.

Đầu tư cho y tế cơ sở

Thứ Sáu, 24/04/2015, 14:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Y tế cơ sở (YTCS) có vị trí đặc biệt trong hệ thống y tế, là tuyến y tế gần dân nhất, là nơi đầu tiên người dân tiếp xúc với hệ thống y tế và cũng là nơi cuối cùng để thực thi các hoạt động trực tiếp đưa các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe đến tận người dân. Chính vì vậy, việc đầu tư cho YTCS chính là đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận được với các dịch vụ y tế kịp thời.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh, hệ thống y tế thôn bản được thành lập trên cơ sở mỗi thôn bản có một nhân viên y tế hoạt động bán chuyên trách và được hưởng phụ cấp hàng tháng. Mỗi cán bộ y tế thôn bản được trang bị túi y tế, bao gồm các dụng cụ y tế, một số thuốc men và dụng cụ sơ cấp cứu để phát hiện, giải quyết các bệnh thông thường và sơ cấp cứu bệnh nhân trước khi chuyển đến các cơ sở y tế gần nhất.

Tỉnh ta hiện có 100% xã, phường, thôn bản có nhân viên y tế hoạt động, đội ngũ cán bộ YTCS hiện nay còn bao gồm cả cô đỡ thôn bản và cộng tác viên y tế, nhờ đó mạng lưới y tế thôn bản đã được phát triển và nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới. Cơ sở vật chất của các trạm y tế từng bước được nâng cấp, 100% các trạm y tế đều có điện thoại, internet, được trang bị giường bệnh, tủ thuốc, các dụng cụ y tế cơ bản, dụng cụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt tại các xã vùng biên giới đã có sự phối hợp quân dân y, góp phần tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, bảo đảm an ninh biên giới.

Chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở luôn được ngành Y tế chú trọng đầu tư.
Chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở luôn được ngành Y tế chú trọng đầu tư.

Nhờ chăm lo củng cố, phát triển mạng lưới y tế, đào tạo cán bộ YTCS nên những năm qua công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là không có các dịch bệnh lớn xảy ra. Các chương trình y tế quốc gia được triển khai đồng bộ và mang lại hiệu quả, các chỉ số về sức khỏe của nhân dân trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Các dịch bệnh xảy ra đều nhanh chóng được khống chế và dập tắt kịp thời. Công tác phòng chống thiên tai được chuẩn bị chu đáo và khắc phục kịp thời tình trạng vệ sinh môi trường trước, trong và sau bão lụt. Vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai nghiêm túc và có sự phối kết hợp với các ban, ngành chức năng để thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được đưa về gần dân hơn, các trạm y tế xã đã triển khai công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân có BHYT, đối tượng người nghèo, người cao tuổi, các đối tượng chính sách và trẻ em dưới 6 tuổi, từ đó đã làm tăng sự tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế. Công tác khám chữa bệnh tuyến cơ sở đã được nâng lên, tính công bằng trong khám chữa bệnh được coi trọng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, mạng lưới YTCS vẫn còn nhiều yếu kém và chưa thích ứng với sự phát triển của xã hội và sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật; chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đó chính là việc mạng lưới YTCS không ổn định về tổ chức; cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị y tế thiếu, lạc hậu và không đồng bộ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế; chưa tạo được niềm tin với người dân là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng vượt tuyến quá tải ở bệnh viện tuyến trên;  đặc biệt là tuyến xã còn rất hạn chế, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu về trình độ, cơ cấu chưa hợp lý.

Việc thu hút các cán bộ y tế có trình độ chuyên môn giỏi về công tác tại tuyến YTCS còn gặp nhiều khó khăn do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng; đầu tư về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo...

Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương về YTCS, chăm sóc sức khỏe ban đầu và sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong hoạt động chăm sóc sức khỏe ở một số địa phương còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đến đầu tư, nâng cao năng lực cho YTCS.

Mặt khác, YTCS đang đứng trước những thách thức lớn, đó là nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng cao, trong khi khả năng đáp ứng của hệ thống YTCS còn hạn chế. Sự chênh lệch về thu nhập giữa các nhóm dân cư, giữa các vùng, miền ngày càng gia tăng đặt ra những thách thức về bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mặt trái của kinh tế thị trường cũng có những tác động tiêu cực đối với ngành Y tế, có xu hướng bệnh viện hóa, xem nhẹ chăm sóc sức khỏe ban đầu dẫn đến tình trạng bỏ tuyến YTCS.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và ngành Y tế về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới trong thời gian tới, cùng với ngành Y tế, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng cơ sở vật chất và trang cấp các thiết bị y tế phù hợp cho YTCS. Bên cạnh đó ngành Y tế cần cải cách mạnh mẽ thủ tục khám chữa bệnh nhằm giảm bớt phiền hà cho nhân dân; nâng cao y đức và trách nhiệm của cán bộ y tế; đổi mới cơ chế tài chính, phương thức chi trả dịch vụ y tế phù hợp để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ y tế tuyến cơ sở...

L. H