.

Lệ Thủy: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội

Thứ Năm, 18/12/2014, 09:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Xác định tuyên truyền là then chốt trong phòng chống tệ nạn xã hội và HIV/AIDS, thời gian qua, huyện Lệ Thủy đã xây dựng nhiều chương trình hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác này với nhiều hình thức và nội dung phong phú.

Cùng với việc từng bước kiện toàn, củng cố mạng lưới phòng chống HIV/AIDS từ huyện đến cơ sở, Lệ Thủy còn tập trung cho công tác giáo dục truyền thông, nhất là truyền thông thay đổi hành vi trong dự phòng lây nhiễm HIV ở các cộng đồng dân cư.

Các cơ quan ban, ngành trong huyện mà vai trò tiên phong là Phòng Văn hóa -Thông tin huyện đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các chương trình truyền thông phù hợp nhằm thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Đơn vị đã triển khai, thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Sở Thông tin-Truyền thông để tổ chức các hoạt động tuyên truyền có hiệu quả. Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện đã ưu tiên thời lượng cho việc chuyển tải các tin, bài có nội dung tuyên truyền phòng chống tội phạm, AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm: phối hợp chặt chẽ với Công an huyện mở chuyên mục An ninh- Trật tự Lệ Thủy để tuyên truyền cho nhân dân hiểu thêm về công tác phòng, chống tội phạm, AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm... Qua đó đã chuyển tải đến các tầng lớp nhân dân những kiến thức cơ bản về đường lây truyền, cách dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, cung cấp cho mọi người dân những thông tin quan trọng về tình hình an ninh trật tự và các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm để người dân chủ động trong đấu tranh phòng chống.

Cán bộ y tế tư vấn sức khỏe, cấp thuốc cho bệnh nhân AIDS ở huyện Lệ Thủy.
Cán bộ y tế tư vấn sức khỏe, cấp thuốc cho bệnh nhân AIDS ở huyện Lệ Thủy.

Nhiều gương người tốt, điển hình tiên tiến trong công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và HIV/AIDS được biểu dương, khích lệ, trong đó có những tấm gương là người nhiễm HIV vượt lên số phận để tiếp tục cống hiến cho gia đình, cộng đồng những việc làm có ý nghĩa. Nhờ vậy, đã hạn chế được tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Những người có liên quan đến tệ nạn xã hội như nghiện chính ma túy, người mua, bán dâm đã quan tâm hơn đến việc sử dụng các biện pháp an toàn để phòng tránh bệnh tật. Không ít người đã từ bỏ những hành vi có hại để thực hiện các hành vi an toàn trong chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa Thông tin-Thể thao huyện còn tổ chức nhiều đợt tuyền truyền bằng xe thông tin lưu động với các nội dung về lĩnh vực trên để giúp cho người dân hiểu rõ hơn về tác hại của ma túy, HIV/AIDS, đồng thời phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma túy, phòng chống HIV, kêu gọi các tầng lớp nhân dân cùng chung tay thực hiện. Ở các trục đường chính của UBND các xã, thị trấn đều treo panô, áp phích có nội dung tuyên truyền về phòng tránh ma túy, mại dâm, HIV/AIDS.

UBND huyện còn tăng cường công tác chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn triển khai thực hiện các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phòng, chống tội phạm, AIDS và phòng, chống ma túy, được đông đảo nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Lệ Thủy đã phát huy được vai trò vị trí của Đội liên ngành 178 trong việc kiểm tra và tuyên truyền tại các nhà hàng, khách sạn, triển khai mô hình cam kết thực hiện xã không có người nhiễm HIV ở Văn Thủy, mô hình cam kết thực hiện xã không có người nghiện ma túy ở An Thủy... Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với UBND thị trấn Kiến Giang và UBND xã Phong Thủy triển khai thực hiện mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, đưa tổng số xã đã triển khai thực hiện mô hình này lên 5 xã. Huyện cũng đã tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền về phòng chống ma túy, phòng chống HIV/AIDS cho cán bộ làm công tác truyền thông ở cơ sở và phát huy vai trò của các đội thông tin lưu động đến các cụm, vùng đông dân cư, các địa bàn trọng điểm của ma túy, mại dâm để phổ biến kiến thức về HIV, vận động người dân tránh xa ma túy và các tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội và HIV/AIDS ở Lệ Thủy vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn nhất định. Mặc dù đã đẩy mạnh triển khai các mô hình về phòng, chống ma túy trên địa bàn nhưng tình hình tội phạm về ma túy và người nghiện ma túy ngày càng diễn biến phức tạp. Mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng vẫn chưa có kết quả khả quan. Nhiều người đã cai nghiện ma túy thành công song kết quả không bền vững, tỷ lệ tái nghiện cao. Bên cạnh đó, không ít người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS ở Lệ Thủy chưa chủ động hợp tác với các đơn vị y tế trong chăm sóc sức khỏe vì họ sợ cộng đồng xa lánh, kỳ thị. Do giấu bệnh, nên một số người nhiễm HIV chuyển qua giai đoạn AIDS rất nhanh trong khi họ vẫn có thể sống 5 năm, 10 năm hoặc nhiều hơn nữa nếu được điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV. Và một một khó khăn nữa là Lệ Thủy hiện vẫn thiếu đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS, thiếu các cộng tác viên, đồng đẳng viên cơ sở nên khó có thể tổ chức được các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương.

Thực tế đó đòi hỏi Lệ Thủy phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể khắc phục những khó khăn nhằm thực hiện có hiệu quả  công tác xã hội hóa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.    

P.V