.
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2014

Đạt mức sinh thay thế và duy trì mức sinh thấp hợp lý vì sự phát triển bền vững

Thứ Năm, 04/12/2014, 08:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) luôn có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người dân, mỗi gia đình, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.

Chính vì lẽ đó, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy tháng 12 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về dân số, thể hiện tính nhân văn cao cả trong việc chăm lo đến sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số cả về tâm, trí, lực, đồng thời thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu về dân số và Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Sau hơn nửa thế kỷ thực hiện công tác DS- KHHGĐ, Việt Nam đã đạt được những thành tựu góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việt Nam cũng đang trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” với trên 62 triệu người trong độ tuổi lao động chiếm 69% tổng dân số và bắt đầu bước vào thời kỳ “già hóa dân số” với số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10,5% dân số. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn, thách thức đặt ra cho công tác DS-KHHGĐ nhất là mức sinh còn biến động khó lường, chênh lệch giới tính khi sinh và vấn đề nâng cao chất lượng dân số.

Với chủ đề “Duy trì mức sinh thấp hợp lý-Vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước” cho Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26-12 năm nay, chúng ta nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng mà chủ đề Tháng hành động quốc gia về dân số hướng tới.

Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010; thực hiện cam kết quốc tế về dân số và phát triển các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, công tác DS-KHHGĐ tỉnh ta đã đạt những kết quả đáng khích lệ: Số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 2,67 con năm 2001 giảm xuống còn 2,37 con (theo Tổng điều tra dân số 1-4-2009). Tỷ suất sinh thô giảm dần từ 17,25%o (năm 2006) xuống còn 16,03%o (năm 2013), bình quân mỗi năm giảm từ khoảng 0,15-0,2%o. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ  20,10% (2006) giảm còn 16,28% (2013). Tỷ lệ tăng dân số giảm mạnh từ 12,17% năm 2005 xuống còn 10,95% năm 2013. Dân số của tỉnh Quảng Bình năm 2013 là 863.350 người; trung bình mỗi năm Quảng Bình tăng thêm trên 5 nghìn người. Tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai (BPTT) năm 2013 là 75,7%, hàng năm tăng từ 1,5-2%. Hiện tại, các loại BPTT được cung cấp đến người dân thông qua 3 hình thức là miễn phí, tiếp thị xã hội và thị trường tự do.

Cùng với mức sinh giảm nhanh, cơ cấu dân số theo tuổi thay đổi nhanh chóng đã có tác động tích cực đến các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội mà trước hết là giáo dục và y tế. Số trẻ từ 0-9 tuổi sinh ra trong giai đoạn từ 1999-2009 giảm hơn 60 nghìn trẻ. Kết quả này đã làm giảm áp lực đối với quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Bên cạnh đó, từ năm 2009, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động từ 15- 64 tuổi chiếm 65,4%, trong khi tỷ trọng dân số phụ thuộc dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên chiếm 34,6% và đây là thời kỳ dân số vàng. Cũng như cả nước, Quảng Bình đang có được một nguồn nhân lực dồi dào là lợi thế cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Báo Quảng Bình)
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Báo Quảng Bình)

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên tỉnh ta vẫn còn những thách thức đặt ra trong việc đưa mức sinh về mức sinh thay thế, về cơ cấu dân số và nâng cao chất lượng dân số. Cho đến nay, Quảng Bình vẫn nằm trong 28/63 tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế. Mức sinh còn cao, tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm chậm và chưa thật sự vững chắc, đồng đều giữa các vùng, miền. Số con bình quân của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có xu hướng tăng trở lại. Vẫn còn tình trạng một số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS- KHHGĐ làm ảnh hưởng đến phong trào. Tỷ số giới tính khi sinh có biểu hiện mất cân bằng ở một số địa phương.

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Y tế, Tổng cục DS- KHHGĐ, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc mạnh mẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình của đội ngũ làm công tác DS- KHHGĐ và sự hưởng ứng tích cực của mỗi người dân, công tác DS-KHHGĐ tỉnh ta cần tập trung giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được các kế hoạch, chỉ tiêu đề ra.

Trước hết cần tiếp tục tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách cho công tác DS-KHHGĐ. Chú trọng công tác truyền thông, giáo dục với các nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, đặc biệt ở khu vực khó khăn, đối tượng khó tiếp cận nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ trong toàn xã hội. Rà soát, bổ sung, cập nhật các quy định, quy trình kỹ thuật đối với các dịch vụ KHHGĐ trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích của khách hàng. Đào tạo và cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ cung cấp dịch vụ KHHGĐ, lồng ghép tư vấn KHHGĐ với các vấn đề sức khỏe, bình đẳng giới, chăm sóc bà mẹ và trẻ em. Tiếp tục đa dạng hóa các BPTT để đáp ứng nhu cầu của người dân song song với đẩy mạnh chương trình tiếp thị xã hội các loại phương tiện tránh thai. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ của các địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Cần quan tâm đầu tư nguồn lực, bố trí ngân sách địa phương cùng với ngân sách Trung ương (chương trình mục tiêu) cho công tác DS-KHHGĐ. Tiếp tục kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy theo quy định, phù hợp với thực tế tại địa phương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ DS-KHHGĐ.

Với những kết quả đạt được, chúng ta cùng chung tay nỗ lực hơn nữa nhằm tạo những bước chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Sự quan tâm, ủng hộ và sự vào cuộc của mọi tầng lớp trong xã hội cũng như những chính sách, chiến lược phù hợp với nhu cầu là điều không thể thiếu cho việc thực hiện thành công công tác DS-KHHGĐ. Đó chính là cái đích mà công tác DS-KHHGĐ luôn hướng tới và phấn đấu thực hiện.

Nguyễn Thị Ngọc Hà
Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh