.

Tháng năm trên đường 20 huyền thoại - Kỳ II: Những kỳ tích trên cua chữ A

Thứ Hai, 19/05/2014, 07:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Đường 20 Quyết Thắng bắt đầu từ thôn Phong Nha đến ngã ba Lùm Bùm trên đất Lào, đi qua hàng chục “tọa độ lửa” thường xuyên bị máy bay Mỹ bắn phá khốc liệt bất kể đêm ngày. Nhưng những CCB, cựu TNXP một thời gắn bó với con đường tuổi trẻ này khi trò chuyện cùng chúng tôi đều khẳng định: các “cửa tử” tàn khốc nhất là ngầm Trạ Ang và trọng điểm ATP bao gồm cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích.

>> Kỳ I: Ba tháng và hơn ngàn ngày

Tư liệu lịch sử đường Hồ Chí Minh ghi chép khá kỹ về cua chữ A trên đường 20: “Đây là một đoạn đường chạy lòn giữa hai quả núi mẹ và núi con tạo thành bốn đoạn gấp khúc rất ngặt nối tiếp nhau với khoảng chiều dài chừng 2.000 mét. Tính từ ngày 15- 7- 1966 đến tháng 2- 1973 hầu như chưa có chuyến xe nào qua cua chữ A mà không bị dính” bom tọa độ. Thống kê của Binh trạm 14 cho thấy 3.020 lượt máy bay Mỹ (trong đó có 270 lần B52) tham gia ném bom cua chữ A với khoảng 20.600 quả bom phá, 790 quả bom nổ, 3.400 loạt bom bi, 160 loạt rốc két, 216 quả bom cháy...

Trong các đơn vị tham gia mở đường 20 và bảo đảm giao thông thông suốt có những thanh niên nam nữ thuộc Đội TNXP 25, quê quán Hà Nam, lực lượng bổ nhát cuốc đầu tiên mở đường. Đội TNXP 25 chịu sự lãnh đạo song trùng của Binh trạm 14, Ban xây dựng 67, Đoàn 559 lẫn Trung ương Đoàn, được tuyên dương Anh hùng LLVT năm 1972. Bằng tinh thần thép, sức chiến đấu dẻo dai, Đội TNXP 25 duy trì tần suất thông đường đạt cao nhất 180/200 ngày đêm.

Năm 2012, tôi có dịp tháp tùng những sỹ quan cao cấp của Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn về thăm lại chiến trường xưa. Ngay trên tuyến đường 20 Quyết Thắng, tiến sỹ Lê Thị Phương Thảo, cựu TNXP thuộc Đội TNXP 25 Hà Nam năm nào, nguyên Phó giám đốc Học viện  Chính trị- Hành chính Hồ Chí Minh khu vực I xúc động kể cho tôi nghe về những năm tháng mình cùng đồng đội mở đường, trên bom, dưới đạn, không quản hiểm nguy, hy sinh xương máu cho từng chuyến xe qua cua chữ A an toàn.

Tiến sỹ Lê Thị Phương Thảo nhớ lại: “Tháng 5- 1966, máy bay địch phát hiện ra sự hiện diện đường 20 chọc thủng Trường Sơn sang Lào, kể từ đó, đế quốc Mỹ tập trung các phương tiện chiến tranh tiên tiến, hiện đại đánh phá hủy diệt, cường độ đánh phá năm sau gấp nhiều lần năm trước. Chỉ tính riêng cung đường do Đội TNXP 25 phụ trách trong năm 1967 phải hứng chịu 1.454 trận đánh phá bằng máy bay phản lực và 32 trận oanh tạc bằng B52. Bình quân mỗi đội viên Đội TNXP 25 hứng chịu trên 100 quả bom cỡ lớn, chưa tính đến bom bi, rốc két, đạn 20 ly...

Bước sang năm 1968, mức độ oanh kích, đánh phá của địch tăng mạnh hòng bịt chặt cửa khẩu vượt Trường Sơn, hủy diệt vị trí yết hầu tuyến đường chi viện. Thời gian này, mỗi đội viên Đội TNXP 25 chịu đến 145 quả bom cỡ lớn. Riêng trọng điểm cua chữ A, ngày cao nhất có trên 23 lượt B52 rải thảm”.

Dưới cơn mưa rừng còn chưa dứt hạt, chúng tôi dừng lại ngay tại cua chữ A- “tọa độ lửa”. Phía dưới kia, non tầm hai cây số, ngầm Ta Lê hiện ra mờ ảo trong hơi lèn, chiếc cầu bắc ngang chuẩn bị hoàn thành. Xa hơn chút là chỗ đứng chân Đồn biên phòng Cà Roòng. Vượt qua hết dãy núi phía tây là đến đất bạn Lào, là đèo Phu La Nhích...

 Ngầm Ta Lê trong những năm tháng chiến tranh chuẩn bị có một chiếc cầu mới bắc ngang qua.
Ngầm Ta Lê trong những năm tháng chiến tranh chuẩn bị có một chiếc cầu mới bắc ngang qua.

Gần 50 năm sau ngày thành hình hài, dấu tích một thời bom đạn khốc liệt trên cua chữ A hầu như không còn nữa. Đường 20 vừa mới hoàn thành ta luy dương bạt núi, ta luy âm lấn vực sâu chỉ một màu đất bazan đỏ quạch. Nhưng khúc cua chữ A xưa vẫn vậy, gấp khúc! Đường mới bám theo nền đường cũ, gấp khúc theo, cảm giác ngoặt đột ngột, đến tức người! Trong tương lai không xa, nơi cua chữ A này sẽ mọc lên một tượng đài tưởng niệm những anh hùng liệt sỹ anh dũng ngã xuống cho con đường mãi mãi ghi dấu tuổi 20, hiên ngang vượt qua cửa tử chi viện chiến trường. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai...

Cũng dòng hoài niệm của những cựu TNXP khi trở lại thăm cua chữ A, họ kể về Đại đội 5, thuộc Đội TNXP 25, những chàng trai, cô gái quả cảm được phân công phụ trách đoạn đường cua chữ A: “Bình quân mỗi đội viên C5 bám trụ ở cửa tử này chịu đựng 606 quả bom cỡ lớn. Đêm đêm địch thả từ 600 đến 700 quả pháo sáng trên trọng điểm nhằm phát hiện mục tiêu và uy hiếp tinh thần chiến đấu của chiến sỹ ta. Cả một vùng rừng núi trơ trốc, hoang tàn sáng rực trong đêm dưới ánh hỏa châu rơi. Có những lúc máy bay địch oanh tạc liên tục cả tháng trời, đại đội bất chấp hy sinh, gian khổ cứu hàng, cứu xe, thông đường... bằng ý chí sắt thép “Máu C5 có thể đổ nhưng đường C5 không thể tắc. Quyết tử cho cua chữ A, quyết thông”. Những ngày cao điểm, C5 quần nhau với máy bay địch liên tục 15 giờ đồng hồ. Dưới làn mưa bom, bão đạn, C5 phá thành công trên 100 quả bom nổ chậm, đào đắp thêm 3.000 m3 đất đá, nối lại 700 mét đường bị đứt, phục vụ các đoàn xe vận tải cấp tốc qua cua an toàn”.

Thành viên C5 phần lớn là nữ, chiến đấu trong môi trường khốc liệt, bám trụ dài ngày. Sợ C5 không chịu đựng được, lãnh đạo Binh trạm 14 và Đội TNXP 25 quyết định rút C5 ra khỏi trọng điểm. Được tin, toàn thể cán bộ, đội viên C5 làm đơn tình nguyện ở lại. Nhiều đội viên trích máu ký vào đơn kiên trinh “quyết tử cho cua chữ A quyết thắng”.

Để cua chữ A hiên ngang, kiên cường trụ vững, để đường 20 thông suốt, 52 liệt sỹ của C5 anh dũng hy sinh tại vùng đất trọng điểm (trong tổng số 92 liệt sỹ TNXP quê Hà Nam nằm lại trên đường 20 Quyết Thắng). Đội TNXP 25 được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Bốn cán bộ, đội viên vinh danh danh hiệu anh hùng: Nguyễn Thị Vân Liệu, Nguyễn Thị Nhạ, Nguyễn Phong Lưu và Vũ Tiến Đề. Trong đó Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Vân Liệu và Anh hùng Vũ Tiến Đề là đội viên của C5 kiên cường bám trụ tại cua chữ A.

Chị Lê Thị Phương Thảo tâm sự: “Cuối tháng 6- 1965, chúng tôi trong đội hình TNXP tỉnh Hà Nam từ hậu phương miền Bắc vào thẳng đất lửa Quảng Bình, chiến đấu trên đường 20 Quyết Thắng. Tôi và Liệu được biên chế vào Đại đội 5, Binh trạm 14, phụ trách các trọng điểm cua chữ A, ngầm Ta Lê đến Cà Roòng. Ngày cũng như đêm, tất cả các đơn vị công binh, cao xạ, TNXP căng ra mặt đường để san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, bảo đảm thông đường. Máy bay Mỹ liên tục phong tỏa đường bằng bom nổ chậm. Trong cuộc đối đầu với bom nổ chậm, rất nhiều chiến sỹ công binh, TNXP đã anh dũng hy sinh. Yêu cầu của chiến trường lúc này làm sao đường phải thông nhưng hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, phương tiện trước hiểm họa bom nổ chậm”.

Sau nhiều đêm không ngủ, Nguyễn Thị Vân Liệu nghĩ ra sáng kiến phá bom nổ chậm bằng cách đào đất dưới thân bom, ốp bộc phá vào đó rồi cho kích nổ. Quả bom đầu tiên bị phá hủy an toàn theo phương pháp này hòa cùng tiếng reo mừng của những người giữ đường. Từ sáng kiến của chị Liệu, nhiều đoạn đường, “tọa độ lửa”, “cua tử thần”... chất đầy bom nổ chậm đều lần lượt bị phá hủy, đường thông suốt, hàng nghìn chuyến xe nối tiếp vào Nam mà những người phá bom vẫn tránh được thương vong.

“Nhưng một ngày định mệnh năm 1968, trong lần trực tiếp tham gia phá bom, chị Liệu bị thương nặng. Đồng đội đưa chị về tại một trạm phẫu dã chiến dọc biên giới Việt- Lào. Mặc dù các y, bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng, chị hy sinh lúc mới tròn 23 tuổi. Trước khi mất, chị Liệu cùng đồng đội trực tiếp phá hủy 790 quả bom nổ chậm”.

Hành trình của chúng tôi trên đường 20 vẫn tiếp tục hướng lên phía tây. Điểm đến cuối cùng là đèo Phu La Nhích, “tọa độ lửa” không kém phần ác liệt bao nhiêu so với cua chữ A và ngầm Ta Lê. Những năm tháng canh giữ đường 20, trên đỉnh đèo Phu La Nhích có một Trung đội nữ công binh cắm chốt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần đến thăm đường 20 Quyết Thắng tháng 3- 1973, đã phong tặng Trung đội nữ công binh chốt chặn trên đỉnh đèo Phu La Nhích là “Trung đội nữ công binh thép”. Đại tướng khẳng định: “Chỉ có ý chí gang thép mới trụ được trên trọng điểm này”.

Ngô Thanh Long

Kỳ III: Trung đội thép trên đỉnh đèo Phu La Nhích