.

"Tăng cường trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho người dân vùng khó khăn tỉnh Quảng Bình"

Thứ Năm, 25/12/2014, 17:47 [GMT+7]
(QBĐT) - Sáng 24-12, Sở Y tế và Tổ chức Marie Stopes International (MSIVN) tại Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn đối thoại chất lượng dịch vụ y tế cơ sở và hội thảo lập kế hoạch Dự án “Tăng cường trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản- kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ) cho người dân vùng khó khăn tỉnh Quảng Bình” năm 2015.
 
MSIVN là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tại Việt Nam. Đến nay, MSIVN được biết đến như một tổ chức đứng đầu về cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ chất lượng cao cho phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh sản. MSIVN thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức, hiểu biết và mang lại sự lựa chọn về SKSS cho cộng đồng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thông tin và dịch vụ chất lượng cao với mức chi phí hợp lý. 
Người dân hưởng lợi dự án đang tham gia đối thoại về dịch vụ y tế tại diễn đàn.
Người dân hưởng lợi dự án đang tham gia đối thoại về dịch vụ y tế tại diễn đàn.

Tại Quảng Bình, Dự án “Tăng cường trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ” được triển khai thực hiện tại 5 xã Yên Hóa, Tân Hóa, Minh Hóa, Hóa Tiến, Hóa Sơn thuộc huyện Minh Hóa trong giai đoạn 2013-2016 với sự tài trợ của Liên minh Châu Âu (EU).

Đến nay, Dự án đã thành lập được các Ban giám sát trách nhiệm giải trình và tổ chức nhiều cuộc họp cộng đồng theo cơ chế giám sát trách nhiệm giải trình, thu hút đông đảo người dân tham gia. Thực hiện mô hình xây dựng cơ chế giám sát trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ y tế đã từng bước nâng cao vai trò của khách hàng nhận dịch vụ (người dân) trong việc quyết định về chất lượng dịch vụ và giám sát hỗ trợ quá trình cải thiện chất lượng dịch vụ y tế tại cơ sở. Thực hiện mô hình này cũng từng bước làm thay đổi nhận thức của nhân viên y tế và người dân địa phương, từ mối quan hệ “thầy thuốc-bệnh nhân” sang mối quan hệ “người cung cấp dịch vụ-khách hàng”, tạo điều kiện cho người dân chia sẻ thông tin, đưa ra ý kiến nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ và các chính sách y tế phù hợp với các vùng còn nhiều khó khăn.

Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để người dân đối thoại, trao đổi những nội dung liên quan đến việc cung cấp dịch vị chăm sóc SKSS-KHHGĐ; đồng thời lập kế hoạch hoạt động cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Dự án trong thời gian tới.

 
NH.V