.

Vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp ở đô thị: Những "hung thần" rình rập!

Thứ Năm, 01/12/2016, 08:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Bấy lâu nay, nhiều người cho rằng các vi phạm hành lang an toàn lưới điện chỉ xảy ra chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi nơi nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, công tác tuyên truyền còn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, ngay cả ở khu vực đô thị, vẫn còn tồn tại những trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện, đặc biệt là các trường hợp vi phạm lâu dài, dai dẳng, khó giải quyết được triệt để. Đây chính là những “hung thần” rình rập không chỉ an toàn của lưới điện, mà còn cả tính mạng, tài sản của người dân.

Ngay ở ngã tư Bắc Lý, TP.Đồng Hới là một trường hợp vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp tồn tại mấy năm nay vẫn chưa giải quyết được. Vị trí vi phạm nằm tại khoảng cột M95 đến M1/95 xuất tuyến 471-ĐH, sử dụng dây bọc cách điện loại A/XLPE/185-12,7kV.

Khoảng cách nằm ngang theo mặt phẳng thẳng đứng tính từ dây dẫn ngoài cùng chỉ là 0,0 mét, khoảng cách thẳng đứng theo mặt phẳng nằm ngang tính từ dây dẫn thấp nhất chỉ được 0,5 mét. Đây là vị trí nằm ngay ở khu vực mặt tiền của ngã tư Bắc Lý, nơi có nhiều cơ sở kinh doanh đông đúc, đồng thời là địa điểm có người dân, xe cộ qua lại hàng ngày rất nhộn nhịp. Chính vì vậy, nguy cơ mất an toàn là rất lớn, đặc biệt trong điều kiện thời tiết xấu.

Trường hợp vi phạm an toàn lưới điện cao áp ở khu vực ngã tư Bắc Lý, TP.Đồng Hới tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm.
Trường hợp vi phạm an toàn lưới điện cao áp ở khu vực ngã tư Bắc Lý, TP.Đồng Hới tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm.

Một trường hợp vi phạm khác cũng nằm ở khu vực phường Bắc Lý, TP.Đồng Hới. Trong quá trình kiểm tra, Điện lực TP.Đồng Hới đã phát hiện gia đình ông N.Đ.H xây nhà ở tại khoảng cột M28/107 đến M29/107 của đường dây 22kV xuất phát tuyến 471-BĐH. Hiện trạng cho thấy, khoảng cách nằm ngang theo mặt phẳng thẳng đứng tính từ dây dẫn ngoài cùng là 0,5 mét và khoảng cách thẳng đứng theo mặt phẳng nằm ngang tính từ dây dẫn thấp nhất chỉ được 0,0 mét.

Theo ông Nguyễn Viết Thắng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Kỹ thuật, Điện lực TP.Đồng Hới, cả hai trường hợp trên đều đã vi phạm khoản 3, điều 13, Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện. Khoản 3 điều 13 nghị định này đã quy định rõ, đối với điện áp đến 35 KV, khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn 3,0 mét.

Cả hai trường hợp trên để giải quyết triệt để đều cần nguồn kinh phí lớn, chính vì vậy, đến cuối năm 2016 và đầu 2017 mới có thể bảo đảm được an toàn hành lang lưới điện ở hai vị trí này bằng phương pháp hạ ngầm đường dây điện và nắn đường dây, nguồn kinh phí đều từ phía Điện lực TP.Đồng Hới.

Ông Nguyễn Viết Thắng cho biết thêm, trước thời điểm năm 2013, thành phố có nhiều trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện, nhưng sau thiệt hại của cơn bão số 10 trong năm này, kết hợp với khắc phục các sự cố sau bão, các vi phạm được nỗ lực giải quyết hầu hết. Toàn thành phố chỉ còn 2 trường hợp vi phạm nổi cộm trên và một số trường hợp nhỏ lẻ đã được giải quyết.

Ông Lâm Thăng Long, Trưởng phòng An toàn, Công ty Điện lực Quảng Bình cho hay, ngoài TP.Đồng Hới còn 2 trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện, thì tại TX.Ba Đồn vẫn còn nhiều vụ vi phạm. Theo báo cáo, tính chung cả địa bàn TX.Ba Đồn và huyện Quảng Trạch, từ đầu năm 2016 có 28 trường hợp vi phạm, đến nay đã giải quyết được 5 vụ vi phạm.

Nguyên nhân vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp ở khu vực Ba Đồn chủ yếu là do khi nâng cấp lên thị xã, một số đoạn đường cũ được mở rộng, nhiều nhà dân cũng được xây mới, khiến khoảng cách bảo đảm an toàn với lưới điện cao áp bị ảnh hưởng. Các trường hợp đều chủ yếu vi phạm điều 13, Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện.

Theo số liệu của Công ty Điện lực Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có 43 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp và công ty đang tiếp tục nỗ lực giải quyết các trường hợp này theo hai hướng. Một là, hạ cáp ngầm dưới mặt đất, vừa bảo đảm an toàn, vừa mang tính thẩm mỹ cho đô thị. Hai là, nắn đường dây nhằm đưa đường dây ra khỏi khu vực gây nguy hiểm cho dân cư. Tuy nhiên, điều cốt yếu hơn cả vẫn nằm chính ở ý thức của người dân trong việc bảo đảm an toàn lưới điện cao áp. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng với nhiều hình thức đa dạng cũng đóng một vai trò rất quan trọng.

Mai Nhân