.

Vụ cướp gỗ huê tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng: Vì sao bị hại "trốn tránh" triệu tập của tòa án?

Thứ Hai, 09/02/2015, 09:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau nhiều lần trả hồ sơ, 3 lần hoãn xét xử, gần 3 năm qua 14 bị cáo trong vụ án cướp gỗ huê tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng vẫn chưa được đưa ra xét xử vì vắng mặt bị hại và những người có liên quan. Dư luận đang đặt ra câu hỏi phải chăng đã có những người cố tình cản trở việc đưa vụ án này ra xét xử ?!. Vậy quan điểm của các cơ quan tố tụng trong vụ án này như thế nào chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu...

Khoảng giữa năm 2012, trên địa bàn tỉnh nóng lên vụ cướp gỗ huê tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng với khối lượng lớn.

Các đối tượng thực hiện bao gồm: Nguyễn Văn Hiệu (SN 1970) trú ở xã Xuân Trạch; Hồ Văn Phương (SN 1987), Mai Hữu Sỹ (SN 1981), Nguyễn Ngọc Hoàn (SN 1969), Hoàng Văn Thành (SN 1983) cùng trú ở xã Sơn Trạch; Phan Văn Cảm (SN 1974), Nguyễn Xuân Quý (SN 1977) cùng trú ở xã Đại Trạch; Nguyễn Văn Quân (SN 1977), Lê Ngọc Lâm (SN 1986) cùng trú ở xã Sơn Lộc; Lê Anh Vũ (SN 1985), Nguyễn Văn Tiến (SN 1980) trú ở xã Phúc Trạch; Nguyễn Văn Cương (SN 1982) trú ở xã Hưng Trạch; Hồ Xuân Thiện (SN 1980) trú ở xã Vạn Trạch và Lê Bá Quyết (SN 1977) trú ở xã Lý Trạch (Bố Trạch).

Tuy nhiên, các phiên tòa xét xử sơ thẩm mở ra đều đã bị hoãn, với lý do vắng mặt bị hại và những người có liên quan. Dư luận đang đặt ra câu hỏi, vì sao các bị hại trong vụ án này “trốn tránh” giấy triệu tập của tòa án, trong khi đó các bị cáo trong vụ án này lại rất mong kết quả từ hội đồng xét xử.

Phiên tòa xét xử vụ cướp gỗ huê tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng sáng 20-1-2015.
Phiên tòa xét xử vụ cướp gỗ huê tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng sáng 20-1-2015.

Về vấn đề trên, ông Phạm Hữu Võ, Kiểm sát viên giữ quyền công tố trong vụ án này tại phiên tòa cho rằng: theo quy định của pháp luật, việc vắng mặt bị hại và những người có liên quan vẫn được tiến hành xét xử vì tất cả bằng chứng và lời khai đã thể hiện rõ trong hồ sơ của vụ án. Tuy nhiên, ở vụ án này, các bị cáo bị truy tố với tội danh “Cướp tài sản” theo khoản 4, Điều 133 (Bộ luật Hình sự) có khung hình phạt từ 18 năm đến chung thân, tử hình nên sự vắng mặt của những người nói trên không bảo đảm cho việc xét xử.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc các bị hại và những người có liên quan trong vụ án này vắng mặt tại phiên tòa sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến việc xét xử và xác định hình phạt của bị cáo? Ông Võ cho rằng: “Vì tài sản bị mất trong vụ án này là tài sản của Nhà nước, hơn nữa do biết mình sẽ không có quyền lợi gì sau khi vụ án được đưa ra xét xử, nên các bị hại cố tình vắng mặt không lý do. Tuy nhiên, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nên sự có mặt của họ sẽ giúp hội đồng xét xử xác minh khung hình phạt cho bị cáo. Sự có mặt của những người nói trên tại phiên tòa là để hội đồng xét xử kiểm tra và làm sáng tỏ lời khai của họ trong quá trình điều tra, nên không ảnh hưởng đến việc định tội và tội danh của các bị cáo”.

Còn về việc tại các phiên tòa trước, luật sư bào chữa cho các bị cáo yêu cầu nên xác định rõ khối lượng tài sản bị mất để định tội cho bị cáo, ông Võ trả lời, tài sản bị mất đã được các bên thống nhất và thể hiện rõ trong hồ sơ vụ án.

Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Chánh án TAND tỉnh, trong vụ án này, việc các đối tượng được đưa ra xét xử là vẫn bảo đảm theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. Tuy nhiên, vì bị hại và những người có liên quan liên tục vắng mặt tại các phiên xét xử sơ thẩm nên không bảo đảm cho quá trình tranh tụng trước tòa, vì vậy hội đồng xét xử buộc phải hoãn phiên tòa.

Ông Xuân cũng cho biết thêm: hội đồng xét xử không căn cứ duy nhất vào hồ sơ của cơ quan điều tra mà còn căn cứ vào lời khai của các bị cáo, bị hại và những người có liên quan trước phiên tòa. Việc vắng mặt của các bị hại, hội đồng xét xử sẽ không đối chất, cũng như không xác minh được chứng cứ để định tội bị cáo. Để bảo đảm vụ án được đưa ra xét xử đúng trình tự pháp luật và sớm nhất có thể, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan có liên quan trực tiếp đưa giấy triệu tập cho tất cả các bị cáo, bị hại và những người có liên quan trong vụ án này. Dự kiến phiên tòa tiếp theo sẽ đưa ra xử trong ngày 9-2.

Theo luật sư Lê Minh Tâm, Văn phòng Luật sư Hướng Dương, thì việc vắng mặt các bị hại và những người có liên quan trong vụ án này đã thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm của họ. Vì có họ, hội đồng xét xử mới làm rõ được hành vi của các bị cáo.

Vì vậy, cơ quan tố tụng cần có biện pháp quyết liệt để điều chỉnh hành vi không chấp hành giấy triệu tập của Tòa án đối với những người này.

Ngọc Hải -Công Hợp