.

Nữ chuyên trách AIDS tâm huyết với nghề

Thứ Tư, 26/11/2014, 08:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là chị Lê Thị Ngọc, cán bộ y tế chuyên trách về phòng chống AIDS của xã Đức Hóa (Tuyên Hóa). Là một cán bộ y tế, dù ở lĩnh vực nào chị Ngọc cũng có những đóng góp tích cực đối với ngành y trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là trong công tác chăm sóc, điều trị và tư vấn cho bệnh nhân AIDS. Chị luôn quan tâm, chia sẻ những khó khăn, bất hạnh của những người không may mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS.

Đức Hóa là một xã miền núi có địa bàn rộng, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu làm ruộng và nương rẫy, trình độ dân trí không đồng đều, kiến thức về chăm sóc sức khỏe và hiểu biết về HIV/AIDS còn hạn chế nên nguy cơ về lây nhiễm HIV/AIDS luôn tiềm ẩn. Nắm bắt được tình hình đó, chị Ngọc đã lấy công tác tuyên truyền và vận động làm nòng cốt trong phòng, chống HIV/AIDS. Để không ngừng nâng cao kiến thức về HIV/AIDS tuyên truyền cho cộng đồng, chị thường xuyên nghiên cứu các tài liệu, sách báo, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp, phối hợp với các tổ chức đoàn thể của địa phương như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ..., tổ chức lồng ghép vào các cuộc họp thôn bản để tuyên truyền sâu rộng những kiến thức cơ bản và cách phòng tránh HIV/AIDS, Luật phòng, chống HIV/AIDS cho người dân.

Chị thường xuyên giải thích cho bà con lối xóm về những đường lây truyền và không lây truyền HIV/AIDS, tác hại của kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, trao đổi thông tin mọi nơi mọi lúc cho mọi người để làm thay đổi cách nhìn, thay đổi quan niệm của mọi người về người nhiễm HIV, hợp tác tích cực và có trách nhiệm với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đối với những gia đình có người nhiễm, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ, chị thường lui tới an ủi, chia sẻ và cảm thông với những khó khăn, vất vả của gia đình; luôn động viên, nhắc nhở, hướng dẫn thực hiện các hành vi an toàn cho mọi người trong gia đình và cho cộng đồng, cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm và bệnh nhân AIDS.

Là người phụ nữ thiếu may mắn khi bị lây nhiễm HIV/AIDS, chị M gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi, thiếu sự quan tâm, chia sẻ, chăm sóc của người thân và cộng đồng. Chị Ngọc trực tiếp đến gia đình để giải thích cho mọi người hiểu về căn bệnh HIV/AIDS, về cách lây nhiễm, các biện pháp phòng tránh cũng như cách đối xử với người bị HIV/AIDS.

Thời gian đầu, sợ bệnh nhân không hiểu về việc dùng thuốc, chị đã trực tiếp đến nhà hướng dẫn cho bệnh nhân cách uống thuốc, tuân thủ điều trị bệnh và sử dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Sau khi sinh, con của chị M phải dùng sữa ngoài thay thế sữa mẹ hoàn toàn, gia đình khó khăn không cung cấp đủ sữa cho trẻ, chị Ngọc cùng một số anh chị em trạm y tế của xã đã quyên góp tiền mua sữa cho trẻ. Sau một thời gian với sự nhiệt tình của chị, sự kiên trì của bệnh nhân và sự giúp đỡ của gia đình, cộng đồng, sức khỏe của hai mẹ con chị M đã khá lên nhiều, tinh thần thoải mái hơn, không còn bi quan, chán nản như trước nữa. Chị M cảm thấy cuộc sống thật sự có ý nghĩa khi bên mình luôn có sự yêu thương, chia sẻ của mọi người.

Ngoài việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân AIDS, với vai trò là một chuyên trách trong công tác phòng, chống AIDS chị Ngọc đã làm tốt công việc của một tuyên truyền viên tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi sau giờ làm việc, bất kể là buổi trưa hay buổi tối, bất kể là nắng hay mưa, chị lần lượt đến từng hộ gia đình có người bị nhiễm HIV/AIDS để tiếp cận nhằm hỗ trợ cho họ về thông tin cần thiết cũng như tránh sự kỳ thị của gia đình và cộng đồng đối với người nhiễm HIV.

“Ban đầu tôi luôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các trường hợp. Bởi ít ai dám công khai mình bị nhiễm, còn gia đình thì e ngại. Tuy nhiên khi thấy sự tận tâm của tôi, nhiều người bệnh và gia đình dần tin tưởng, cởi mở và trao đổi với chị về nguyên nhân cũng như tình trạng bệnh để được chị hướng dẫn hỗ trợ điều trị”, chị Ngọc chia sẻ.

Anh Mai Đích Lập - Trưởng trạm y tế của xã Đức Hóa cho biết: “Chị Ngọc là một cán bộ chuyên trách AIDS nhiều năm của xã, công việc rất bận rộn, nhưng chị luôn nhiệt tình, có nhiều năng động, sáng tạo, yêu thích công việc. Chị tham các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ năm 2004, mặc dù chị phải kiêm nhiệm nhiều công việc, nhưng chị luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của người cán bộ y tế, tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn quan tâm tới những người bị nhiễm HIV/AIDS nhằm làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng”. 

Hùng Dũng