.

Hướng tới tương lai không còn trẻ nhiễm HIV

Thứ Ba, 10/11/2015, 08:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Những tưởng không còn niềm tin, hy vọng về một ngày mai, tưởng không bao giờ được làm người mẹ hạnh phúc, được sinh con và nhìn con lớn lên khỏe mạnh từng ngày… vì mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Thế nhưng những người phụ nữ kém may mắn ấy lại có được nụ cười vì họ hoàn toàn có cơ hội sinh ra những đứa con khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Và giấc mơ có thật ấy đã tiếp thêm sức mạnh giúp họ vượt qua nỗi đau để viết nên những trang đời mới.

“Như được sinh ra lần hai”

Đó là tâm sự của Thu Hương (chúng tôi tạm đổi tên)- một bệnh nhân AIDS ở thị xã Ba Đồn khi biết rằng con trai của Hương không bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Hương kể: Từ ngày lấy chồng, cuộc sống của cô trở thành địa ngục vì người đàn ông của cuộc đời cô là người nghiện ma túy. Trước đó, cô không hay biết về điều này và khi mọi chuyện đã rõ như ban ngày thì “gạo đã nấu thành cơm” nên Hương an phận động viên chồng cai nghiện để làm lại cuộc đời. Lần này đến lần khác khăn gói theo chồng đến các trung tâm cai nghiện có uy tín, tiền bạc của cải trong nhà đều dốc vào chuyện giúp chồng thoát khỏi ma túy nhưng kết quả mà Hương nhận được chỉ là con số 0. Không có tiền phục vụ cho nhu cầu sử dụng ma túy, chồng Hương đã tiếp tay cho các tội phạm ma túy trong việc mua bán lẻ ma túy và rồi phải vào tù. Suốt những năm ở tù, dường như chồng cô đã đoạn tuyệt được với ma túy nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi ra tù lại tái nghiện trong khi cô mang thai đứa con đầu lòng.

Trớ trêu hơn là trong một lần đi khám sức khỏe, cô phát hiện ra mình nhiễm HIV và chồng cô đã thừa nhận rằng anh ta bị lây nhiễm HIV từ những người bạn cùng chích ma túy. Từ đó, Hương hoàn toàn suy sụp chỉ nghĩ đến cái chết, nhưng vì đứa con cô phải cố gắng để làm mẹ an toàn vì tương lai của đứa trẻ.

Hương tìm đến Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS để được tư vấn sức khoẻ và ở đó cô bắt đầu hi vọng khi các bác sĩ nói rằng cô có thể sinh con khoẻ mạnh nếu thực hiện đầy đủ các bước dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Sự ân cần, thân thiện của cán bộ y tế đã làm cho Hương vững tin hơn khi quyết định sinh con mặc dù trong người đang mang căn bệnh thế kỷ. Hồi hộp lo lắng, hy vọng đợi chờ và cũng có lúc giật mình nghĩ đến những điều không hay song rồi Hương lại mỉm cười hạnh phúc khi sinh ra một bé trai bụ bẫm, cứng cáp. Niềm vui cũng được nhân lên gấp bội lần khi đứa trẻ qua nhiều lần xét nghiệm được bác sĩ thông báo là khoẻ mạnh, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Cầm kết quả xét nghiệm của con trong tay mà Hương cứ ngỡ như đang cầm một báu vật thật lớn, có cảm giác như mình vừa mới được sinh ra lần thứ hai. Và cũng từ đó, cô nhìn thấy tương lai của mình sẽ không còn là những ngày buồn mà thay vào đó là niềm tin để bước tiếp dẫu chặng đường còn lắm chông gai.

Tư vấn sức khỏe cho phụ nữ mang thai ở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS.
Tư vấn sức khỏe cho phụ nữ mang thai ở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS.

Vì một thế hệ tương lai

Cùng với các địa phương trong cả nước, Quảng Bình là tỉnh được thụ hưởng các nội dung của chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ năm 2006. Tỉnh ta đã tập trung thực hiện công tác truyền thông về lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ, đặc biệt tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ; các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và hiệu quả của các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền này, trong đó chú trọng tuyên truyền cho đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai về tình dục an toàn, phòng tránh có thai ngoài ý muốn, tư vấn cho phụ nữ sự cần thiết thực hiện khám sàng lọc, xét nghiệm HIV sớm...

Trung tâm đã thực hiện tốt việc theo dõi, quản lý có hệ thống và đưa ra các quyết định can thiệp phù hợp có hiệu quả cao làm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con thông qua 3 giai đoạn: can thiệp trước sinh (tư vấn xét nghiệm HIV, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bổ sung vitamin, sắt, ARV...); can thiệp trong khi sinh (tư vấn xét nghiệm nhanh HIV, tránh các can thiệp như bấm ối, forcep, cắt tầng sinh môn, cân nhắc chỉ định mổ lấy thai...); can thiệp sau sinh (chủ yếu là tư vấn cho người mẹ về những lợi ích và nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú, khuyến cáo bà mẹ nên nuôi trẻ bằng sữa thay thế...). Sau khi sinh con, từ nguồn kinh phí của chương trình, những bà mẹ nhiễm HIV còn được cung cấp sữa nuôi con miễn phí trong 6 tháng. Đây là sự hỗ trợ ý nghĩa để họ nuôi con theo đúng phác đồ điều trị vì đa số những bà mẹ có HIV đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn,

Trao đổi với các bác sĩ, chúng tôi được biết, những năm trước đây, phần lớn số phụ nữ mang thai nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn mang thai nhiều tháng hoặc khi chuyển dạ) do bản thân người phụ nữ mang thai và phụ nữ nhiễm HIV thiếu thông tin, kiến thức về lây truyền HIV, các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa được cung cấp rộng rãi. Điều này đã gây khó khăn trong việc quản lý, điều trị cho các bà mẹ nhiễm HIV và trẻ em sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV.

Từ khi đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đa số người dân đã hiểu rõ nội dung của chương trình thông qua các hoạt động truyền thông được tổ chức rộng khắp ở hầu hết các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để triển khai các hoạt động chuyên môn. Nhờ vậy, chương trình đã thu hút ngày càng nhiều phụ nữ mang thai, người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS tham gia. Hầu hết những phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV sau khi thực hiện đầy đủ các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đều sinh ra những đứa trẻ khoẻ mạnh. Từ kết quả mà chương trình mang lại, tỉnh ta đang tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu không còn trẻ nhiễm HIV trong những năm tới.

P.V