại thành phố Đồng Hới, các địa phương bị ngập lụt nặng như: Lộc Ninh, Thuận Đức, Đồng Sơn, Đức Ninh, Hải Đình... cán bộ y tế Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đồng Hới đã bám sát từng địa bàn, chuẩn bị đầy đủ các cơ số thuốc, hoá chất, thiết bị, phương tiện sẵn sàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh. Trung tâm đã chủ động phối hợp với Ban phòng chống bão lụt của Bệnh viện đa khoa Đồng Hới tăng cường khám, điều trị cho người dân mắc các bệnh thường gặp sau lũ lụt, đồng thời, tăng cường công tác giám sát, kiểm soát chặt chẽ  các ổ dịch cũ, không để ổ dịch mới bùng phát.

Trên địa bàn huyện Lệ Thủy- một trong những địa phương bị ngập úng nặng trong đợt mưa lũ vừa qua, cán bộ y tế đã sớm có mặt tại các xã, thị trấn để hướng dẫn người dân cách khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt theo đúng quy định của Bộ Y tế và phun hoá chất diệt muỗi, diệt bọ gậy tại các vùng bị ngập nước lâu ngày, các ổ dịch cũ, bảo đảm các chỉ số côn trùng đều ở mức an toàn.

Ở  địa bàn các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và các địa phương khác trong tỉnh, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cũng được các đơn vị y tế triển khai đồng bộ nhiều hoạt động kịp thời giúp bà con quét dọn bùn, rác, xử lý nguồn nước bằng  cloramin B. Mặc dù các trạm y tế xã bị hư hỏng nghiêm trọng từ cơ sở hạ tầng đến trang thiết bị song ngay sau khi nước rút, đội ngũ cán bộ y tế  đã tập trung làm vệ sinh để có nơi thu dung, điều trị người bệnh.

Công tác cấp cứu, thu dung và điều trị cho người bệnh sau bão lũ được các đơn vị y tế trong tỉnh hết sức chú trọng. Các cơ sở điều trị, ngay trong và sau  lũ, lụt đón nhận nhiều bệnh nhân nhập viện vì tai nạn do lũ, lụt và một số trường hợp chuyển dạ sinh con trong khi hầu hết các bệnh viện đều ngập nước và bị hư hỏng một số hạng mục. Thế nhưng các đơn vị đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để cấp cứu điều trị người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Cùng với việc tiếp tục cử cán bộ bám các các địa bàn để khử khuẩn nguồn nước, làm sạch môi trường, giám sát dịch bệnh... ngành Y tế tiến hành phân bổ kịp thời hóa chất, thuốc men thiết yếu cho các địa phương, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, nhất là các vùng bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua.

Trước tình hình mưa bão đang có nhiều diễn biến phức tạp, ngành đã bố trí cán bộ trực 24/24 giờ để vận chuyển, ứng cứu kịp thời, bảo đảm công tác sơ cấp cứu ban đầu khi xảy ra các tai nạn, thương tích cho người dân. Bên cạnh đó, toàn ngành sẽ tập trung nguồn lực nhằm bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ để khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động đối phó với các cơn bão mới có thể xảy ra, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản. Quyết tâm của ngành là dù khó khăn đến mấy cũng nỗ lực hết sức để thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị người bệnh, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe, giúp người dân trên các địa bàn sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Nhật Văn-Lê Hồng