.

Góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Thứ Năm, 12/03/2015, 09:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 27-1-2015, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh. Báo Quảng Bình xin đăng một số ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Nhiều đơn vị, địa phương đang tích cực tham gia góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Nhiều đơn vị, địa phương đang tích cực tham gia góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

* “Không cần thiết quy định thêm quyền từ chối nhận di sản trong điều 615 Bộ luật Dân sự (sửa đổi)”

Điều 615 Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.”

Theo tôi, việc quy định thêm quyền từ chối nhận di sản trong điều luật này vừa không cần thiết, vừa không bảo đảm tính khái quát của điều luật. Vì quyền từ chối nhận di sản chỉ thể hiện được một trong các quyền cụ thể của người nhận di sản. Hơn nữa quyền từ chối nhận di sản đã được quy định tại điều 626 của Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Vì vậy theo tôi, điều 615 cần được quy định lại như sau: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng thừa kế di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Các chủ thể khác cũng có quyền hưởng di sản theo di chúc do người chết để lại.”

(Ông Đoàn Công Kê, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật Ủy ban MTTQVN tỉnh)

* “Chưa bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em...”

Tại khoản 3, điều 42, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định: trường hợp hai cá nhân không vi phạm điều cấm trong luật hôn nhân và gia đình có thỏa thuận về việc chung sống với nhau như vợ chồng thì quyền, nghĩa vụ của họ được xác định theo thỏa thuận.

Theo tôi, quy định như vậy chưa bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Vì trong dự thảo mới chỉ đề cập đến việc hai cá nhân sống chung mà chưa dự liệu đến trường hợp hai cá nhân sống chung và có con chung, con riêng thì quyền lợi của những đứa trẻ sẽ được quy định như thế nào?.

Hơn nữa quy định như dự thảo Bộ luật Dân sự là chưa phù hợp với Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, vì luật này quy định “chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau như vợ chồng; việc giải quyết quan hệ tài sản của nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con...”.

Việc quy định điều khoản này vào Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có thể dễ dẫn đến trình trạng khuyến khích cho việc sống chung mà không đăng ký kết hôn ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức lối sống và thuần phong mỹ tục của dân tộc ta.

(Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh)

* Mở rộng phạm vi điều chỉnh về chủ thể gây thiệt hại trong điều 621...

Dự thảo lần này gộp điều 619, 620 của Bộ luật Dân sự hiện hành thành điều 621. Tại khoản 1 của điều này quy định, “cơ quan tổ chức quản lý cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong khi thi hành công vụ hoặc thực hiện nhiệm vụ trong quá trình tố tụng. Việc giải quyết bồi thường thiệt hại do Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) quy định”.

Theo tôi ý tưởng của nhà làm luật ở đây là liên quan đến thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, việc bồi thường sẽ do Luật TNBTCNN quy định chứ Bộ luật Dân sự  không quy định. Tôi không đồng ý với quy định này, bởi Luật TNBTCNN điều chỉnh thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra có phạm vi điều chỉnh hẹp và điều này thể hiện ở hai điểm sau:

Thứ nhất: Luật TNBTCNN chỉ điều chỉnh một số hoạt động công vụ là “hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án” nên không đầy đủ.

Thứ hai: Đối với 3 loại hoạt động vừa nêu trên luật cũng chỉ liệt kê một số hành vi nhất định nên những hành vi không được liệt kê sẽ không được luật này điều chỉnh.

Để khắc phục bất cập này theo tôi cần mở rộng phạm vi điều chỉnh về chủ thể gây thiệt hại trong điều 621 của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) nhằm bao quát mọi tình huống gây thiệt hại của người thi hành công vụ.

Cụ thể, đề nghị thay cụm từ “cán bộ, công chức, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng” bằng cụm từ “người thi hành công vụ”.

Bởi vì quy định như dự thảo hiện nay thì trường hợp công an viên của xã trong khi phối hợp với công an huyện thi hành công vụ mà khi gây thiệt hại cho người khác thì sẽ không thuộc đối tượng áp dụng của luật vì theo quy định công an viên không phải là cán bộ, công chức hay người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng...

(Ông Phạm Văn Khôi, Ban Dân chủ pháp luật Ủy ban MTTQVN tỉnh)

Ngọc Hải (thực hiện)