.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng có bước chuyển biến tích cực

Thứ Sáu, 13/03/2015, 11:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh ta, năm 2014  việc thực hiện đề án này đã có bước chuyển biến tích cực đáng ghi nhận.

 

Chuyên mục “Phòng, chống tham nhũng” trên Báo Quảng Bình luôn chuyển tải kịp thời, đầy đủ các quy định của pháp luật về PCTN đến bạn đọc.
Chuyên mục “Phòng, chống tham nhũng” trên Báo Quảng Bình luôn chuyển tải kịp thời, đầy đủ các quy định của pháp luật về PCTN đến bạn đọc.

Bước chuyển biến tích cực thể hiện qua việc, thông qua các hình thức tuyên truyền chính như tổ chức hội nghị, lớp tập huấn, buổi nói chuyện chuyên đề, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã tuyên truyền, quán triệt, phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Công ước Liên hiệp quốc về PCTN cho trên 405.481 lượt người tham gia; cấp phát 1.630 bộ tài liệu tuyên truyền về  công tác PCTN.

Các huyện, thị xã, thành phố đã bám sát tình hình, đặc điểm và điều kiện của địa phương để có những giải pháp lựa chọn nội dung, đối tượng tuyên truyền, phổ biến và áp dụng các hình thức phù hợp. Trong đó, hình thức tuyên truyền miệng được sử dụng phổ biến nhất với việc tổ chức trên 500 hội nghị phổ biến, quán triệt, tập huấn thu hút được gần 70.000 lượt người tham gia; cấp phát hơn 5.800 bộ tài liệu có nội dung tuyên truyền pháp luật về PCTN. Bên cạnh đó, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở cũng là một trong những thế mạnh đã được các địa phương quan tâm, khai thác và sử dụng có hiệu quả.

Trong hoạt động thụ lý, xét xử các vụ án về tham nhũng, ngành Tòa án đã quan tâm hơn trong việc phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN. Sở Tư pháp đã tổ chức và phối hợp tổ chức 44 hội nghị triển khai, phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật và tập huấn nghiệp vụ, trong đó có lồng ghép tuyên truyền Công ước Liên hợp quốc về PCTN, Luật PCTN, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí... cho 3.600 lượt người tham gia.

Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN còn được thực hiện thông qua các hình thức như xây dựng trang thông tin điện tử; đưa vào chương trình giáo dục ở các trường học, cấp học; hoạt động tư vấn pháp lý, trợ giúp pháp lý, hòa giải; thông qua hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Đặc biệt, trong việc thực hiện chức năng giám sát đầu tư cộng đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thường xuyên quan tâm đến công tác chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận các cấp quan tâm củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 158 Ban Thanh tra nhân dân với 1.316 thành viên đã và đang thực hiện tốt chức năng giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND, quyết định, chỉ thị của UBND cũng như việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Một hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN luôn được đánh giá cao và mang lại hiệu quả thiết thực, đó là thông qua các kênh thông tin đại chúng. Cụ thể, thông qua mục “Tiếp chuyện bạn nghe đài”, chuyên mục “Với khán giả xem truyền hình”, chuyên mục “Đời sống và pháp luật  trên sóng phát thanh, sóng truyền hình của các địa phương; chuyên mục “Phòng, chống tham nhũng” trên Báo Quảng Bình và Bản tin Tư pháp đã chuyển tải kịp thời, đầy đủ các quy định của pháp luật về PCTN đến các tầng lớp nhân dân.

Để phát huy tốt hơn những kết quả trên, Ban chỉ đạo Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, Công ước của Liên hợp quốc về PCTN trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trong thời gian tới cần thực hiện tốt các vấn đề sau: Duy trì và đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật như: tổ chức “Ngày pháp luật”, biên soạn, in ấn và cấp phát tài liệu có nội dung tuyên truyền các quy định của pháp luật về PCTN; xây dựng tủ sách pháp luật, hoạt động hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, sinh hoạt câu lạc bộ. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội thảo, tọa đàm đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp về chuyên đề PCTN; phát động sâu rộng và đề ra những việc làm cụ thể cho cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Mặt khác, tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về Hiến pháp năm 2013, Công ước của Liên hợp quốc về PCTN, Luật PCTN và các văn bản luật khác có liên quan đến việc thực hiện quy định về PCTN; Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 11-1-2013 về việc đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 17-1-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chấn chỉnh và tăng cường kỷ luật, xiết chặt kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn khác có liên quan.

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Quy chế dân chủ ở cơ sở; các văn bản pháp luật quy định về công khai minh bạch tài chính trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị một cách thường xuyên; thực hiện phổ biến pháp luật, giáo dục ý thức pháp luật, nêu gương các điển hình tiêu biểu về PCTN, lên án những hành vi tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đ.T