.

Tập trung kiểm tra, giám sát những vụ án dư luận xã hội quan tâm

Chủ Nhật, 27/08/2017, 10:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 25-4-2017, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) xây dựng Kế hoạch số 64-KH/BCĐTW về kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Thực hiện kế hoạch số 64-KH/BCĐTW, thời gian qua tỉnh ta đã tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát nhiều vụ việc, vụ án trọng điểm.

Thực hiện Kế hoạch 64-KH/BCĐTW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng BCĐ Trung ương về PCTN ban hành Quyết định số 65-QĐ/BCĐTW thành lập 8 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Các địa phương được kiểm tra, giám sát gồm 20 tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lai Châu, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Ninh Thuận, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kon Tum, Đắk Nông, Vĩnh Long, Hà Giang và Tuyên Quang.

Tại Quảng Bình, Đoàn công tác số 5 do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao làm Trưởng đoàn, đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ làm Phó trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Nội chính, các cơ quan, đơn vị thuộc khối Nội chính tỉnh.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Công Thuật làm việc với Ban Nội chính Tỉnh ủy về nội dung đẩy mạnh công tác PCTN.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Công Thuật làm việc với Ban Nội chính Tỉnh ủy về nội dung đẩy mạnh công tác PCTN.

Nội dung làm việc tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, các tổ chức cơ sở đảng với việc phát hiện, xử lý tham nhũng; công tác thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được dư luận xã hội quan tâm; công tác thi hành án, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế...

Đồng chí Trần Hải Châu, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết: “Mục tiêu của Kế hoạch số 64-KH/BCĐTW hướng tới tập trung vào hai vấn đề cốt lõi: thông qua công tác kiểm tra, giám sát để nắm tình hình, đánh giá vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng và kết quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; góp phần “nhận diện” và xử lý các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Trọng tâm là kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nhất là những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quá công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Vấn đề thứ hai là kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí; hạn chế đến mức thấp nhất việc làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra, giám sát”.

Làm việc với TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao, Trưởng đoàn kiểm tra số 5 ghi nhận những nỗ lực của ngành Tòa án cũng như công tác phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị thành viên thuộc khối Nội chính trong công tác xét xử. Quá trình xét xử các vụ án, TAND tỉnh thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình giải quyết 1.672/2.142 vụ án các loại, trong đó thụ lý 403 vụ án hình sự với 628 bị cáo, xét xử 349 vụ án hình sự (552 bị cáo). Các hình phạt TAND tỉnh Quảng Bình tuyên phạt các bị cáo bảo đảm tính nghiêm minh, đúng quy định, tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Không có án oan sai, không để lọt tội phạm.

Mặc dù trên địa bàn tỉnh ta chưa xuất hiện dấu hiệu tham nhũng, chưa có các vụ “đại án” tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được dư luận quan tâm, tuy nhiên công tác kiểm tra, giám sát thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức    tạp luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Các cơ quan, đơn vị liên quan như Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra; Thanh tra, Công an, TAND, VKSND, Cục thi hành án Dân sự..., các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nhân dân đã chủ động, tích cực đấu tranh, phòng ngừa.

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần “nhận diện”, “nhận biết” dấu hiệu tham nhũng; thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thanh Long