.
Ký sự pháp đình:

"Kẻ thù" nào của hạnh phúc?

Thứ Sáu, 27/03/2015, 10:20 [GMT+7]

(QBĐT) - 1. Ông Lê Văn Tin gần bước sang tuổi lục tuần. Ở tuổi này, có lẽ ông đã được hưởng niềm vui của tuổi già quây quần bên con cháu cùng người vợ hiền thảo. Ông kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Yên (SN 1961) từ năm 1987.

Hai vợ chồng đồng cam cộng khổ vượt qua biết bao gian khó, từ hai bàn tay trắng để dần dần xây cất nên ngôi nhà ngói ba gian đỏ tươi, rồi ruộng vườn cây trái và cả hai đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn.

Quãng thời gian hơn 20 năm đó tuy vất vả, gian truân, nhưng khiến ông vô cùng hạnh phúc bởi niềm tin vào cuộc sống, vào tình yêu và vào tương lai tươi sáng hơn. Năm 2000, hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn, bà Yên quyết định sang Đài Loan làm ăn.

Cực chẳng đã, dù không muốn vợ đi, bởi hơn ai hết ông hiểu khoảng cách và thời gian là “kẻ thù” của hạnh phúc. Nhưng rồi, cuộc sống xô đẩy, ông đành để bà đi đến nơi đất khách quê người. Năm 2008, bà chuyển từ Đài Loan sang CHLB Đức làm ăn sinh sống.

Thời gian đầu, bà vẫn gửi tiền về cho ông và các con, nhưng rồi mọi thứ cứ thưa thớt dần đi, kể cả từng cuộc gọi từ phương xa ít ỏi. Ông đau lắm chứ, những đồng tiền bà gửi đều được ông chắt bóp, dành dụm để hy vọng một ngày bà trở về, cả gia đình được đoàn viên, bà được sống sung túc, hạnh phúc, bù lại quãng thời gian vất vả ở trời Tây.

Hơn chục năm qua, cứ lần nào ông khuyên bà về nước là bà lại thoái thác, viện đủ mọi lý do. Không gì níu giữ được trái tim lạc lối, ông Tin gần 60 tuổi đầu, đành ngậm ngùi đưa đơn ly hôn ra Tòa án, kết thúc cuộc hôn nhân khi tuổi đã xế chiều.

2. Chị Hoàng Thị Bình và anh Nguyễn Văn Tưởng cưới nhau từ năm 1999, khi chị vừa bước sang tuổi 20, còn anh thì tròn 23 tuổi. Anh chị đến với nhau qua quá trình tìm hiểu lâu dài và bằng tình yêu chân thành, sâu lắng. Cuộc sống hạnh phúc mới được 3 năm thì chị quyết định đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan.

Ở thời điểm đó, anh cũng nghĩ đơn giản là chị đi rồi sẽ về, gia đình sẽ lại đoàn tụ, vả lại, hoàn cảnh kinh tế bấy giờ quá khó khăn, nếu chỉ trông mong vào mấy sào ruộng thì đến bao giờ anh chị mới khá lên được, rồi cả con cái sau này cũng sẽ khổ như bố mẹ chúng thôi. Chị đi rồi, anh mới cảm nhận được sự trống trải, cô đơn trong tâm hồn, và nhiều suy tư, cảm xúc chất chứa, không biết giải tỏa nơi đâu, khiến tình cảm vợ chồng như ngày càng phai nhạt.

Năm 2008, anh quyết tâm đi xuất khẩu lao động ở CHLB Đức như một sự giải thoát. Vậy là anh ở Âu, chị ở Á, hai người tựa như Ngưu Lang, Chức Nữ, đã xa lại càng xa hơn. Chuyện gì đến cũng sẽ đến, mới đây, anh chị đưa nhau ra tòa, chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài hơn 15 năm trời, nhưng thời gian ở bên nhau chỉ tính theo ngày, theo tháng.

Ai đó nói rằng, “kẻ thù” của hạnh phúc chính là thời gian và khoảng cách. Và rằng, một khi thời gian ở bên nhau không được đủ nhiều, khoảng cách chia xa là quá lớn, hạnh phúc sẽ chợt tan biến như một điều tất nhiên. Nhưng, thực tế cho thấy “kẻ thù” của hạnh phúc về thực chất lại chính là sự mất mát niềm tin và sự thiếu đức hy sinh. Bởi, không ít cặp vợ chồng dù ở bên cạnh nhau, không xa rời nửa bước, nhưng vẫn chia tay bởi hai “kẻ thù” này. Ngược lại, nhiều cặp vợ chồng dù xa cách ngàn dặm, nhưng nếu đặt trọn niềm tin và thấu hiểu sự hy sinh dành cho nhau, cuối cùng họ vẫn hạnh phúc đến trọn đời.

Qua đây, một vấn đề xã hội khác cũng cần được quan tâm nữa chính là sự chuẩn bị sẵn sàng “hành trang” tâm lý cho các cặp vợ chồng có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, để tránh gặp hai “kẻ thù” của hạnh phúc như những trường hợp chia ly trên.

Quảng Hạ

--------------------------------------------
* Tên nhân vật đã được thay đổi