.

Chị Hiền "tinh bột nghệ"

Thứ Hai, 04/12/2017, 08:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Mỗi năm, cơ sở sản xuất tinh bột của chị Dương Thị Hiền (Mai Thủy, Lệ Thủy) sản xuất hơn 100 tấn tinh bột các loại cung cấp cho thị trường trong và ngoại tỉnh. Đây là kết quả của quá trình tìm tòi, học hỏi, lao động miệt mài của chị Hiền.

Năm 2013, nhận thấy được tiềm năng khi đầu tư phát triển, đưa tinh bột nghệ ra thị trường, chị Dương Thị Hiền quyết định bắt tay sản xuất và từng bước tìm hướng đi cho sản phẩm này. Chia sẻ với chúng tôi, chị Dương Thị Hiền cho biết: “Nhiều năm nay, gia đình đã làm bột nghệ truyền thống bán ra thị trường, tuy nhiên, nhận thấy trào lưu dùng tinh bột nghệ của chị em, tôi đã tìm hiểu sâu hơn về cách chế biến, công dụng sản phẩm, thị trường tiêu thụ... Do đó, tôi quyết định đầu tư bài bản từ khâu thu mua cho đến khâu sản xuất”.

Được biết, chị Hiền đã học hỏi kinh nghiệm làm nghề của rất nhiều người đi trước và bắt tay thử nghiệm các loại tinh bột chất lượng. Mới đầu, chị chỉ làm quy mô nhỏ, lẻ tầm chục tấn mỗi vụ. Sau khi thấy kết quả khả quan, đầu năm 2017, chị mạnh dạn đăng ký thương hiệu tinh bột nghệ Hiền Thuấn và được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp giấy phép kinh doanh, mở cơ sở sản xuất tinh bột nghệ để cung ứng ra thị trường.

Để bảo đảm nguồn hàng cho người tiêu dùng, chị đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để trang bị máy móc chế biến, hoạt động liên tục từ sáng sớm đến tận đêm.

Là người phụ nữ can đảm, mạnh mẽ, chị Dương Thị Hiền không chỉ siêng năng mà còn ngày đêm bươn chải để tìm ra hướng đi mới trong phát triển thị trường tinh bột nghệ. Hiện, trung bình mỗi năm, cơ sở của chị sử dụng khoảng 800 tấn nghệ tươi và cho ra khoảng hơn 30 tấn tinh bột nghệ, 50 tấn bột nghệ chưa phơi và khoảng 1 tấn bột nghệ đen, nghệ trắng truyền thống.

 Chị Dương Thị Hiền kiểm tra lại mẻ bột mới ra lò trước khi giao cho khách hàng.
Chị Dương Thị Hiền kiểm tra lại mẻ bột mới ra lò trước khi giao cho khách hàng.

Ngoài làm tinh bột nghệ, chị Dương Thị Hiền còn mở rộng thêm sản phẩm bột mìn-tin gần 2 tạ/ năm; bột sắn dây hơn 1 tạ/năm và tinh bột gừng 50kg/năm. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về mỗi năm gần 300 triệu đồng, tạo việc làm cho khoảng 7 lao động, lương mỗi tháng từ 3 - 5 triệu đồng/người.

Anh Dương Bá Thuấn, chồng chị Hiền cho biết: “Gia đình tôi trước kia chỉ làm nông nghiệp, nên kinh tế chỉ đủ ăn. Từ khi xây dựng cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Hiền Thuấn, cuộc sống gia đình tôi no đủ hơn, tôi không còn phải đi làm ngoài dầm dãi nắng, mưa như trước mà chuyển về làm chung cùng vợ”.

Sản phẩm của cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Hiền Thuấn được tiêu thụ tại nhiều địa phương trên cả nước, nhưng chủ yếu ở Đà Lạt, Sài Gòn, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội  và một số cơ sở trong tỉnh. Để có được thành quả như hiện tại, chị Hiền cũng gặp không ít khó khăn.

Chị tâm sự: “Khó khăn lớn nhất khi mở cơ sở là chưa có nhiều vốn. Có trong tay chỉ vài chục triệu, chị phải vay mượn thêm ngân hàng, người thân, bạn bè mới có điều kiện đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, trang bị máy móc, thuê mướn nhân công...”. Chị Hiền còn cho biết thêm, để cho ra sản phẩm tinh bột nghệ, mặc dù không vất vả nhưng đòi hỏi rất tỉ mỉ, đặc biệt là tốn rất nhiều thời gian và trải qua 7 công đoạn.

Tại cơ sở Hiền Thuấn, công nhân không mất nhiều thời gian làm thủ công mà đã có hệ thống vận hành máy móc dây chuyền từ rửa, nghiền, cho đến lọc bỏ phần tạp chất và váng dầu để thu được tinh dầu nghệ lắng phía dưới.

Theo chị Hiền, với phương pháp phơi khô thông thường, tinh bột không có màu sắc đẹp, chỉ để khoảng nửa năm đã có dấu hiệu hỏng, biến chất, còn sấy bằng máy, tinh bột nghệ thành phẩm có màu sáng, đẹp, độ ẩm ổn định và thời gian cất trữ lâu hơn. Nếu bọc trong bao, lọ kín, tinh nghệ có thể để được cả năm mà không sợ bị hỏng.

Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình, người dân trong xã rất quan tâm đến trồng nghệ để cung cấp nguyên liệu cho cơ sở chị Hiền. Được biết, cây nghệ có khả năng chịu hạn, thích ứng rộng, không những trồng trên đất ruộng cạn, đất vườn mà còn trồng được trên cả đất đồi không có điều kiện tưới nước.

Đó là lý do khiến cây nghệ có điều kiện mở rộng được diện tích. Trồng nghệ không khó, đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao. Sau khi trừ chi phí giống, phân bón, nhà trồng giỏi có thể thu lãi trên 13 triệu đồng/sào nghệ củ. 

Chị Lê Thị Trà Giang, Quyền Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lệ Thủy cho biết, mô hình của gia đình chị Dương Thị Hiền là một trong những mô hình kinh tế mới trên địa bàn huyện, vừa có hiệu quả kinh tế cao, vừa tạo việc làm cho người dân địa phương.

Trong năm vừa qua, mô hình này đã giúp cho bà con bắt đầu mở rộng diện tích vùng nguyên liệu trên địa bàn xã, huyện; cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng nghệ cho bà con. Chị Dương Thị Hiền không chỉ là một hội viên hội phụ nữ nhiệt tình, năng nổ mà còn là một người nông dân dám nghĩ, dám làm, một điển hình sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn.

Hiền Phương