.

Phòng chống tham nhũng: Năm 2014 tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp

Thứ Sáu, 10/01/2014, 16:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Trên cơ sở dự báo tình hình tham nhũng thời gian tới có chiều hướng ngày càng tinh vi, phức tạp và tập trung vào các lĩnh vực như công tác cán bộ, tài chính ngân hàng, đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hành chính công...

UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong năm 2014 phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN), nhất là tập trung thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về công tác PCTN, lãng phí, ban hành tại Nghị quyết số 82/NĐ-CP ngày 6-2-2012 của Chính phủ.

Cụ thể UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị, địa phương phải  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Trong đó, tập trung tuyên truyền, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật PCTN như Nghị định số 59/2013/NĐ-CP, ngày 17-6-2013 quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN; Nghị định số 78/2013/NĐ-CP, ngày 17-7-2013 về minh bạch tài sản, thu nhập; Nghị định số 90/2013/NĐ-CP, ngày 8-8-2013 quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước; Nghị quyết số 82/NQ-CP, ngày 6-12-2012 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-5-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí” giai đoạn 2012 - 2016; Quyết định số 3368/QĐ-UBND, ngày 25-11-2009 và Quyết định số 2539/QĐ-UBND, ngày 4-10-2010 của UBND tỉnh về việc ban hành Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU, ngày 21-12-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XI); Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 11-1-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 19-CT/TU về chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, xiết chặt kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; Chỉ thị số 20-CT/TU về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh... qua đó giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp dân cư, nhất là các tổ chức đoàn thể  nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của xã hội trong công tác PCTN.

Đầu tư xây dựng cơ bản là một trong những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng và có nguy cơ tham nhũng cao.
Đầu tư xây dựng cơ bản là một trong những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng và có nguy cơ tham nhũng cao.

Xây dựng và có cách thức tổ chức triển khai thực hiện chiến lược truyền thông đúng đắn về tình hình tham nhũng và công tác PCTN. Có biện pháp  tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí để thông tin kịp thời những thành tích, những nỗ lực về PCTN, nhân rộng điển hình gắn với khen thưởng người có thành tích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, không để đưa thông tin sai sự thật, gây dư luận không tốt và hiểu không đúng về tình hình và những nỗ lực PCTN của Đảng và Nhà nước.

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, mặt trận, các đoàn thể trong việc tuyên truyền, giám sát, phát hiện hành vi tham nhũng và tăng cường sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là các cơ quan trong khối nội chính. Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, tin báo về tiêu cực, tham nhũng, trong đó tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng và có nguy cơ tham nhũng cao như: Đầu tư xây dựng, đất đai, tài chính - ngân sách, mua sắm công... Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và UBKT Đảng trong công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử để chủ động phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng đúng pháp luật. 

Tiếp tục đôn đốc thực hiện có hiệu quả các biện pháp, giải pháp về phòng ngừa tham nhũng và thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCTN theo chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp, nhất là ngành Thanh tra, Kiểm tra Đảng, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân để chủ động phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng đúng pháp luật. Tăng cường đôn đốc kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN nhằm thúc đẩy công tác PCTN ở các cấp, các ngành đi vào thực chất, hiệu quả.

Trong đó chú trọng việc công khai, minh bạch và dân chủ trong tất cả các hoạt động của cơ quan, đơn vị Nhà nước; công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Thực hiện tốt việc chuyển đổi vị trí công tác; xây dựng quy chế văn hóa công sở, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp theo quy định. Đi liền với đó là việc thường xuyên tổ chức thanh tra về thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và định kỳ báo cáo theo quy định.

Tăng cường công tác thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN theo chương trình, kế hoạch đã được duyệt và thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Tăng cường trách nhiệm giải trình của Thủ trưởng cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định tại Nghị định số 90/2013/NĐ-CP, ngày 8-8-2013 của Chính phủ.

Triển khai, thực hiện Kế hoạch số 1107/KH-UBND, ngày 24-9-2013 của UBND tỉnh về triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 12-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung PCTN vào giảng dạy  chính khóa tại các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề...

Đ.T