.

Nỗ lực đưa các dịch vụ y tế đến gần người bệnh hơn

Thứ Tư, 20/08/2014, 09:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thời gian qua, nhiều dịch vụ y tế được triển khai nhằm thu hút người dân đến với các cơ sở y tế để được tư vấn, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.

Đặc biệt, kể từ khi Luật Phòng chống HIV/AIDS ra đời, công tác phòng chống HIV trên địa bàn toàn tỉnh đã có những bước chuyển mới trên mọi mặt hoạt động. Các địa phương, đơn vị đã xây dựng nhiều hoạt động nhằm bảo vệ quyền, nghĩa vụ cho người nhiễm HIV, động viên người nhiễm HIV tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Nhờ vậy đã hạn chế được tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS trên các cộng đồng dân cư.

Thực tế cho thấy, những chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS từng bước được phát huy hiệu quả thiết thực, nhất là các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS.

Để ngày càng nhiều người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS được tiếp cận với các dịch vụ y tế thân thiện nhằm nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tư vấn nên số người tham gia xét nghiệm HIV tự nguyện và bệnh nhân AIDS đến với đơn vị ngày càng cao.

Các hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS luôn được đẩy mạnh tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Các hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS luôn được đẩy mạnh tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Những năm trước đây, việc tiếp cận và quản lý người nhiễm HIV/AIDS gặp không ít khó khăn. Rất ít người mạnh dạn tham gia điều trị ARV hoặc đến các cơ sở y tế để được chăm sóc sức khỏe. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong xã hội còn khá nặng nề. Người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao ngại đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm.

Thậm chí một số người khi phát hiện bị nhiễm HIV đã tìm cách che giấu tình trạng bản thân như chuyển chỗ ở, tìm cơ sở điều trị ở các địa phương khác. Bên cạnh đó, năng lực cũng như kinh nghiệm tiếp cận quản lý người nhiễm HIV của cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS tại các tuyến chưa đồng đều.

Trước những khó khăn, thách thức trên, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã từng bước củng cố, kiện toàn hệ thống phòng chống HIV từ tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả trong việc chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS trên phạm vi toàn tỉnh. Đơn vị đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện và quảng bá các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Từ đó giúp cho cán bộ y tế kịp thời phát hiện người nhiễm mới và tư vấn cho họ những kiến thức để sống chung với bệnh an toàn.

Ở Khoa điều trị của Trung tâm, số bệnh nhân AIDS tham gia điều trị ARV để kéo dài cuộc sống ngày càng tăng. Tất cả các hoạt động tư vấn, chăm sóc điều trị từng bước được đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu của người bệnh như bảo đảm bí mật về tình trạng sức khỏe, được hỗ trợ về mặt tinh thần khi người nhiễm HIV gặp những khó khăn trong cuộc sống. Trung tâm còn đẩy mạnh công tác rà soát, giám sát, tiếp cận và quản lý người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS trên phạm vi toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Trại giam Đồng Sơn triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Ngoài ra, đơn vị còn chú trọng đến việc đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tư vấn, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ y tế và những người tham gia hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS.

Hoạt động truyền thông và việc triển khai đồng bộ các chương trình dự phòng lây nhiễm HIV góp phần quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng chống HIV/AIDS. Và đó cũng là một trong những nội dung then chốt của toàn tỉnh trong công tác phòng chống HIV/AIDS giai đoạn mới 2016 với mục tiêu khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV dưới 0,05% vào năm 2016.

P.V