.

Tiếp sức cho cô đỡ thôn bản

Thứ Ba, 08/04/2014, 09:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Do đặc thù địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, việc tiếp cận các dịch vụ về làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh ta rất hạn chế. Chính vì vậy, việc đào tạo các cô đỡ thôn bản là người dân tộc thiểu số có khả năng phát hiện tai biến và kỹ năng cơ bản về cấp cứu tai biến sản khoa là rất cần thiết.

Hiệu quả từ chương trình cô đỡ thôn bản

Hiện nay tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở tỉnh ta khá cao với 214.399 người. Tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa, do đặc thù địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, việc tiếp cận các dịch vụ về làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh rất hạn chế, số lượng cán bộ làm công tác sản khoa chưa nhiều nên nguy cơ về bệnh tật cũng như tai biến sản khoa còn cao. Trong điều kiện đó, đội ngũ cô đỡ thôn bản sẽ góp phần không nhỏ trong việc giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh.

Do địa bàn nằm xa khu trung tâm, giao thông đi lại khó khăn nên những năm trước đây, nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa chọn sinh con tại nhà. Không ít trường hợp bà mẹ sinh nở khó khăn, đến khi chuyển lên được tuyến trên thì đã quá muộn. Năm 2010, chị Hồng Thị Lâm (thôn Phú Minh, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa) được chọn tham gia khóa đào tạo về cô đỡ thôn bản do dự án Plan tại Quảng Bình hỗ trợ.

Tại khóa đào tạo kéo dài 6 tháng này, chị được trang bị kỹ năng cơ bản về sản khoa cũng như cách xử lý ban đầu các tai biến sản khoa và sơ sinh. Sau khi tốt nghiệp khóa học, chị trở về địa phương vận động sản phụ khám thai và sinh con tại trạm y tế xã; phát hiện thai phụ có nguy cơ cao để tư vấn chuyển tuyến kịp thời. Chị còn thường xuyên có mặt tại thôn, bản để nắm bắt số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai để tuyên truyền, vận động họ thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh đẻ tại cơ sở y tế.

Cũng như chị Hồng Thị Lâm, chị Trương Thị Kim Dung (bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa) cũng tích cực tham gia công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại địa phương. Với những kiến thức sản khoa được trang bị từ khóa đào tạo về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chị đã tham gia đỡ đẻ và tư vấn, khám thai cho nhiều phụ nữ mang thai trên địa bàn.... Chị tâm sự: “Với mình, việc trở thành cô đỡ thôn bản đem lại rất nhiều niềm vui. Điều quan trọng nhất là mình đã được góp một phần nhỏ công sức trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân”.

Mạng lưới cô đỡ thôn bản góp phần san sẻ gánh nặng của ngành Y tế tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mạng lưới cô đỡ thôn bản góp phần san sẻ gánh nặng của ngành Y tế tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với việc tham gia tốt vào công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại địa phương như đỡ đẻ, khám thai, thăm sản phụ tại nhà, tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cộng đồng... đội ngũ cô đỡ thôn bản còn tham gia đầy đủ các hoạt động khác tại trạm y tế như tiêm chủng, cho uống Vitamin A, cân trẻ, tư vấn các biện pháp tránh thai... Bằng những việc làm thiết thực, các cô đỡ thôn bản đã góp phần rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, san sẻ phần lớn gánh nặng của ngành Y tế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đánh giá về vai trò cô đỡ thôn bản, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Loan, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản cho biết: Trước đây do chưa có cô đỡ nên đa phần y tế thôn bản phụ trách luôn phần việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Với những kiến thức sản khoa đã được trang bị, các cô đỡ thôn bản có thể tiên lượng, phát hiện và chuyển tuyến kịp thời cho thai phụ có nguy cơ tai biến sản khoa, hạn chế trường hợp tử vong mẹ và sơ sinh, góp phần hoàn thiện mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản dựa vào cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để cô đỡ thôn bản được “tiếp sức”

Với sự hỗ trợ tích cực của mạng lưới cô đỡ thôn bản, những năm gần đây, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ phụ nữ có thai đến khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế ngày càng tăng, tỷ lệ sản phụ mắc tai biến sản khoa, tử vong mẹ, tử vong sơ sinh giảm đáng kể... Tuy nhiên, do chưa có chức danh và nguồn phụ cấp chính thức, mỗi tháng chỉ được hỗ trợ 50.000 đồng/người nên nhiều cô đỡ thôn bản chưa thực sự mặn mà với “nghề”.

Để tiếp sức cho cô đỡ thôn bản, tháng 7-2013, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 07/2013/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản. Theo đó, cô đỡ thôn bản là một chức danh trong hệ thống y tế Việt Nam. Tính đến hết năm nay, Quảng Bình có 34 cô đỡ thôn bản, tuy nhiên mới chỉ có 9 cô đỡ thôn bản đang hoạt động tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa. Đây là con số còn khá khiêm tốn so với một địa phương có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số như tỉnh ta.

Để duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới cô đỡ thôn bản, thiết nghĩ ngoài việc nghiên cứu tình hình thực tế để đào tạo bổ sung cho các địa phương khó khăn, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng sản khoa..., các ngành chức năng cần có những hỗ trợ về cơ chế tuyển dụng để cô đỡ thôn bản được có việc làm, thu nhập ổn định và được ghi nhận công sức. Có như vậy, đội ngũ cô đỡ thôn bản mới thực sự yên tâm công tác, tận tụy với nghề. 

Thanh Hải