Vụ tai nạn thảm khốc trên sông Sài Gòn:

Còn bao nhiêu con tàu kiểu "Dìn Ký"?

Cập nhật lúc 13:34, Thứ Hai, 30/05/2011 (GMT+7)

     

Lực lượng cứu hộ, người nhái Công an TP HCM chuẩn bị tác nghiệp cứu người.
Lực lượng cứu hộ, người nhái Công an TP HCM chuẩn bị tác nghiệp cứu người.

Đã nhiều ngày trôi qua sau vụ tai nạn thảm khốc chìm tàu Dìn Ký làm 16 người chết, trong đó phần ba là trẻ con, nhưng dư âm của nó thì vẫn thật khủng khiếp. Chủ nhân của bữa tiệc sinh nhật, bé Quách Hồng Đạt giờ đây ngày khai sinh cũng là ngày khai tử. Bạn bè, người thân của bé giờ người còn, người mất. Còn nỗi đau nào hơn thế?

Tìm kiếm trong tuyệt vọng

Thoát chết trong vụ chìm tàu, anh Hưng, một nhân viên trên chiếc tàu thất thần kể lại: Khoảng 7h tối ngày 20/5 vừa qua, 23 người là thân nhân, bạn bè thân thiết của ông Quách Lương Tài được mời lên chiếc tàu nhà hàng nổi Dìn Ký dự tiệc sinh nhật con trai. Trong cơn mưa lâm thâm, chiếc tàu tháo neo, rời bến, chạy xuôi ra giữa dòng sông Sài Gòn. Nến đã được thắp trên chiếc bánh kem và những lời chúc tụng hạnh phúc đã vừa kịp bung ra. Nhưng cơn mưa lớn và dông lốc bất chợt úp xuống mặt sông đêm đen thẫm. Mải vui, chẳng ai để ý đến ngoài trời mưa và gió ngày càng lớn.

Được một lát, ông Tài gọi một chiếc tàu nhỏ của nhà hàng mang thêm thức ăn ra. Công việc tiếp tế hoàn tất, chiếc tàu nhỏ vừa xoay mũi rời đi được vài chục mét thì bỗng gió lốc liên hồi khiến chiếc tàu chao lắc mạnh. Những người trên chiếc tàu nhỏ thấy sóng to gió lớn bèn cố sức hướng lái về phía bờ sông trước. Chiếc tàu to, sau một hồi bị gió lắc nghiêng ngả 2 tầng lầu nổi, đã lật một cái rất mạnh sang bên phải rồi bật ngược sang mạn trái, chìm nhanh chóng.

Mặc dù giữa cơn mưa giông chớp giật, người ta vẫn nghe rõ tiếng la hét hoảng loạn nhưng giữa cơn mưa giông, những tiếng kêu tuyệt vọng đã gần như bị bão hòa. Mọi người hoảng loạn tìm cách phá cửa kính. Trong cơn xô nghiêng, một số trẻ em bị bàn ghế đè lên người, kêu khóc. Hưng chỉ nhớ trong cơn hoảng loạn đã kịp thoát lên nóc tàu, lao xuống dòng nước thẫm bơi sang chiếc tàu nhỏ tiếp thức ăn vẫn còn cách đấy chưa bao xa. Sự việc diễn ra quá nhanh, ngay bản thân ông Tài lúc ấy đang nâng ly ở cuối dãy bàn cũng chẳng kịp tiếp cận vợ con. Sau khi leo được lên nóc tàu kêu gào thảm thiết mà chẳng được đáp ứng.

Không đầy 1 phút sau, chiếc tàu - nhà hàng nổi đã chìm hẳn, nước dâng ngập cổ, ông Tài mới chịu rời tàu bơi sang chiếc tàu nhỏ. Vợ, con gái 5 tuổi, đứa con trai 3 tuổi, chủ nhân của lễ sinh nhật, mẹ vợ, em ruột vợ và em ruột ông gồm 11 người đã nằm lại cùng xác con tàu bất hạnh… Trong suốt thời gian lực lượng cứu hộ làm việc, ông Quách Lương Tài chỉ biết ẩn mình trong góc, khóc như điên dại.

Cho đến rạng sáng ngày 23/5, thi thể nạn nhân cuối cùng của vụ tai nạn là cháu Phạm Xuân Khánh (9 tuổi) đã được tìm thấy. Bé Khánh được tìm thấy nằm sâu trong khoang máy. Những thợ lặn đã phải rất vất vả mới đưa được thi thể em ra ngoài. Mẹ em, chị Phạm Thị Hiền, sau mấy ngày trời vật vã chờ đợi con, đã gục xuống sàn nhà ngất lịm…

Những vành khăn tang ai oán

Cũng chiều ngày 23/5, người phát ngôn Bộ Giao thông vận tải cho biết vừa thành lập đoàn công tác để ngay lập tức vào Bình Dương kiểm tra việc quản lý nhà nước về đường thủy nội địa nói chung và về vụ tai nạn thảm khốc này. Còn theo lời ông Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Trần Văn Cừu trả lời báo chí, thì: "Nơi tổ chức sinh nhật và bị đắm khiến nhiều người thiệt mạng thực chất là một nhà nổi di chuyển được".

Còn khi bàn về trách nhiệm quản lý, ông Cục trưởng cho hay: "Quản lý về pháp luật giao thông thì liên quan đến ngành giao thông. Quản lý về khai thác kinh doanh du lịch thì thuộc ngành du lịch", tuy thế nhưng không chồng chéo, mà "ngành nào sẽ làm tròn trách nhiệm ngành đó"!?

Trong trường hợp cụ thể tàu Dìn Ký, theo ông Trần Văn Cừu, thanh tra đường thủy nội địa hoặc Cảng vụ thường xuyên giám sát thì  sau vụ chìm tàu Dìn Ký, cơ quan chức năng đã "sơ sơ" xác định được 4 lỗi, mà toàn lỗi nghiêm trọng liên quan đến sự an nguy của hành khách. Một là không có giấy phép mở bến. Hai là đăng ký, đăng kiểm đã hết hạn 3 tháng nhưng chưa làm lại. Ba là người điều khiển lúc xảy ra tai nạn không phải là thuyền trưởng. Bốn là các cơ quan chức năng của Cục Đường thủy nội địa, cũng như của địa phương đã lập biên bản đình chỉ nhưng chủ phương tiện vẫn cố tình hoạt động.

Trong lời nhận trách nhiệm về vụ tai nạn, ông Châu Hoàn Tâm, chủ Doanh nghiệp Dìn Ký Cầu Ngang khẳng định con tàu làm nhà hàng nổi này được đóng mới hoàn toàn ngay tại khu du lịch Dìn Ký Cầu Ngang và đưa vào sử dụng hồi tháng 2/2008, máy móc thiết bị còn rất tốt, áo phao đầy đủ, hàng năm đều đăng kiểm cẩn thận, chỉ có điều năm nay nhân viên dưới quyền ông đã… "quên" chưa đăng kiểm.

Trong khi đó, lại có thông tin cho rằng chiếc tàu nhà hàng bị nạn nguyên là một chiếc ghe bầu chở hàng hóa được mua về từ Bến Tre. Sau khi mua về, chiếc ghe được đóng cơi nới thêm 1 tầng trệt và 1 tầng lầu rồi đưa vào phục vụ du lịch. Theo đó, vì được cải tạo từ ghe nên chiếc "tàu" hai tầng ấy có mớn nước rất nông, chông chênh và dễ bị lật.

Trong quá trình điều tra thông tin xung quanh vụ đắm tàu, chúng tôi đã gặp gỡ một vài người dân địa phương thì được biết, ngay từ khi chiếc tàu được đưa vào khai thác, nhiều người dân đã chứng kiến một số chuyện bất thường. Nhìn từ trong bờ ra, mỗi khi có gió to là chiếc tàu tròng trành ghê lắm. Có lần người dân còn thấy tàu nghiêng tới mức nước tràn qua mạn thuyền, các nhân viên trên tàu nháo nhào xô chậu múc nước đổ ra…

Còn theo ông Phan Văn Duy, Giám đốc Cảng vụ Khu vực III cho biết, tàu BD 0943 là tàu loại 1 nhưng tài công Lê Văn Đức chỉ có giấy phép điều khiển tàu loại 2 và 3. Theo phân tích của ông Duy, có lẽ chưa có bằng cấp điều khiển loại tàu lớn như vậy nên tài công Đức đã mắc phải một số sai lầm nguy hiểm. Thứ nhất là vội vã quay hướng mũi tàu vào bờ khi tàu đang hứng gió. Chính thao tác thiếu kinh nghiệm này đã khiến tàu lật "dễ dàng" hơn. Thứ hai là con tàu đã quay mũi đúng vào vị trí "bún" - thuật ngữ dân chài địa phương dùng để chỉ vùng nước xoáy thường xuyên. Còn yếu tố đóng bít các cửa khi thấy gió to, mặc dù cũng góp phần khiến cả thân tàu giống như một "cánh buồm" hứng gió, khiến tàu dễ lật, song cũng khó có thể trách những người trên tàu lúc ấy bởi đó là việc người ta sẽ làm khi tổ chức một bữa tiệc có nến và bánh!

Về sai lầm nguy hiểm thứ hai của tài công Lê Văn Đức còn được minh họa thêm bằng một chi tiết khác mà trong quá trình tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã thu thập được. Đó là khu vực neo đậu của tàu Dìn Ký khi tổ chức bữa tiệc hôm ấy không được cơ quan chức năng cấp phép mở bến tàu. Lý do là bởi khúc sông nơi đó có luồng nước xoáy sâu hơn 20m (bún). Được biết xung quanh khu vực này cũng đã có phao cảnh báo nhưng người lái tàu Dìn Ký vẫn bất chấp rủi ro, thường xuyên cho tàu hoạt động. Lỗi này của tàu Dìn Ký từng bị thanh tra Cục Đường thủy nội địa và Cảnh sát Giao thông đường thủy tỉnh Bình Dương lập biên bản vi phạm hành chính về các lỗi "neo đậu tàu tại khu vực không được cấp phép, không được neo đậu vì không an toàn". Ngoài ra, mặc dù khai thác du lịch trên mặt sông nhưng Dìn Ký lại không có lực lượng cứu hộ sông nước chuyên nghiệp.

Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 3 người do liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng này gồm: Tài công Lê Văn Đức; Quản lý tàu Lê Văn Quang và Quản lý chung của nhà hàng nổi Dìn Ký Đinh Văn Quân. Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an cũng đã đến hiện trường để tìm hiểu, nắm tình hình, phục vụ công tác điều tra.

Đừng để phải nói lời "xin lỗi" cay đắng!

Quá nhiều vụ tai nạn sông nước đã xảy ra thời gian gần đây, hầu hết đều liên quan đến hoạt động du lịch đường thủy. Nỗi đau là không thể so sánh, nhưng nên chăng cần nhìn nhận một cách khách quan để, nếu có thể, phần nào thay đổi được những kết cục đáng buồn như thế được không?

Được biết, không phải chờ đến lúc tàu Dìn Ký chìm xuống đáy sông, cướp đi sinh mạng của 16 con người, những bất an trên các con tàu được tân trang lại thành nhà hàng nổi mới được cảnh báo. Theo kết quả kiểm tra trước đó của cơ quan chức năng, nhiều nhà hàng nổi khác trên sông Sài Gòn qua kiểm tra đã phát hiện sai phạm, rất thiếu an toàn. Nhưng vấn đề là tại sao tai nạn vẫn cứ xảy ra? Hay kiểm tra là việc của kiểm tra, còn cho lưu thông thì vẫn cứ… sử dụng?

Dân gian có câu "đánh kẻ chạy đi…"! Ông chủ doanh nghiệp Dìn Ký Cầu Ngang liên quan trong vụ tai nạn thảm khốc kia đã bày tỏ sự chân thành mong muốn khắc phục hậu quả. Theo lời ông, hàng trăm triệu đồng đã được chi ra để lo mai táng cho các nạn nhân với sự sẻ chia sâu sắc và những lời nói thấu tình đạt lý: "Chúng tôi biết sinh mạng con người dù có chi ra bao nhiêu cũng khó bù đắp nổi, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình và rất mong thân nhân người gặp nạn thứ lỗi". Chỉ có điều, những lời xin lỗi ấy, tuy chân thành mà sao cay đắng quá?

Còn bao nhiêu sai phạm về an toàn giao thông đường thủy nữa, còn bao nhiêu con tàu "cải biên", không đạt tiêu chuẩn, không có người lái đủ bằng cấp điều khiển… nữa vẫn đang ngang nhiên lưu hành trên khắp các con sông, bờ vịnh mà các ngành chức năng không biết hoặc làm ngơ? Hay là phải đến khi nó chìm xuống đáy với những hành khách xấu số rồi thì những trách nhiệm xung quanh nó mới lại được "vớt lên" để "làm rõ" trong ai oán như thế này?

 

                                                                                                      Theo ANTG

,
.
.
.