.

Tệ nạn mại dâm góc khuất và những nỗi lo - Bài 3: Cùng chung tay xóa bỏ tệ nạn mại dâm

Thứ Ba, 11/10/2016, 07:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Phòng chống tệ nạn mại dâm được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Thế nhưng, việc triển khai các hoạt động phòng chống tệ nạn này còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

>> Bài 1: Muôn kiểu trá hình

>> Bài 2: Bài học từ sự chủ quan

Những năm gần đây, tỉnh ta đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng chống các tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm bằng nhiều hình thức. Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, quản lý địa bàn nhất là các địa bàn trọng điểm, đồng thời duy trì các mô hình phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng và kết hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa giảm tác hại của HIV trong phòng chống mại dâm.

Lực lượng Công an đã đấu tranh làm rõ nhiều vụ việc liên quan đến tệ nạn mại dâm, đình chỉ hoạt động một số cơ sở kinh doanh có môi giới mại dâm, triệt phá không ít nhóm, đối tượng là chủ chứa mại dâm; đồng thời triệu tập các chủ nhà nghỉ, gái bán dâm để răn đe, giáo dục.

Trên hai tuyến biên phòng, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã xử lý nghiêm một số vụ việc, bắt giữ nhiều đối tượng hành nghề mại dâm, tăng cường các hoạt động điều tra giám sát ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cha Lo, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn mại dâm ở khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã thành lập Đội kiểm tra liên ngành về tệ nạn xã hội (Đội 178) để tấn công mạnh mẽ những tụ điểm của tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh và kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, quán karaoke.

Được sự hỗ trợ của Chương trình quốc gia phòng chống mại dâm năm 2012, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương xây dựng thí điểm mô hình "Phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa giảm tác hại về phòng chống HIV/AIDS trong phòng chống mại dâm" tại 5 xã, phường trọng điểm về mại dâm (Bắc Lý-Đồng Hới, Văn Thủy-Lệ Thủy, phường Ba Đồn-thị xã Ba Đồn, thị trấn Đồng Lê-Tuyên Hóa, thị trấn Hoàn Lão-Bố Trạch) và 4 xã, phường khác do các đoàn thể trực tiếp chỉ đạo, quản lý.

Điều đáng mừng là các mô hình phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc bám cơ sở, nắm chắc đối tượng để truyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng chống tệ nạn mại dâm ở các địa phương.

Phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm luôn là nội dung được chú trọng trong những buổi sinh hoạt mô hình câu lạc bộ của nhiều tổ chức, đoàn thể địa phương.
Phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm luôn là nội dung được chú trọng trong những buổi sinh hoạt mô hình câu lạc bộ của nhiều tổ chức, đoàn thể địa phương.

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức trong phòng, chống tệ nạn mại dâm được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình với việc duy trì các chuyên trang, chuyên mục về “Phòng, chống tệ nạn xã hội”.

Ngoài ra, tại các huyện, thị xã, thành phố, hoạt động của Câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội ngày càng đi vào nền nếp. Các câu lạc bộ đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt nhóm và triển khai các đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm, nạn buôn bán người tại các nhà trọ, nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ... thu hút hàng ngàn lượt người tham gia.

Việc xây dựng các mô hình phòng, chống mại dâm tại cộng đồng cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Từ đầu năm đến nay, các mô hình trên đã tổ chức được hàng chục buổi nói chuyện, tuyên truyền tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nghi vấn hoạt động mại dâm cùng nhiều buổi sinh hoạt nhóm các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ; đồng thời cấp phát hơn 1.000 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống mại dâm và khoảng 1.000  bao cao su tại các khách sạn, khu công nghiệp, cơ sở masage...

Thực hiện Kế hoạch 847/KH-UBND ngày 9-6-2016 của UBND dân tỉnh về thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 -2020, toàn tỉnh đang xây dựng 1 mô hình thí điểm “Hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm” tại 1 xã, phường để sau đó nhân rộng ra các xã, phường thị trấn khác trong tỉnh, nhằm hướng tới mục tiêu không có tệ nạn xã hội tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Công tác xây dựng mô hình can thiệp giảm tác hại và hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng bước đầu cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục triển khai một số mô hình phòng ngừa mại dâm như: Câu lạc bộ “Phụ nữ không tham gia tệ nạn mại dâm”; Câu lạc bộ “Phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em”, mô hình “Nông dân sản xuất giỏi và tích cực đấu tranh tệ nạn mại dâm...; tổ chức khám sức khỏe cho các nữ nhân viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm.

Đặc biệt, nhiều năm qua, ngành Y tế, mà vai trò hạt nhân là Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, đã xây dựng và duy trì có hiệu quả mô hình nhân viên tiếp cận cộng đồng tại nhiều xã phường, thị trấn trong tỉnh. Mô hình này tập hợp được những người tâm huyết với hoạt động xã hội vì cộng đồng, trong đó có cả người nhiễm HIV, người từng dính vào tệ nạn xã hội, cán bộ y tế cơ sở để bám địa bàn, tiếp cận đối tượng là người nghiện ma túy, người bán dâm để tuyên truyền, vận động, hướng họ đến các hành vi an toàn trong phòng chống HIV/AIDS.

Các thành viên của nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng đã trực tiếp cấp phát bao sao su cho những đối tượng là gái bán dâm, bám các cơ sở kinh doanh dịch vụ có liên quan đến hoạt động mại dâm để tiếp cận đối tượng nhằm cung cấp dịch vụ an toàn (bao cao su), vận động họ tham gia khám sức khỏe, đồng thời tư vấn sức khỏe, giới thiệu các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Theo các cán bộ y tế của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS thì, chính từ những nỗ lực này đã làm thay đổi nhận thức của nhiều đối tượng hành nghề mại dâm. Minh chứng cho điều này là rất nhiều đối tượng khi được hỏi về việc có sử dụng bao cao su trong lúc hành nghề đều trả lời là có, có người còn cho rằng nếu khách không chịu dùng bao cao su thì nhất định không phục vụ. Tuy nhiên cũng còn có một số đối tượng vì nhiều lý do khác nhau như cần tiền, thậm chí có ý nghĩ bất cần đời vẫn chiều khách vô điều kiện, trong đó có cả người bị nhiễm HIV.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng chống tệ nạn mại dâm vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là việc điều tra, giám sát, quản lý của cơ quan chức năng đối với các đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán dâm. Việc tổ chức xâm nhập các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm gặp rất nhiều khó khăn, bởi các đối tượng hoạt động rất tinh vi, ẩn núp dưới nhiều hình thức lại thường xuyên di chuyển địa điểm.

Từ thực trạng trên, để dẹp tận gốc tệ nạn này, cần nhiều hơn nữa sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và mỗi người dân trên các địa bàn trong việc tố giác với cơ quan chức năng các hành vi môi giới mại dâm, nhằm xử lý nghiêm, đúng pháp luật. Qua đó, góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội và đẩy lùi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

P.V