Sự cần thiết thực hiện đề án hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Cập nhật lúc 14:39, Thứ Sáu, 16/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong thời gian vừa qua có một số doanh nghiệp ở trên địa bàn tỉnh ta vi phạm pháp luật hoặc gặp rủi ro trong kinh doanh do không hiểu biết về pháp luật. Những vi phạm phổ biến ở các doanh nghiệp đó là ký kết hợp đồng kinh tế dựa trên những văn bản đã hết hiệu lực hoặc đối tác không đủ năng lực pháp luật, không phải là người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp dẫn đến hậu quả là hợp đồng vô hiệu. Thậm chí có những trường hợp do nhận thức của một số chủ sở hữu doanh nghiệp còn hạn chế nên xem pháp luật là rào cản đối với hoạt động kinh doanh trong cơ chế thị trường. Tất cả những hạn chế đó đều dẫn đến hậu quả là làm chậm mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế.

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài. Nghị định số 13/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04-02-2008 quy định các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và địa phương có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn pháp luật cho tổ chức, cá nhân  nhưng việc thi hành gặp nhiều khó khăn. Ở tỉnh ta, các cơ quan chuyên môn vẫn chưa thi hành tốt nhiệm vụ này vì thiếu cơ chế thực hiện và kinh phí. Bên cạnh đó, do nhận thức của một bộ phận chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp hạn chế nên doanh nghiệp đã không chủ động trong việc đề nghị các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền hay các cơ sở dịch vụ cung cấp thông tin pháp lý phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình. Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP  ngày 28-5-2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Nghị định số 66/2008/NĐ-CP) là cơ sở pháp lý quan trọng, quy định rõ trách nhiệm, cơ chế để các cơ quan nhà nước thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ, đồng thời giúp doanh nghiệp xác định nhu cầu nội dung hỗ trợ và cơ quan, tổ chức thực hiện hỗ trợ. 

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua vẫn đang còn chậm triển khai thực hiện; một số nội dung được thực hiện thì chủ yếu là lồng ghép vào các hoạt động của các chương trình, đề án khác nên hiệu quả chưa rõ ràng. Đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ còn thiếu và kiêm nhiệm nhiều công việc chuyên môn khác; đội ngũ cán bộ pháp chế doanh nghiệp chỉ mới có ở các doanh nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý; đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật còn mỏng và chưa nắm rõ về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp... 

                                                                             Đ.T.

,
.
.
.