.

Thực hiện Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh: Bảo đảm nghiêm túc, đúng quy định

Thứ Năm, 24/11/2016, 09:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua 5 năm thực hiện thi hành Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp nhiều trẻ em có được mái ấm gia đình thay thế ở trong và ngoài nước, được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tốt trong môi trường gia đình. Qua đó, giúp nhiều người, đặc biệt là phụ nữ đơn thân hoặc các cặp vợ chồng hiếm muộn được thực hiện quyền làm cha mẹ và là chiếc cầu nhân ái cho những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có được mái ấm gia đình hạnh phúc…

Trước khi Luật Nuôi con nuôi năm 2010 ra đời, chế định về việc nuôi con nuôi được quy định ở các văn bản pháp luật khác nhau như: Luật Hôn nhân và gia đình 2010, Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị định 158/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch...

Sự thiếu rõ ràng, chặt chẽ và thống nhất của hệ thống pháp luật đã tạo cơ hội cho một số cá nhân lợi dụng cơ chế nhằm mục đích trục lợi, không vì mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em khiến cho việc thực thi trên thực tế rất khó khăn.

Để tạo ra hệ thống các quy định pháp luật thống nhất giữa nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yêu tố nước ngoài, nâng cao hiệu quả của các quy định liên quan đến các thủ tục giải quyết nuôi con nuôi và tạo ra cơ chế phối hợp, giám sát việc nuôi con nuôi của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngày 17-6-2010, tại kỳ họp thứ 7 (Quốc hội khoá XII), Luật Nuôi con nuôi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011. Việc ban hành Luật Nuôi con nuôi còn tạo cơ sở pháp lý để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các cặp vợ chồng hiếm muộn trong nước muốn nhận con nuôi; bảo vệ quyền và lợi ích của cha mẹ nuôi, giúp họ ổn định tư tưởng và yên tâm trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con nuôi như con đẻ.

Ngay sau khi Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực thi hành, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện như: Công văn số 946/UBND-NC ngày 19-5-2011 về triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi; Kế hoạch số 1003KH-CT ngày 23-8-2012 về triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế theo quy định của Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 200/QĐ-UBND ngày 8 tháng 5 năm 2015 về việc ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Bình...

Giao nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài tại Sở Tư pháp.
Giao nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài tại Sở Tư pháp.

Với trách nhiệm là cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu cho Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh phổ biến quán triệt Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành vào kế hoạch PBGDPL hàng năm và chỉ đạo Sở Tư pháp với trách nhiệm cơ quan Thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đã tổ chức phổ biến, quán triệt Luật Nuôi con nuôi, Công ước La Hay, Nghị định số 19/2011NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, cơ quan, ban, ngành, tổ chức có liên quan tùy theo điều kiện của từng địa phương, đơn vị, địa bàn và nhóm đối tượng để lựa chọn áp dụng các hình thức tuyên truyền, phổ biến thích hợp và có hiệu quả.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã biên soạn, in ấn và phát hành 15.000 tờ gấp với nội dung “Tìm hiểu pháp luật về nuôi con nuôi” để cấp phát cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh; tổ chức 4 lớp tập huấn, nghiệp vụ cho các đối tượng là công chức tư pháp hộ tịch cấp xã, 1 lớp cho các đối tượng là báo cáo viên cấp tỉnh với hơn 500 lượt người tham dự.

Ngoài ra, nhằm kịp thời đánh giá và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động nuôi con nuôi, Sở Tư pháp đã lồng ghép việc kiểm tra tình hình thực hiện Luật Nuôi con nuôi vào kiểm tra công tác tư pháp chung của toàn ngành. Đồng thời, hàng năm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khi có phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đăng ký nuôi con nuôi, Sở Tư pháp thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra về tận cơ sở để kiểm tra.

Qua kiểm tra, đã kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém trong thụ lý, giải quyết, lưu trữ hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi và công tác giám sát quan hệ nuôi con nuôi sau khi được đăng ký và đã chấn chỉnh việc chấp hành nghiêm pháp luật về nuôi con nuôi tại địa phương.

Có thể nói, trong những năm qua, việc nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật về con nuôi và pháp luật liên quan, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em được sống, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trong môi trường gia đình.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số những khó khăn, vướng mắc. Đó là, một số quy định của pháp luật chưa thực sự phù hợp với thực tiễn quản lý ở địa phương, đang có sự chồng chéo giữa Luật Nuôi con nuôi và Luật Hộ tịch; việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở trong nước rất khó khăn, đối với các trường hợp có nhu cầu nhận con nuôi trong nước đều mong muốn nhận nuôi những trẻ em khỏe mạnh và lựa chọn giới tính, e ngại và không muốn nhận nuôi trẻ ốm đau, bệnh tật; việc theo dõi tình hình phát triển của con nuôi chưa được các cha mẹ nuôi thực hiện nghiêm túc; một số trường hợp cha, mẹ nuôi sau khi nhận con nuôi không thực hiện thông báo cho UBND cấp xã nơi họ thường trú...

Nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi, thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở những phản ánh, kiến nghị của các địa phương về những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Nuôi con nuôi cần tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi, qua đó phát hiện những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong việc nuôi con nuôi để hướng dẫn, giải quyết kịp thời; ban hành các văn bản hướng dẫn về nuôi con nuôi, nhất là các trường hợp nhận nuôi con nuôi ở các cơ sở tôn giáo; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan ở trung ương (Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và cơ quan ở địa phương (Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng UBND tỉnh và địa phương) trong thực hiện Luật Nuôi con nuôi; tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về kỹ năng giải quyết hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi (bao gồm nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi nước ngoài)...

Qua 5 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi, toàn tỉnh đã giải quyết 81 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi, trong đó đã giải quyết 46 trường hợp nuôi con nuôi trong nước và 35 nuôi con nuôi nước ngoài. Trong đó, trẻ em dưới 1 tuổi gồm 39 trường hợp, trẻ em từ 1 tuổi đến 5 tuổi có 30 trường hợp, trẻ em từ 5 tuổi trở lên có 12 trường hợp.

Ngọc Hải-Nhật Vũ