.

Những doanh nghiệp "vàng" ở Quảng Ninh

Thứ Năm, 12/10/2017, 08:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: “Ngoài chú trọng phát triển nông nghiệp, Quảng Ninh còn tạo ra sự đột phá trong ngành nghề, CN-TTCN. Nhiều chính sách ưu đãi được tỉnh và huyện quan tâm đã giúp doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương”.

Hiện nay, Quảng Ninh có nhiều doanh nghiệp với loại hình kinh doanh đa dạng, sản xuất hiệu quả. Ngoài đóng góp ngân sách huyện, tỉnh, các doanh nghiệp còn tạo điều kiện, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hoạt động của các doanh nghiệp luôn bảo đảm thân thiện với môi trường, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đánh giá cao.

Thương hiệu tinh bột sắn Long Giang

Nhà máy tinh bột Long Giang đóng tại thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh, thuộc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh. Nhà máy chuyên sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột. Hàng năm, công suất bình quân khoảng 15.000 tấn sản phẩm.

Sản phẩm tinh bột sắn Long Giang được thị trường ưa chuộng.
Sản phẩm tinh bột sắn Long Giang được thị trường ưa chuộng.

Cùng với sản xuất tinh bột sắn, Công ty đầu tư quy trình sản xuất theo hướng chế biến sâu, nhằm phát triển đa dạng sản phẩm cũng như nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, như: sản xuất tinh bột biến tính từ tinh bột sắn, tinh bột dong riềng, sắn dây.... Công ty hướng đến chế biến các sản phẩm có giá trị cao, như: miến dong, miến sắn dây..., đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh cho biết, hiện nay, Công ty đã cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước sản phẩm mang nhãn hiệu “LONG GIANG”, đó là tinh bột sắn chất lượng cao, tỷ trọng xuất khẩu trên 90%.

Riêng sản phẩm tinh bột biến tính xuất khẩu 100% sản lượng. Bột bánh lọc Long Giang là sản phẩm mới của Công ty, tham gia vào thị trường bán lẻ, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong chế biến món ăn, nhất là món bánh lọc Quảng Bình nổi tiếng.

Nhu cầu nguyên liệu sắn phục vụ Nhà máy tinh bột Long Giang trên 60.000 tấn/năm, nhưng thực tế hiện nay chỉ mới đáp ứng đầu vào khoảng 30.000- 40.000 tấn/năm, bằng 50 đến 70% so với nhu cầu. Nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu, với vai trò là doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm sắn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, Công ty chủ động xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu và mô hình nhân giống trên địa bàn. Công ty đã liên kết với trên 22 tổ nhóm nông dân, diện tích trồng sắn theo hợp đồng liên kết đạt trên 350 ha.

Dự kiến trong những năm tiếp theo, Công ty tiếp tục tăng cường phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất trồng và chế biến sắn, góp phần phát triển quy mô diện tích vùng nguyên liệu chủ động trên 3.000 ha, cơ bản đáp ứng được nguồn cung cấp sắn nguyên liệu cho nhà máy chế biến hoạt động ổn định.

Trong những năm đầu mới hoạt động, doanh thu Công ty đạt khoảng từ 30-50 tỷ đồng, đóng góp ngân sách Nhà nước khoảng 3-5 tỷ đồng/năm. Công ty phấn đấu trong những năm tới doanh thu đạt trên 50 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách khoảng trên 5 tỷ đồng, duy trì việc làm ổn định cho trên 130 lao động, chủ yếu là người tại địa phương có việc làm việc thường xuyên, mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng.

Không những thế, Công ty còn góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng nghìn nông dân tham gia trồng cây nguyên liệu ở các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh nhà phát triển.

Ngoài việc chú trọng việc nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động sản xuất chế biến các sản phẩm, Công ty nỗ lực cải tiến kỹ thuật để làm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm, luôn coi trọng công tác bảo vệ môi trường.

Công ty phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan và các cơ quan, đơn vị có năng lực để nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của hệ thống xử lý chất thải, bảo đảm đem lại hiệu quả cao trong xử lý môi trường của nhà máy bằng công nghệ sinh học.

10 năm tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh (2007-2017), Công ty được sự giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi về chủ trương chính sách của Nhà nước và các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh.

Hiện nay, Công ty đã và đang tích cực thực hiện đầu tư mở rộng sản xuất Nhà máy tinh bột Long Giang với tổng vốn trên 79 tỷ đồng; trang trại nuôi trồng tổng hợp Long Giang quy mô gần 30 tỷ đồng và một số chương trình dự án khác nhằm phát triển chuỗi giá trị sắn cũng như ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động sản xuất chế biến.

Sản phẩm tinh bột sắn của Công ty vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cấp chứng nhận: “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2015”; Bộ Công thương chứng nhận: “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2017” và Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam chứng nhận “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017”.

Chuẩn VietGAP trong sản xuất, kinh doanh

Nhắc đến Công ty CP Thanh Hương tại xã biển Hải Ninh, nhiều người liên tưởng ngay đến thương hiệu rau sạch đang xuất hiện trên thị trường trong tỉnh thời gian qua. Thực tế, Công ty CP Thanh Hương sản xuất kinh doanh tổng hợp, gồm nuôi trồng thủy sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng trọt.

Hiện, Công ty CP Thanh Hương có 10 ha cây trồng; khu chăn nuôi gia súc quy mô với 200 con lợn nái, lợn thịt; nuôi trồng thủy sản với 25ha tôm gồm 60 hồ nuôi, 5ha nuôi cá.

Chủ tịch HĐQT Võ Đại Nghĩa tâm huyết với những gì ông và gia đình chọn đầu tư nơi vùng cát trắng Hải Ninh. Ông Nghĩa xác định trồng rừng, tái sinh rừng ở vùng cát ven biển là một việc làm cần thiết để bảo vệ môi trường hệ sinh thái ven biển, chống cát bay, cát lấp. Vì vậy, ông đầu tư vừa phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản, vừa đầu tư trồng rừng, tái sinh rừng bằng nhiều loại cây lâm nghiệp thích hợp với vùng biển.

Trao đổi về điều này, Võ Đại Nghĩa cho biết, với 10 ha cây lâm nghiệp, bên cạnh cải tạo đất, làm phân bón, Công ty còn ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng trên đất cát, như: vun luống, trồng thành băng, nên đã có tác dụng giữ nước, chống cát chảy, cát bay, tạo điều kiện cho cây phát triển nhanh, hạn chế đến mức tối đa cây giống chết trong mùa hạn.

Qua gần 10 năm cải tạo và trồng mới, vùng đất canh tác của Công ty CP Thanh Hương được phủ xanh với nhiều loại cây khác nhau, như: dừa, dương, keo, lộc vừng...  Bên cạnh đó, Công ty còn đưa một số giống cây ăn quả mới, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất thử nghiệm, từ đó, đúc kết để mở rộng sản xuất đại trà, như: đu đủ, thanh long ruột đỏ, cam Valencia 2 không hạt... Đến nay, thanh long đã cho thu hoạch, hiệu quả về kinh tế khá cao.    

Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, Công ty cho xây dựng, hình thành khu chăn nuôi tập trung theo hướng chăn nuôi công nghiệp với hệ thống chuồng trại khép kín. Khu chăn nuôi lợn siêu nạc đạt hiệu quả kinh tế cao, với quy mô 200 lợn nái; lợn thịt xuất bán từ 3.000-3.500 con/năm.

Ông chủ Võ Đại Nghĩa bên mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.
Ông chủ Võ Đại Nghĩa bên mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.

Bên cạnh đó, Công ty đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng đạt 400- 500 tấn/năm. Với phương pháp nuôi luân canh nhằm cung cấp đủ cho thị trường trong tỉnh và trong nước về thực phẩm tôm tươi sống ở tất cả các mùa trong năm, đặc biệt là vào vụ đông. Nhờ đó, doanh thu của Công ty dần tăng lên hàng năm, trung bình mỗi năm khoảng trên 70 tỷ đồng.

Năm 2016, Công ty đã áp dụng quy trình VietGAP vào nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và trồng trọt với 4 nhóm tiêu chí chính: bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; bảo đảm sức khỏe cho người lao động và phúc lợi xã hội; bảo đảm chất lượng sản phẩm. Kể từ đây, sản phẩm của công ty thường xuyên được tiêu thụ ở các thị trường lớn trong nước, như: Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía bắc. Công ty còn liên kết với chuỗi siêu thị Co.op Mart Quảng Bình nhằm cung cấp cho thị trường trong tỉnh và trên cả nước sản phẩm an toàn, như: thịt lợn, tôm, cá và rau củ quả các loại.

Năm 2010, Công ty CP Thanh Hương trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ về nông nghiệp đầu tiên tại Quảng Bình. Năm 2012, Công ty vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động. Công ty Thanh Hương sẽ tiếp tục mở rộng quy mô với nhiều hạng mục sản xuất kinh doanh khác nhau, tiến tới trở thành một doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Quảng Bình với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa nhiều cây, con giống mới, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, trong đó, chú trọng phát triển tôm thẻ chân trắng Nam Mỹ, cá đối mục (cá loi)... 

Không chỉ dừng lại ở đó, ông Võ Đại Nghĩa cho biết, đến năm 2020 sẽ thiết lập, phát triển khu du lịch nông nghiệp sinh thái ven biển. Đây là hình thức du lịch mang tính quảng bá các sản phẩm rừng và biển mang thương hiệu Thanh Hương.

Trên cơ sở đó, dự kiến đến cuối năm 2017, số lao động thường xuyên của Công ty tăng lên 200 người, Công ty đi vào hoạt động chuyên nghiệp, ổn định và bền vững. Việc phối kết hợp giữa sản xuất nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, chế biến thủy hải sản và đông lạnh cùng với phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái của Công ty CP Thanh Hường là một mô hình kinh tế có tính bền vững và triển vọng về lâu dài trên vùng cát trắng Hải Ninh.

Hương Trà