.

Tiếp lửa "giấc mơ" nông nghiệp công nghệ cao

Chủ Nhật, 06/08/2017, 09:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau nhiều nỗ lực, giờ đây, khái niệm “nông nghiệp công nghệ cao” không còn xa lạ với người nông dân tỉnh ta. Bên cạnh các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn “đổ sức” vào những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô, hiện đại, điều đáng mừng là không ít bà con đã mạnh dạn chinh phục “sân chơi” khó khăn này, mở ra những cơ hội mới trong hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng các quy trình chuỗi sản xuất và góp phần nâng tầm giá trị nông sản địa phương.

 

Sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang (Thanh Thủy, Lệ Thủy) có thị trường tiêu thụ lớn, được người tiêu dùng ưa thích.
Sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang (Thanh Thủy, Lệ Thủy) có thị trường tiêu thụ lớn, được người tiêu dùng ưa thích.

Những ngày hè nắng nóng, trên vùng đất cát Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) những cây cà chua bi giống Thúy Hồng của anh Dương Trí Quang vẫn sum suê trĩu quả. Nhanh tay hái cho chúng tôi một quả chín đỏ, căng mọng, chàng thanh niên sinh năm 1986 này hồ hởi khoe: “Không cần rửa đâu chị, chị có thể ăn ngay tại chỗ vì tụi em trồng theo hướng hữu cơ, sạch từ trong ra ngoài”.

Vậy là đã tròn một năm, bắt đầu từ tháng 8 năm 2016, hai vợ chồng Dương Trí Quang, vốn là những sinh viên tốt nghiệp Đại học Nông-Lâm Huế, bắt tay vào khởi nghiệp tại triền cát trắng của quê hương. Quang tâm sự, sau nhiều năm bôn ba làm việc ở miền Nam, hai vợ chồng quyết định đầu tư sản xuất, làm giàu bằng nghề mình đã học.

Sau khi vay mượn, gom góp với số vốn bỏ ra hơn 1 tỷ đồng, hai vợ chồng mạnh dạn xây dựng nhà màng với diện tích gần 2.000m2. Ban đầu, anh quyết định trồng rau sạch hữu cơ theo hướng thủy canh, vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm.

Tuy mô hình thành công nhưng lại không đủ sức cạnh tranh với thị trường, bởi còn thiếu thương hiệu, giá thành còn cao và nhất là trong bối cảnh còn nhập nhằng rau sạch, rau bẩn như hiện nay. Đầu năm 2017, sau một thời gian nghiên cứu, tích lũy kiến thức, anh lựa chọn trồng dưa lưới và cà chua bi theo hướng hữu cơ trên giá thể với kỳ vọng mang lại kết quả cao nhất.

Để trồng theo công nghệ cao, các yếu tố về kỹ thuật luôn được vợ chồng anh Dương Trí Quang chú trọng. Bên cạnh nhà màng phải bảo đảm các yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng..., công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Isarel phải được thực hiện hiệu quả và chất lượng; giá thể để trồng cây phải đúng với tỷ lệ xơ dừa, tro trấu, phân chuồng, phân hữu cơ....

Đặc biệt, công nghệ sử dụng phân cá để bón cho cây hoàn toàn mới cũng được anh Quang mạnh dạn sử dụng. Theo anh Quang, để tiết kiệm chi phí, anh tiến hành nuôi cá rô đầu vuông ngay trong nhà màng với hệ thống lọc nước, xả thải thường xuyên, sử dụng phân cá qua xử lý nhiều khâu để bón cho cây.

Với kỹ thuật chăm sóc bài bản, khắc phục các yếu tố khắc nghiệt của thời tiết, giống dưa lưới đang phát triển tốt, 3.000 gốc cà chua bi đã cho lứa quả thứ hai với năng suất 3kg quả/cây. Anh Quang chia sẻ thêm, mô hình chuẩn bị đón nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, thị trường tiêu thụ mở rộng ra TP.Đồng Hới, nhiều siêu thị đã đặt thu mua với số lượng lớn.

Tuy nhiên, trước mắt, mô hình cần mở rộng quy mô diện tích và cần một nguồn vốn đầu tư lớn. Đây là khó khăn lớn nhất mà vợ chồng anh đang phải đương đầu và cũng là vật cản chung của nhiều hộ gia đình mong muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Thực tế đáng mừng ở các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt ở tỉnh ta là thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn, người tiêu dùng rất ưa chuộng và hoàn toàn tin tưởng chất lượng sản phẩm.

Cái khó là về nguồn vốn và nhân lực có tay nghề để mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cũng tại Lệ Thủy, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang (Thanh Thủy), vừa ra mắt vào tháng 3-2017, cũng mang lại những tín hiệu đáng mừng. Theo bà Dương Thị Vinh, Giám đốc Hợp tác xã, trên diện tích 3ha, HTX đang trồng dưa lưới và cây ăn quả (dừa, sim) ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi lợn rừng, trồng dừa, nuôi cá, gà...

HTX đã xây dựng được hệ thống 10 nhà màng hiện đại và đã tiến hành trồng dưa lưới trong 6 nhà với diện tích 500 m2/nhà. Sản lượng ban đầu thử nghiệm hứa hẹn từ 5-7 tạ/nhà màng/vụ, trên thực tế năng suất có thể đạt 1 tấn/nhà màng/vụ. Thị trường tiêu thụ sản phẩm mở rộng và hấp dẫn người tiêu dùng. Các công nghệ mà HTX ứng dụng gồm: hệ thống tưới nhỏ giọt của Isarel, điều tiết phân bón qua hệ thống tưới, nhà màng ngăn chặn côn trùng...

Sắp tới, HTX sẽ đưa vào thử nghiệm hệ thống cảm ứng nhiệt độ và phun sương tự động. Sản phẩm dưa lưới của HTX đang được hoàn thiện hồ sơ xác nhận tiêu chuẩn VietGap và hướng tới sản xuất theo hướng hữu cơ. HTX cũng đang tiến hành đăng ký thương hiệu sản phẩm “Dưa lưới Kiến Giang”, tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các nông sản sạch Kiến Giang, Lệ Thủy.

Khó khăn lớn nhất của HTX nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang là nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn (đã hơn 650 triệu đồng) và quy trình sản xuất trên đất cát bạc màu, nghèo dinh dưỡng đòi hỏi nhiều công sức, kinh nghiệm. Về lâu dài, HTX hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại đến nhiều hộ gia đình ở địa phương, góp phần mở rộng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình trồng cà chua bi công nghệ cao của anh Dương Trí Quang (Ngư Thủy Bắc, Lệ Thủy) cho năng suất 3kg/cây.
Mô hình trồng cà chua bi công nghệ cao của anh Dương Trí Quang (Ngư Thủy Bắc, Lệ Thủy) cho năng suất 3kg/cây.

Theo ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ vẫn còn rất hạn chế trên địa bàn tỉnh, chủ yếu còn ở dạng thí điểm, thử nghiệm. Xác định nông nghiệp công nghệ cao là hướng phát triển của Liên minh HTX, Liên minh cũng tích cực mở các lớp nâng cao trình độ kỹ thuật, tay nghề cho xã viên HTX ở nhiều lĩnh vực, nội dung. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt vẫn là vấn đề vốn và cơ chế.

Trên thực tế, nhiều địa phương đã mạnh dạn có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các cá thể, tập thể mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh. Nhưng, sự hỗ trợ này vẫn còn quá ít ỏi, chưa đáp ứng được nhu cầu lớn về nguồn vốn, nhân lực.

Chính vì vậy, đối với những mô hình bước đầu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của chính quyền các cấp, cơ quan chức năng, đặc biệt trong việc tạo nguồn vốn vay, xây dựng chuỗi liên kết 4 nhà, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Mai Nhân