.

Khám sức khỏe định kỳ: Người dân còn thờ ơ

Thứ Sáu, 06/11/2015, 21:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Khám sức khỏe định kỳ (KSKĐK) có vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, hiện nay ở tỉnh ta phần lớn người dân không chỉ ở các vùng nông thôn mà ngay cả những người ở thành thị cũng thờ ơ với việc KSKĐK.

Khám sức khỏe định kỳ là việc kiểm tra sức khỏe để đánh giá tổng quan tình trạng sức khỏe của mỗi người theo khoảng thời gian ấn định 6 tháng/lần, 1 năm/lần, 2 năm/ lần. KSKĐK có vai trò quan trọng, giúp mỗi người phát hiện các vấn đề bất thường về sức khỏe và các loại bệnh khi chưa có những biểu hiện bên ngoài; qua đó góp phần điều trị hiệu quả hơn, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, đồng thời tránh các biến chứng do bệnh gây ra...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết người dân chỉ đến các cơ sở y tế khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe chứ không có thói quen đi KSKĐK. Nhiều người chưa hiểu và chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của việc KSKĐK, đặc biệt là những người sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Không ít trường hợp, khi đến khám tại bệnh viện đã phát hiện bệnh trong tình trạng muộn, bệnh chuyển nặng hay vô phương cứu chữa.

Anh Nguyễn Văn Lý, ở phường Bắc Nghĩa, làm nghề thợ xây, cách đây 2 năm, bỗng dưng tay chân bị tê cứng, không đi lại được, được gia đình đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế kiểm tra thì phát hiện bị viêm tủy xương giai đoạn nặng nên giờ anh không thể tự đi lại được, đứng lên nằm xuống đều phải có người đỡ. Cuộc sống gia đình anh đã khó khăn giờ càng thêm khó bởi thu nhập chỉ trông chờ vào tiền người vợ buôn bán rau ngoài chợ. Gia đình anh trở thành hộ nghèo của phường. Nếu như được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có lẽ giờ đây tình trạng bệnh tật của anh đã khác.

Khám sức khỏe định kỳ có vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh tật.
Khám sức khỏe định kỳ có vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh tật.

Không chỉ với người nông dân vì kinh tế khó khăn, nhận thức hạn chế mà ngay cả cán bộ, công chức, viên chức, những người có điều kiện kinh tế, gần các bệnh viện lớn và có BHYT cũng không chủ động đi KSKĐK.
Chị Nguyễn Thị Tùng, kế toán Công ty Ninh Hải cho biết: Mặc dù hàng năm chị đều có thẻ bảo hiểm, nhưng chỉ khi nào đau quá nặng chị mới đi khám, còn đau nhẹ thì chị ra hiệu thuốc hỏi họ rồi mua thuốc về uống. Đi khám vừa mất thời gian lại rườm rà.

Nhưng  cũng có nhiều trường hợp mặc dù đã hiểu rõ lợi ích của việc KSKĐK nhưng vẫn do dự khi quyết định tìm tới bác sỹ hoặc bệnh viện để khám. Nguyên nhân nhiều người vẫn mang trong mình tâm lý sợ đi bệnh viện, sợ khám bệnh, sợ phát hiện bệnh... những ám ảnh lâu dài càng khiến thói quen khám bệnh định kỳ trở nên xa vời.

Với những người nông dân thu nhập chủ yếu từ đồng ruộng, việc có được một khoản tiền để đi KSKĐK là khá khó khăn. Tuy nhiên, so sánh giữa một lần đi KSKĐK với việc phải vào bệnh viện điều trị cả tháng trời thì số tiền phải bỏ ra không chỉ chênh nhau gấp đôi, gấp ba mà còn lớn hơn nữa. Không dừng lại ở đó, việc phát hiện bệnh muộn sẽ khiến quá trình điều trị càng khó khăn hơn, có những căn bệnh ở giai đoạn cuối, các bác sĩ cũng đành bó tay. Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, đó không chỉ là tài sản riêng của từng cá nhân mà còn là nguồn tài nguyên quý giá của xã hội, cộng đồng. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, theo đó chất lượng cuộc sống của con người được nâng cao. Chính vì vậy, mỗi người cần quan tâm hơn nữa tới việc chăm sóc sức khỏe.

Việc người dân thờ ơ với khám sức khỏe định kỳ là do nhận thức chưa đúng về những lợi ích của việc khám sức khỏe. Ngành y tế và các ngành liên quan cần phải quan tâm hơn nữa đến việc tuyên truyền, động viên, nâng cao nhận thức của người dân để họ tự giác, chủ động trong việc đi khám sức khỏe để giảm gánh nặng tàn tật và góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả.

Phạm Hà