.

Cải cách tư pháp: Cần sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp và chính quyền các cấp

Thứ Năm, 08/08/2013, 14:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua 8 năm thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, ngành Kiểm sát tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, bên cạnh đó còn bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan tư pháp và chính quyền các cấp.

Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra là một trong những nội dung quan trọng của tiến trình cải cách tư pháp của ngành Kiểm sát, nhằm bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự có căn cứ và đúng pháp luật; đồng thời, qua đó kịp thời chỉ đạo các đơn vị bám sát quá trình điều tra, nắm chắc tiến độ điều tra, chủ động cùng cơ quan điều tra tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình điều tra các vụ án hình sự.

Trong 8 năm (2005-2013), toàn ngành Kiểm sát tỉnh ta đã tiến hành kiểm sát điều tra 4.211 vụ/7.030 bị can, ra yêu cầu điều tra 1.717 vụ (đạt 40,7%). Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) 2 cấp thụ lý 3.703 vụ/6.415 bị can, đã giải quyết 3.689 vụ/6.366 bị can (đạt 99,6%); đình chỉ 70 vụ/121 bị can, trả hồ sơ điều tra bổ sung 69 vụ.

Gắn liền với việc tăng thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện, các VKS cấp huyện cũng được tăng thẩm quyền trong thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Đến nay các đơn vị TAND và VKSND cấp huyện đều được tăng thẩm quyền trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Các vụ án VKSND cấp huyện truy tố cơ bản đúng người, đúng tội.

Ngoài ra, chiến lược cải cách tư pháp còn hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa. Trong nhiều năm qua, VKSND tỉnh đã phối hợp với Tòa án chỉ đạo các VKSND và TAND cấp huyện tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm.

Hàng năm, kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự phải tham gia ít nhất 1 phiên tòa rút kinh nghiệm. Nhờ đó, việc lập hồ sơ kiểm sát, hồ sơ xét xử và kỹ năng tranh tụng, tranh luận, đối đáp của kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng lên. Các bản án, quyết định của Tòa án được kiểm sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ban hành kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm. Trong 8 năm, VKSND hai cấp đã ban hành 79 kháng nghị phúc thẩm, 4 kháng nghị giám đốc thẩm, 25 kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm trong quá trình xét xử và ban hành bản án.

Trọng tâm của chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW là hướng tới việc xét xử có “hiệu quả và hiệu lực cao”. Tuy nhiên, qua 8 năm thực hiện, các cơ quan tố tụng vẫn còn bộc lộ một số tồn tại hạn chế, như: chất lượng hoạt động tư pháp ở cấp huyện trong điều tra, truy tố, xét xử còn nhiều hạn chế, thiếu sót; hoạt động công tố có lúc chưa bám sát quá trình điều tra; công tác kiểm sát tin báo tố giác tội phạm chưa được quản lý, dẫn đến có trường hợp khởi tố, truy tố, xét xử oan sai; chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa có trường hợp còn mang tính hình thức. Ngoài ra, việc giải quyết án dân sự còn để xảy ra sai phạm, có nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Để các nội dung cải cách tư pháp đi vào thực tế, hướng đến mục tiêu: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc, sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan tư pháp với nhau và giữa các cơ quan tư pháp với chính quyền các cấp.

                                                                                       P. V