.

Cảnh giác với những kiểu lừa đảo mới!

Thứ Hai, 19/12/2016, 09:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển và nhiều dịch vụ tiện ích phục vụ con người đi vào hoạt động, những kiểu lừa đảo mới lại càng có “đất” để hoạt động. Một khi người dân không đề cao cảnh giác, nhẹ dạ cả tin, thiếu sự kiểm chứng chắc chắn, thì việc “tiền mất, tật mang” là điều không thể tránh khỏi.

Vào một ngày đầu tháng 7 năm 2015, bà Nhâm ở TX.Ba Đồn gọi điện thoại cho bạn mình trú tại tỉnh Hà Tĩnh, nhưng đã bấm nhầm sang số của anh Ngô, trú tại Mỹ Đức, Hà Nội. Khi Ngô nghe máy, mặc dù biết là bà Nhâm gọi nhầm, nhưng vẫn trả lời mình chính là người bạn của bà Nhâm. Bà Nhâm liền trình bày nhu cầu nhờ xin việc cho con trai và nhờ mua một chiếc xe ô tô 4 chỗ ngồi đã qua sử dụng, sau khi nghe hiểu nội dung, Ngô đã nhận lời giúp.

Ngày hôm sau, Ngô kể chuyện trên cho cháu rể của mình là Minh và hỏi mượn số điện thoại, tài khoản của người này để cho bà Nhâm chuyển tiền, vì Ngô không có tài khoản, điện thoại không đăng ký. Minh đồng ý và đọc cho Ngô số tài khoản, số điện thoại, chứng minh nhân dân của mình.

Trong cùng ngày, Ngô gọi cho bà Nhâm nói dối là đã xin được việc cho con trai bà ở Ngân hàng trong tỉnh và tìm được xe ô tô cho bà, đồng thời yêu cầu bà chuyển cho Ngô số tiền 500 triệu đồng. Theo hướng dẫn của Ngô, chiều hôm đó, bà Nhâm đã đến cửa hàng chuyển số tiền 250 triệu đồng qua dịch vụ chuyển tiền của một nhà mạng viễn thông. Hai ngày sau, bà đến chi nhánh ngân hàng trên địa bàn chuyển tiếp 250 triệu đồng.

Sau khi bà Nhâm chuyển tiền xong xuôi, Ngô và Minh đến cửa hàng viễn thông huyện Mỹ Đức rút tiền, nhưng do cửa hàng hết tiền nên chỉ rút được 50 triệu đồng và tiếp tục qua ngân hàng rút 250 triệu đồng. Ngô mua két sắt giá 1,3 triệu đồng để cất tiền tại nhà một người ở cùng địa phương, còn người cháu rể đến cửa hàng viễn thông rút tiếp 160 triệu đồng. Buổi chiều cùng ngày, Minh đến cửa hàng để rút tiếp 40 triệu đồng thì nhận điện thoại của bà Nhâm trình bày về việc chuyển tiền nhầm địa chỉ và xin lại tiền.

Minh về kể với Ngô và đề nghị nên trả lại tiền cho bà Nhâm, nhưng Ngô không đồng ý và đưa cho Minh 110 triệu đồng. Minh nói với Ngô sẽ trả lại số tiền này cho bà Nhâm cùng với số tiền 40 triệu đồng vừa rút. Cùng ngày hôm đó, Ngô đe dọa buộc Minh phải trả lại tiền cho mình, Minh trả lại 140 triệu đồng và giữ lại 10 triệu đồng.

Sau đó, Ngô đã mang số tiền chiếm đoạt được đi khỏi địa phương, sử dụng hết vào việc chi tiêu cá nhân, mua ma túy để sử dụng và đánh bạc. Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh còn cho thấy bản thân Ngô đã có 3 tiền án về trộm cắp tài sản và hiện đang bị tạm giam tại trại giam trong một vụ án khác.

Một vụ lừa đảo khác với hành vi tinh vi và lặp đi lặp lại được gây ra bởi Dũng, nguyên là một cán bộ Công an huyện. Dũng đã thuê xe ô tô tự lái rồi đem cầm cố chiếm đoạt số tiền 500 triệu đồng. Cuối tháng 6 năm 2014, Dũng ký hợp đồng thuê xe ô tô tự lái của anh Văn, thời gian thuê xe là 10 ngày, chưa thỏa thuận tiền thuê xe. Ngay sau khi thuê xe, Dũng đã đưa xe đến cầm cố tại một cửa hàng cầm đồ ở TP.Đồng Hới, lấy số tiền 200 triệu đồng, sử dụng tiêu xài cá nhân.

10 ngày sau, hết thời hạn thuê xe, Dũng không có tiền trả nợ anh Văn liền đến nhà anh An ký hợp đồng thuê xe ô tô trong vòng 10 ngày, tiền thuê là 700 nghìn đồng/ngày, nhưng chưa trả tiền thuê xe. Có xe trong tay, Dũng đưa xe đến tiệm cầm đồ xin đổi lấy chiếc xe của anh Văn. Hết thời hạn thuê xe, anh An nhiều lần điện thoại cho Dũng, nhưng Dũng không nghe máy. Vài ngày sau, anh An phát hiện xe của mình tại một con đường ở TP.Đồng Hới và báo ngay cho cơ quan công an thu giữ.

Chưa dừng lại ở đó, đầu tháng 7 năm 2014, Dũng thuê xe ô tô của một công ty trên địa bàn TP.Đồng Hới do chị Liễu làm giám đốc. Thời gian thuê là 10 ngày với mức giá 800 nghìn đồng/ngày, Dũng đã trả 8 triệu đồng. Sau khi thuê xe, vẫn sử dụng chiêu cũ, Dũng đưa xe đến cầm cố tại hiệu cầm đồ lấy số tiền 300 triệu đồng, sử dụng trả tiền thuê xe và tiêu xài cá nhân. Dũng gia hạn thêm hợp đồng thuê xe của chị Liễu và trả thêm 4,8 triệu đồng.

Hết hạn thuê xe, chị Liễu nhiều lần gọi cho Dũng nhưng Dũng không nghe máy. Sau đó, chị Liễu đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an. Ngoài ra, theo điều tra, Dũng còn cầm cố giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng minh Công an nhân dân, giấy phép lái xe, vay mượn 600 triệu đồng của anh Việt (TP.Đồng Hới) rồi bỏ trốn. Cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định truy nã đối với Dũng. Đầu tháng 11 năm 2015, Dũng đã đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đầu thú.

Hai vụ việc trên chính là tiếng chuông cảnh tỉnh cho người dân trước những chiêu lừa đảo mới. Chính sự sơ hở, nhẹ dạ cả tin và thiếu cẩn trọng, theo dõi, ràng buộc của người dân đối với tài sản có giá trị của mình đã khiến lòng tham nảy sinh, hành vi phạm tội được nuôi dưỡng hình thành.

Qua đó, các cơ quan chức năng liên quan cần tích cực tăng cường công tác tuyên truyền, đề cao tinh thần cảnh giác của người dân đối với tội phạm kiểu mới, đồng thời kịp thời có sự đổi mới trong việc quản lý các dịch vụ tiện ích phục vụ cộng đồng, nhất là thuê xe ô tô, cầm đồ..., để mang lại hiệu quả cao nhất, tránh sự sơ hở cho các hành vi phạm tội có thể hoành hành.

Mai Nhân

---------------------------------------------------

(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi