.
Ký sự pháp đình:

Ai bán chữ tín?

Thứ Sáu, 07/10/2016, 13:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Bất kỳ ai làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến tài chính, tiền tệ đều hiểu rõ một quy tắc bất di bất dịch, đó là “một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Bởi, một khi chỉ một khách hàng nhỏ đã không còn giữ được niềm tin, thì sẽ rất khó để lấy lại và sự mất chữ tín đó còn kéo dài theo chuỗi, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường trong tương lai. Ấy vậy, vẫn còn đó không ít trường hợp những đơn vị kinh doanh vừa khiến khách hàng mất tiền, mất tin tưởng, vừa đưa hai bên lâm vào cuộc chiến pháp lý kéo dài, tốn công sức, thời gian.

 

Vào thời điểm cuối tháng 10 năm 2012, ông An, Giám đốc một công ty kinh doanh tổng hợp, đã viết giấy vay tiền bà Liên với số tiền 1,5 tỷ đồng, thời hạn vay là 15 ngày và yêu cầu bà Liên đem số tiền cho vay đến nộp vào tài khoản tiền gửi của công ty tại Ngân hàng X.

Thực hiện yêu cầu này, bà Liên đã đến Ngân hàng X nộp tiền vào tài khoản của công ty và nhận giấy nộp tiền. Tại thời điểm nộp tiền, ngoài kế toán, thủ quỹ, còn có ông Nhân (Trưởng phòng kinh doanh) và ông Văn (Giám đốc Ngân hàng X) cùng chứng kiến.

Sau khi nộp tiền xong, bà Liên yêu cầu ông An viết giấy vay tiền, ông Nhân và ông Văn cùng ký vào giấy ở mục người bảo lãnh. Sau đó một tuần, ông Nhân gọi điện thoại mượn bà Liên giấy nộp tiền, nói dối là để đối chiếu và cử nhân viên đến nhà lấy. Vì tin tưởng và đang có quan hệ khách hàng nên bà Liên đồng ý, sau đó bà đòi lại, nhưng ông này không trả và cũng không cho biết nguyên nhân.

Đến hạn trả nợ, bà Liên yêu cầu ông An trả tiền, nhưng ông này từ chối với lý do số tiền trên không được chuyển vào tài khoản của công ty và đưa ra bằng chứng cho bà Liên thấy. Ngay lập tức, bà Liên đã yêu cầu Ngân hàng X kiểm tra thông tin và được biết số tiền 1,5 tỷ đồng của mình đã bị cán bộ ngân hàng tự ý chuyển vào tài khoản người khác.

Bà Liên yêu cầu Ngân hàng X trả lại tiền, nhưng phía ngân hàng từ chối vì cho rằng đây thuộc về trách nhiệm cá nhân của ông Văn, Giám đốc Ngân hàng X. Bởi, ông này chỉ đạo cán bộ ngân hàng chuyển số tiền vào tài khoản người khác và họ đã rút hết tiền. Bà Liên đã khởi kiện lên Tòa án nhân dân TP. Đồng Hới buộc Ngân hàng X trả lại số tiền và khoản tiền lãi theo quy định.

Phía Ngân hàng X cũng khẳng định, tại thời điểm bà Liên đến nộp tiền, sau khi bà về, ông Văn đã chỉ đạo và yêu cầu kế toán thanh toán xóa đi phiếu thu mà bà Liên vừa nộp tiền, lập phiếu thu mới để hoạch toán số tiền bà Liên nộp vào một tài khoản mang tên người khác. Mọi việc đều theo chỉ đạo của cá nhân ông Văn và ông Nhân, do đó, phía Ngân hàng X đề nghị Tòa án quy trách nhiệm cho hai ông này, buộc hai ông phải thu hồi số tiền để hoàn trả cho bà Liên.

Tòa án nhân dân TP. Đồng Hới đã quyết định chấp nhận đơn khởi kiện của bà Liên, buộc Ngân hàng X phải trả lại cho bà số tiền 1,5 tỷ đồng và tiền lãi hơn 450 triệu đồng. Ngân hàng X đã kháng cáo không chấp nhận yêu cầu đòi nợ của bà Liên vì vụ án có dấu hiệu hình sự, ông Văn đã cố ý làm trái, đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm trái”.

Sau khi ông Văn bị khởi tố hình sự, số tiền 1,5 tỷ đồng không có trong hồ sơ bàn giao tại Ngân hàng X, do đó, không có căn cứ để buộc Ngân hàng X có nghĩa vụ kế thừa trả nợ cho bà Liên. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm xét thấy việc bị đơn (Ngân hàng X) cho rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này thuộc về cá nhân ông Văn là không có căn cứ, vì giao dịch dân sự làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong vụ án này được thực hiện giữa một bên khách hàng là bà Liên và một bên là Ngân hàng X, chứ không phải là giữa cá nhân bà Liên và ông Văn.

Vì vậy, trách nhiệm bồi thường thuộc về pháp nhân và pháp nhân có quyền yêu cầu cá nhân trực tiếp gây thiệt hại khắc phục hậu quả do hành vi có lỗi của mình gây ra. Đồng thời, Ngân hàng X là pháp nhân, được đăng ký và hoạt động về kinh doanh tiền tệ, dịch vụ ngân hàng theo quy định của pháp luật. Ông Văn nguyên là giám đốc, là người đại diện pháp luật của Ngân hàng. Bà Liên đã thực hiện giao dịch dân sự “nộp tiền vào tài khoản” tại Ngân hàng X là giao dịch giữa khách hàng với một tổ chức tín dụng có đầy đủ tư cách pháp nhân.

Diễn biến sự việc cho thấy các cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao, nhân danh pháp nhân đã gây thiệt hại cho bà Liên, theo quy định tại Điều 618 Bộ luật Dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này thuộc về pháp nhân. Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng X và giữ nguyên toàn bộ bản án sơ thẩm.

Vụ án đã khép lại nhưng với những khách hàng như bà Liên, người từ trước đến nay luôn gửi trọn niềm tin vào các tổ chức tín dụng như Ngân hàng X, thì vẫn còn đó nhiều dư âm khó phai nhạt. Bởi khi sự tin tưởng bỗng bị lợi dụng và biến thành lợi ích cho cá nhân thì sẽ rất khó để có thể khôi phục lại. Đây cũng là bài học cảnh giác cho không chỉ với người dân trong giao dịch tiền tệ mà còn với các đơn vị, tổ chức kinh tế trong việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của mình. Trong lời khai của các cá nhân có liên quan đến vụ việc, họ đã nhận thấy giám đốc mình có chỉ đạo sai nhưng vẫn làm theo bởi là “lệnh của sếp” (?!).

Quảng Hạ

---------------------------------------------

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi