.

Xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững - Bài 1: Được mùa mất giá-điệp khúc buồn

Chủ Nhật, 15/10/2017, 11:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, điệp khúc “được mùa - mất giá” đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người nông dân nói chung và nông dân Quảng Bình nói riêng. Hầu hết các loại nông sản từ lúa gạo, khoai sắn, các loại rau, củ, quả, hạt... đều không tránh khỏi điệp khúc buồn này. Trong bối cảnh chung đầy bấp bênh ấy, một số sản phẩm đã được xây dựng thành chuỗi giá trị kết nối chặt chẽ từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Đây chính là hướng đi bền vững cho nông sản để chấm dứt nỗi ám ảnh của điệp khúc  “được mùa - mất giá”.

Vào trang google.com, gõ cụm từ “được mùa mất giá”, chỉ trong vòng 0,39 giây đã cho ra 3.780.000 kết quả, một con số vô cùng lớn. Cũng từ đây, bức tranh với những gam màu trầm của nông sản Việt Nam hiện lên rất rõ nét. Trong số này, Quảng Bình cũng đóng góp rất nhiều sản phẩm, đồng nghĩa với điều này là nỗi lo lắng về thiệt hại của người nông dân cũng như hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Điểm danh nông sản“được mùa - mất giá”

Những mặt hàng nông sản của Quảng Bình có tên trong danh mục “được mùa - mất giá” có thể kể đến là lúa, lạc, dưa hấu, sắn, ớt, tiêu... Cứ vài năm một lần, người nông dân chưa kịp vui niềm vui được mùa, đã phải đối mặt với nỗi lo sản phẩm mất giá. Nhiều sản phẩm lúc này được đem bán đổ, bán tháo, hoặc cho trâu bò ăn vì thu không đủ bù chi.

Cây sắn là nông sản thường xuyên đối mặt với điệp khúc “được mùa-mất giá”.
Cây sắn là nông sản thường xuyên đối mặt với điệp khúc “được mùa-mất giá”.

Nhìn những cánh đồng sau nhiều tháng chăm bẵm, nhưng đến mùa thu hoạch thưa thớt bóng người nông dân, vì có thu hoạch về cũng không ai mua, mới thấu hiểu nỗi niềm của người nông dân khi bao công sức bỏ ra giờ gần như trắng tay.

Là một địa phương được xem là “chủ lực” trong trồng sắn, huyện Bố Trạch hiện có 3.560 ha, chiếm trên 90% tổng diện tích sắn toàn tỉnh. Cây sắn đã và đang góp phần mang lại đời sống ổn định cho nông dân Bố Trạch trong nhiều năm qua, nhưng vẫn không tránh khỏi những thời điểm bị rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Anh Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạchcho biết, Xuân Trạch hiện có khoảng 250 ha lạc, 350 ha sắn. Những năm gần đây nếu giá lạc chỉ dao động trong khoảng 16.000 đến 22.000 đồng/kg thì giá sắn có biên độ dao động rất lớn khi mức giá thấp nhất là 600 đồng/kg, cao nhất lên đến 2.400 đồng/kg. Có những vụ sắn bị rớt giá, bà con thu hoạch một ít về làm thức ăn gia súc, còn lại bỏ luôn vì nếu thu hoạch phải tốn công vận chuyển, thu không đủ bù chi.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với cây ớt của xã Hưng Trạch, Sơn Trạch (Bố Trạch). Giá ớt những vụ cao điểm có thể lên đến trên 50.000 đồng/kg và mức giá ớt “chạm đáy” là 9.000 đồng/kg. Với diễn biến giá cả như thế, giai đoạn cao điểm, Hưng Trạch có diện tích trồng ớt trên 60 ha. Tuy nhiên, sau một thời gian giá cả biến động thất thường, số diện tích này đã thu hẹp lại còn 11 ha.

Ông Hoàng Văn Mến, thôn Đông Giang (xã Hưng Trạch) một trong những người tiên phong trồng ớt cho biết, khoảng năm 2009 – 2010, cây ớt bắt đầu xuất hiện và phổ biến tại địa phương. Năm 2012, giá ớt chạm ngưỡng 45.000 đồng/kg đã mang lại thu nhập từ 4,2 đến 4,5 triệu đồng/ngày trong thời điểm thu hoạch rộ từ 3 sào ớt của gia đình ông.

Lúc đó, 1 sào ớt thu về khoảng 25 triệu đồng, là con số đáng mơ ước của người nông dân.Cũng tại thời điểm huy hoàng này, người dân Hưng Trạch đã mơ giấc mơ về “cánh đồng lớn” trồng ớt.

Tuy nhiên, sau những thăng trầm, đến vụ ớt 2017, số diện tích này đã thu hẹp lại chỉ còn 11 ha. Giá ớt vụ 2017 giảm dần từ 25.000 đồng/kg từ đầu vụ xuống còn 12.000, thậm chí 9.000 đồng/kg. Sau những vụ mùa ớt bội thu với thu nhập ổn định, như một quy luật, người dân Hưng Trạch và các địa phương lân cận lại lâm vào cảnh “được mùa - rớt giá”. Những cánh đồng ớt trĩu quả giờ ế ẩm, nhiều hộ ngại thu hoạch hoặc thu hoạch xong mang phơi khô chờ ngày được giá.

Cùng với cây sắn, cây ớt, dưa hấu là một trong những loại nông sản điển hình mà sau một hoặc vài vụ mùa “thắng to”, “mừng chưa kịp no” người trồng dưa đã lại đối mặt với tình trạng ế ẩm, dù thương lái  đã “đặt cọc” trước. Vụ dưa năm 2015 là một trong những ví dụ điển hình khi giá dưa mua tại ruộng chỉ chưa đến 3.000 đồng/kg. Nhiều hộ trồng dưa khi vào vụ phải chạy đôn, chạy đáo tìm người mua, giá thấp cũng “bán đổ bán tháo” nếu không muốn mang dưa đi đổ cho trâu bò ăn.

Đâu là nguyên nhân?

Một trong những nguyên nhân đầu tiên là nhiều loại nông sản cung vượt cầu nên giá cả giảm, nhất là vào những thời điểm thu hoạch rộ. Lúc này, thị trường từ thế giới đến khu vực, trong nước và trên địa bàn tỉnh tự điều tiết giá cả, trong khi chất lượng nông sản của Quảng Bình còn nhiều hạn chế, chưa đủ sức cạnh tranh với nông sản cùng loại trên thị trường trong nước cũng như trong khu vực.

Cây ớt ở Hưng Trạch với giấc mơ “cánh đồng lớn” dang dở.
Cây ớt ở Hưng Trạch với giấc mơ “cánh đồng lớn” dang dở.

Để hạn chế được những thiệt hại từ nguyên nhân này, bên cạnh những giải pháp vĩ mô, thì mỗi địa phương cần chú trọng việc quy hoạch và phát triển các loại nông sản phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh phát triển ồ ạt theo cảm tính.

Một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng, đó là chữ “tín” trong kinh doanh của người nông dân. Cũng theo ông Hoàng Văn Mến, chuyện về cây ớt ở Hưng Trạch là một ví dụ điển hình. Đó là khi được Công ty Long Nguyên Khang, một doanh nghiệp thu mua nông sản, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt, nhiều hộ nông dân đã yên tâm và cung cấp sản phẩm cho Công ty.

Tuy nhiên, có những thời điểm giá ớt do thương lái thu mua cao hơn giá đã ký hợp đồng với Công ty Long Nguyên Khang, người dân tự ý phá vỡ hợp đồng và bán cho thương lái, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Thường mỗi chuyến thu mua, Công ty phải gom đủ từ 1 công-ten-nơ hàng trở lên, nhưng có những thời điểm họ phải cạnh tranh gay gắt với thương lái, cho nên dù đã điều chỉnh giá thu mua, nhưng vẫn không gom đủ số lượng cần thiết. Vì thế, sau một thời gian, Công ty không ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nữa. Và khi giá ớt giảm, nông dân là người chịu hậu quả từ việc không giữ chữ “tín” của mình, đặc biệt là vào mùa thu hoạch rộ!”.

Trước thực trạng này, cộng đồng xã hội đã tiến hành các cuộc “giải cứu” nông sản và phần nào hỗ trợ được người nông dân trong khâu tiêu thụ nông sản. Nhưng đây chỉ là giải pháp mang tính tức thời, không thể áp dụng lâu dài.

Để giải quyết tận gốc rễ bài toán “được mùa - rớt giá”, bên cạnh việc quy hoạch và phát triển các loại nông sản phù hợp với nhu cầu của thị trường,việc xây dựng chuỗi giá trị, kết nối chặt chẽ từ người sản xuất đến người tiêu dùng chính là hướng đi bền vững cho các loại nông sản mà nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Bình đang áp dụng, bước đầu đã mang lại những thành công.

Ngọc Mai


Bài 2: Khẳng định hiệu quả từ chuỗi giá trị